QTV - Gần một tuần nay tại các vùng nuôi trồng thủy sản lớn của huyện Đông Triều (Quảng Ninh) như: Yên Đức, Hoàng Quế, Hồng Thái Tây, Kim Sơn xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt và đang tiếp tục có chiều hướng lan rộng sang các khu vực nuôi khác trong huyện.
Thực tế này đang làm cho nhiều hộ nuôi phải đối mặt với tình trạng mất trắng diện tích chăn thả cá vụ xuân hè năm 2010 và ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất nuôi trồng thủy sản của huyện Đông Triều.
|
Đông Triều đã có trên 140 hecta diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do cá chết hàng loạt |
Anh Nguyễn Văn Gia ở thôn Gia Mô, xã Kim Sơn cho biết: toàn bộ diện tích cá rô phi gia đình chăn thả từ đầu tháng 4 đến nay cứ chết dần và đã có hơn 5 tạ cá rô phi của gia đình bị thiệt hại. Gia đình cũng đã dùng các loại thuốc như Sufat đồng để tẩy nước ao, rồi dùng kháng sinh kết hợp với tỏi băm nhuyễn trộn với thức ăn cho cá nhưng đến giờ phút này vẫn chưa có dấu hiệu gì là khả quan.
Đau buồn nhìn cảnh cá chết hàng loạt trong mấy ngày nay, ông Phạm Văn Trầm, thôn Nội Hoàng, xã Hoàng Quế tâm sự: "vụ cá năm nay gia đình thả 2,5 vạn con giống nhưng cho đến giờ thì chết gần hết rồi. Sáng nào tôi cũng đi vớt cá chết đến 11h trưa để đem đi chôn”.
Qua tìm hiểu tại các hộ chăn nuôi trong vùng và dựa trên kết quả xét nghiệm của TT khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh thì cá bị chết hàng loạt là do vi khuẩn cấp Strep to coccus Sp trên cá. Hiện tượng cá chết ở dạng cấp tính, chết nhiều trong thời gian ngắn là do cá bị nhiễm vi khuẩn kết hợp với thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho một số chỉ tiêu giới hạn trong ao nuôi vượt quá quy định cho phép.
Nhiều ao nuôi nước có mầu xanh đậm, có ao xuất hiện tảo nở hoa, độ PH cao, đặc biệt chỉ tiêu NO2 tại một số ao nuôi vượt quá giới hạn cho phép, ôxy hòa tan trong ao có sự phân tầng... Đây chính là những tác nhân cơ hội làm bệnh bùng phát, lây lan nhanh trên cá rô phi và gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi thủy sản trong vùng.
Theo ông Trương Văn Ngãnh - Phó Trưởng Phòng NN và PTNN huyện Đông Triều, Quảng Ninh, ngành cũng đã có biện pháp chỉ đạo bà con thực hiện một số biện pháp phòng bệnh cho cá và tổng hợp lượng cá chết trong những ngày qua để đề nghị với huyện và tỉnh có chính sách hỗ trợ nhân dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Tính đến ngày hôm nay, Đông Triều đã có trên 140 hecta diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do cá chết hàng loạt. Trong đó vùng nuôi bị thiệt hại nhiều nhất là xã Hoàng Quế với 80/85 hecta. Hiện nay ngoài cá rô phi, đã có thêm một số loại cá như cá trắm cỏ, cá trôi cũng bị chết. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Hội Nông dân các xã đang khẩn trương hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng thực hiện nghiêm túc quy trình phòng bệnh và tiến hành chôn lấp cá chết, tránh tình trạng vứt xác cá chết bừa bãi ra các bờ mương gây ô nhiễm nguồn nước cấp chung cho các hộ nuôi cá khác trong vùng.
Hải Hà