Nông dân làm thuê... cho nông dân

Từ nhiều năm nay, do tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá cao nên hàng nghìn lao động ở các vùng nông thôn có cơ hội tìm được việc làm tại nơi thị thành và các cơ sở công nghiệp, như giày da, dệt may...
Phút giải lao của những người làm vườn tại xã Đồng Thái (An Dương)

Từ nhiều năm nay, do tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá cao nên hàng nghìn lao động ở các vùng nông thôn có cơ hội tìm được việc làm tại nơi thị thành và các cơ sở công nghiệp, như giày da, dệt may... Vì thế, ở nhiều vùng quê Hải Phòng đang diễn ra tình trạng thiếu hụt lao động khiến nhu cầu thuê mướn nhân công ở nông thôn xuất hiện và dần phát triển thành "chợ" trong thời gian gần đây.

 

Nhu cầu thuê mướn nông dân

 

Sớm tinh mơ, chị Nguyễn Thị Mơ ở xã Mỹ Đức, An Lão thức dậy. Sau khi sửa soạn bữa sáng phần chồng con, chị mở khóa chiếc xe đạp cũ mèm, vượt đoạn đường hơn 10km, đến xã An Đồng (An Dương) làm việc. Cũng như chị Mơ, nhiều  phụ nữ tứ xứ cũng đến tụ tại các làng nghề hoa, cây cảnh của huyện An Dương như: An Đồng, Đặng Cương, Đồng Dụ…, để mưu sinh cuộc sống.

 

Ông Nguyễn Văn Quy, chủ vườn hoa, cây cảnh rộng hơn 5000m2 ở thôn Cái Tắt, xã An Đồng cho biết, trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, các làng hoa, cây cảnh nhộn nhịp người làm . Những chủ vườn như ông Quy thường chọn thuê một vài lao động phụ giúp  việc trồng hoa, cây cảnh. Yêu cầu của các chủ vườn khá đơn giản:  tỉa cành, tỉa nhánh, tỉa nụ, làm cỏ, làm đất… Đây là những công việc không thể thay thế sức người bằng bất kỳ loại máy móc nào. Nó cũng đòi hỏi sự chăm chỉ, cần mẫn và khéo léo,  không cần quá nhiều vào sức mạnh. Bởi thế, các  chủ vườn thường thuê phụ nữ. Cũng theo ông Quy, từ nhiều năm nay, do tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá cao nên nhiều nông dân, đặc biệt là lực lượng lao động thanh niên muốn thoát ly nông nghiệp, tìm cơ hội làm việc tại nơi thị thành và các cơ sở công nghiệp, như giày da, dệt may... Vì vậy, dẫn tới thiếu hụt lực lượng lao động ngay tại nông thôn.

 

Thuê người chở đất mới về đổ chân ruộng trồng đào

Thời gian làm việc, theo chị Mơ, từ 7 giờ sáng đến 11 giờ 30 nghỉ ăn trưa. Sau đó, công việc được tiếp tục từ gần 2 giờ tới hơn 5 giờ chiều. Tính trung bình, mỗi ngày một lao động thu được 80.000 đồng - 100.000 đồng, tùy theo tính chất  và mức độ cần thiết của công việc. Người biết ghép giống thu nhập tới 150.000 đồng/ngày.

 

Chị Hoa, một lao động ở Thái Bình, cho hay,  làm việc ở đây được 2 năm. Thời gian đi làm thuê chủ yếu là lúc nông nhàn nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc đồng áng ở nhà. Đường về nhà xa, chị không thể đạp xe đi lại hằng ngày nên cùng bạn bè thuê trọ. Chị Hoa được nhiều chủ vườn quen mặt,  nên  vẫn nhận được những công việc qua điện thoại. Tiền công được trả ngay sau khi kết thúc ngày làm việc. “Nhiều người làm thuê mãi thành quen, hầu hết chủ vườn lại không giấu giếm kinh nghiệm. Bởi thế, khi biết nghề, một số về quê, làm đất trồng hoa cũng cho thu nhập tốt,” chị kể.

 

Hình thành “chợ” lao động chốn thôn quê

 

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tại một số huyện ngoại thành hình thành  chợ lao động ở nông thôn nằm ngay trong các chợ thương mại hằng ngày dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; thường họp từ 4, 5 giờ sáng mỗi ngày.

 

Khác với các chợ lao động ở phố, những người lao động ở nông thôn thường không đon đả chào mời hoặc tranh giành người đến thuê lao động mà ừ tốn, ý tứ trong việc tiếp cận, biểu hiện ý muốn được làm thuê đối với những người đến mướn. Những người "bán mồ hôi" chủ yếu là lao động nông nhàn với độ tuổi khoảng từ 40 trở lên, phần lớn là phụ nữ, đến từ các vùng thuần nông, nơi chưa có cơ sở công nghiệp nào. Họ sẵn sàng nhận làm thuê bất cứ việc gì có thể làm được, như: xây dựng, dọn dẹp nhà cửa, ruộng vườn, đặc biệt là cày, cấy, gặt lúa... Tại nhiều xã ven đô thuộc các huyện An Dương, Thuỷ Nguyên, không ít hộ nông dân thuê mướn lao động từ nơi khác đến làm vườn, ruộng, gieo cấy, gặt hái với tiền công khoảng 40, 50 nghìn đồng/ngày; còn bản thân đi làm việc khác có giá trị ngày công cao hơn.

 

Công việc trồng đào phục vụ cho một vụ đào Tết mới khá vất vả, nhiều chủ vườn đào tại các làng nghề trồng hoa ở Đồng Thái, Đặng Cương phải mượn thêm lao động

Ngoài lao động là dân bản địa, nhiều nông dân từ các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hoá,... cũng đến tìm việc làm ở các chợ quê này. Đáng chú ý, họ đi làm ăn theo nhóm vài ba người để hỗ trợ, giúp nhau trong lúc ốm đau và thường thuê nhà trọ giá rẻ của bà con địa phương nơi đến tìm việc, thậm chí có nhà không lấy tiền, bù lại  người ở nhờ giúp gia chủ nhiều việc vặt. Vì chỉ làm việc nhà nông nên "chợ lao động" chốn quê cũng hoạt động theo mùa vụ, từ đấy họ gặp nhau luôn kết thành bạn, người gần giúp người xa, đến hẹn lại lên, năm sau tiếp tục gặp lại nhau như vậy.

 

Chợ lao động ở vùng quê không chỉ là sự tất yếu của việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, mà còn là nét văn hoá của người nông dân thể hiện sự tương trợ, giúp nhau trong cuộc sống hằng ngày của công đồng dân cư.

 

Thảo Nguyên

Ảnh: Giang Chinh

Đọc thêm