Được cho vay những khoản vay nhỏ một cách dễ dàng, đúng vào tâm lý của các hộ dân đang cần tiền làm ăn, nhiều hộ dân ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Tây có nguy cơ mất nhà vì đã trót ký vào giấy tờ thế chấp nhà cửa mà không hay biết.
Ký giấy tờ thế chấp sổ đỏ mà không biết
Từ năm 2007-2008, Nguyễn Văn Hiệp (xóm Liên Kết, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) đã đứng ra “cò mồi” vay tiền cho hơn 20 hộ dân trong xã. Để được vay tiền, người dân phải ra công chứng ký giấy tờ ủy quyền và thế chấp sổ đỏ cho Cty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp điện máy Thanh An (trụ sở tại 6A, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội). Tổng cộng Cty này đã cho các hộ dân vay 500 triệu đồng. Trong khi đó, với gần 20 quyền sổ đỏ, Cty Thanh An đã thế chấp vay ngân hàng với số tiền gấp 10 lần.
Bà Kiều Thị Thể - một người họ hàng của Hiệp, cũng là người bị Hiệp lừa sổ đỏ - cho biết, bà nhờ Hiệp vay số tiền 20 triệu đồng để cho con trai làm ăn. Hiệp đồng ý vay hộ với điều kiện bà phải thế chấp sổ đỏ cho Hiệp. Khoảng 1 tháng sau, Hiệp đưa bà và 4 hộ dân khác đi đến văn phòng công chứng quận Hà Đông để ký giấy tờ. “Lúc đưa chúng tôi đến ký giấy tờ đã 11h30 phút, do muộn nên Hiệp và nhân viên công chứng đều giục chúng tôi ký nhanh. Họ chỉ đến đâu thì tôi và mọi người ký vào đó. Chúng tôi không có thời gian để đọc nội dung” - bà Thể nói – “Sau khi ký công chứng, Hiệp đưa tôi số tiền 20 triệu đồng và trừ tiền hoa hồng là 1,2 triệu đồng”.
|
Hàng chục người nông dân thiếu hiểu biết đang có nguy cơ mất nhà |
“Sau khi nhận tiền một thời gian, tôi thấy có một cán bộ ngân hàng xuống xem nhà, người này chỉ ngó nghiêng và chụp ảnh căn nhà của bà mà không hề hỏi han về việc bà vay tiền như thế nào” – bà kể. Khoảng 2 tháng sau, nhân viên ngân hàng lại đến yêu cầu bà nộp tiền lãi cho khoản vay 120 triệu đồng. Khi đó, bà Thể mới giật nẩy mình không hiểu sao nhiều tiền đến thế. Bức xúc quá, bà đã nhiều lần tìm gặp Hiệp nhưng Hiệp chỉ nói là sổ đỏ đã bị ngân hàng giữ không lấy được, Hiệp cũng không có tiền để trả.
Một số hộ dân khác cũng bị lừa với tình trạng tương tự. Cho đến khi ngân hàng có thông báo phát mại tài sản do Cty Thanh An không thanh toán tiền nợ gốc và lãi, thì cả chục hộ mới ngã ngửa, có gia đình còn ký cả vào giấy bán đất mà không hề hay biết.
Trở thành nạn nhân của chính mình
Tuy nhiên, không ai có thể ngờ, chỉ vì tham lam mà Nguyễn Văn Hiệp cũng bị mắc chính vào bẫy mà mình đã tạo ra.
Những tưởng ngon ăn, Hiệp tự mình đứng ra thu gom sổ đỏ của họ hàng, láng xóm rồi trực tiếp nhận giấy tờ thế chấp và Hiệp cũng đứng tên trong các hợp đồng cho vay tiền rồi đưa Cty Thanh An vay. Ngay cả bản thân gia đình Hiệp cũng thế chấp sổ đỏ cho Cty Thanh An để vay 200 triệu đồng, giờ cũng đang đứng trước nguy cơ bị mất nhà.
“Hồi đó, ngân hàng giải quyết rất dễ dàng chỉ cần có giấy tờ bảo lãnh cho khoản vay là được. Việc Cty Thanh An vay bao nhiêu tôi cũng không biết, mãi sau Cty không trả ngân hàng đồng lãi nào, ngân hàng mới gửi thông báo về cho các hộ, các hộ mới biết sổ đỏ của mình bị ngân hàng giữ và 5 sổ bảo lãnh cho số tiền vay 2 tỷ của Cty Thanh An. Giờ tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả được số nợ đó” – Nguyễn Văn Hiệp kể.
Như vậy, để được vay số tiền ít ỏi đáp ứng nhu cầu của gia đình một cách nhanh chóng, dễ dàng với một thao tác “đưa sổ đỏ”, nhiều hộ gia đình cả tin ký vào các loại giấy tờ mà không biết đó là giấy tờ gì và trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo, giờ đang đứng trước nguy cơ bị mất nhà.
PVKT