Nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay

“Đời sống, thu nhập ổn định của gia đình tôi như hiện nay cũng nhờ nguồn vốn vay 140 triệu đồng ở Phòng Giao dịch Hòa Sơn thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang đầu tư vào nghề sản xuất đá chẻ”, chị Nguyễn Thị Phượng ở thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn (Hòa Vang) nói với chúng tôi như vậy. 

“Đời sống, thu nhập ổn định của gia đình tôi như hiện nay cũng nhờ nguồn vốn vay 140 triệu đồng ở Phòng Giao dịch Hòa Sơn thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang đầu tư vào nghề sản xuất đá chẻ”, chị Nguyễn Thị Phượng ở thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn (Hòa Vang) nói với chúng tôi như vậy. 

Nhờ vốn vay, hàng chục cơ sở sản xuất đá chẻ ở xã Hòa Sơn đã hoạt động hiệu quả.

Nhờ vốn vay, hàng chục cơ sở sản xuất đá chẻ ở xã Hòa Sơn đã hoạt động hiệu quả. 

Trước đây, thu nhập của gia đình chị Phượng chỉ trông chờ vào việc nấu rượu, nuôi heo. Tất bật suốt ngày nhưng chỉ vượt qua ngưỡng hộ nghèo chút ít. Cách đây 2 năm, khi hoạt động sản xuất đá chẻ tại địa phương phát triển mạnh, vợ chồng chị quyết định vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, gia nhập làng nghề. Được Phòng giao dịch Hòa Sơn - Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho vay 140 triệu đồng, chị mua 3 máy cắt và khá nhiều nguyên liệu. Nhờ năng động và chịu khó, hạch toán hợp lý, chẳng bao lâu cơ sở “sinh sau đẻ muộn” này chiếm vị trí xứng đáng trong hoạt động sản xuất đá chẻ ở Hòa Sơn. Nay gần 20 lao động tại cơ sở của chị ít khi nào rỗi việc.

Vừa qua, để thuận tiện trong giao nhận hàng, vợ chồng chị đầu tư 265 triệu đồng mua ô-tô tải. Chị cho hay: “Từ ngày vay được vốn đầu tư cho nghề mới này, đời sống, thu nhập cải thiện hẳn. Mỗi tháng trừ hết mọi chi phí, kể cả trả ngân hàng, còn khoảng 5 triệu đồng, gấp 3-4 lần so nấu rượu, nuôi heo”. Tương tự, hộ ông Trần Văn Châu ở thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn,  cũng đã có cơ sở sản xuất đá chẻ khi vay 130 triệu đồng đầu tư mua máy móc và nguyên liệu.

Gia đình ông cũng vừa mua ô-tô tải trị giá 270 triệu đồng. Ông Châu cho biết, hoạt động sản xuất đá chẻ khá thuận lợi. Nguyên liệu có sẵn trên địa bàn với 2 mỏ đá Trường Bảy và Hố Mùn. Nghề này công nghệ không phức tạp, lao động phổ thông chỉ học ít hôm là đứng máy. Đầu ra khá thuận lợi, giá dao động từ 40 đến 50 nghìn đồng/m2, tùy loại. Trước đây, cả nhà 3 lao động quanh năm vất vả với 4 sào ruộng mà vẫn thiếu ăn. Nay cơ sở mở ra, không chỉ thu nhập gia đình tăng cao mà thu nhập của 25 lao động cũng khá ổn định, trên dưới 3 triệu đồng/tháng.

Không gia nhập làng nghề đá chẻ nhưng gia đình ông Thái Công Ẩn, cũng ở Phú Thượng, xã Hòa Sơn, đang khá lên từ ươm cây giống. Cách đây 2 năm, với vốn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng, ông mở cơ sở ươm giống cây lâm nghiệp quy mô lớn. Nay cây giống của ông đã vươn tới nhiều địa phương trong khu vực. Nhờ vậy, thu nhập gấp nhiều lần so trước đây. Còn với hộ ông Lê Văn Huân, nhà chênh vênh ở mé đồi gần cuối thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, 30 triệu đồng vay ngân hàng là cơ hội để mở mang chuồng trại, mua con giống, phát triển chăn nuôi. Hộ ông đã thoát nghèo khi mỗi năm xuất chuồng 30-40 tấn heo hơi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Phòng giao dịch Hòa Sơn - Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho rằng:  Hầu như hộ nông dân nào cũng cần vốn để đầu tư sản xuất. Có vốn, họ mở ra nhiều hướng làm ăn hiệu quả. Tính đến nay, Phòng giao dịch đã giải ngân cho gần 1.000 hộ thuộc 4 xã cánh Bắc Hòa Vang vay khoảng 20 tỷ đồng. Chỉ riêng lĩnh vực sản xuất đá chẻ, đã có trên 70 hộ vay. Qua theo dõi, hộ nào cũng làm ăn hiệu quả, đời sống đổi thay trông thấy. Phòng Giao dịch sẽ tiếp tục bám sát nhu cầu của nông dân, tạo điều kiện tối đa cho họ vay vốn đầu tư vào kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng hoa…

Tuy vậy hiện tại, số hộ vay vốn ngân hàng chưa nhiều. Trở ngại lớn nhất đối với họ đó là lãi suất còn cao và thời gian vay ngắn, trong khi hiệu quả sản xuất chưa thật cao. Nhiều nông dân cho biết chưa tiếp cận được vốn vay từ chủ trương vay đến 50 triệu không cần thế chấp...

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

Đọc thêm