Nông dân trồng cây cảnh “làm chơi ăn thật”

(PLO) - Lâu nay, bà con lối xóm vẫn gọi ông Lê Văn Phương (55 tuổi)-Chủ nhiệm CLB Phong Lan-cây cảnh Hương Xuân, trú tại TDP Trung Thôn-phường Hương Xuân với cái tên một cách triều mến “người thổi hồn cho cây” hay “người mê cây”.
Ông Phương đang chăm sóc cây cảnh

Quan sát những cây si, sung, mai, lộc vừng đến chè tàu, hoa giấy, ổi xiêm với hơn 110 chậu… được uốn, tạo dáng mới cảm phục về ý chí, sự khéo léo của ông Phương: “Ban đầu không phải cây nào đem về cũng có dáng, đôi khi chỉ là gốc cây trần trụi. Sau đó, tôi chăm sóc cho cây phát triển bình thường, khi cây có cành, ra lá thì mới bắt đầu hình thành ý tưởng, tạo dáng cho cây.

Để có được một cây tạo dáng hoàn chỉnh phải mất hai đến vài ba năm chăm sóc, cắt tỉa, có cây mất cả hơn chục năm. Trồng, chăm sóc và tạo dáng cho cây cảnh giờ đã trở thành một phần cuộc sống tinh thần và tâm hồn của tôi”, ông Phương chia sẻ.

Ngắm kỹ hàng loạt cây cảnh của vườn nhà ông với những đường cắt, tỉa, đục, trang trí cầu kỳ mới thấy được sự sáng tạo, khéo léo của “nghệ nhân nông dân” này. Để hình thành ý tưởng và tạo dáng cho cây, nhiều đêm liền ông Phương luôn thao thức, trằn trọc suy nghĩ hình hài cho cây. Ông tâm sự: “Tạo dáng cho cây ở tư thế nào để khi hình thành phù hợp luật phong thủy cũng như thẩm mỹ phải tính toán chính xác độ cao từng xăng-ti-mét. Mỗi sản phẩm làm ra sẽ là dấu ấn để lại cho đời nên khi làm phải tập trung, phát huy hết khả năng để tạo ra sản phẩm hoàn mỹ nhất”.

Ông Phương cho biết, vào những năm 80, tranh thủ lúc nông nhàn, ông ươm mai vàng, ổi bán cây giống để cải thiện cuộc sống. Số cây bán chưa hết ngày càng lớn nhanh trở thành hàng ế ẩm. Ngồi nhìn cây mà bùi ngùi, ông nghĩ ra việc tạo dáng cho cây, đơn giản chỉ đỡ phí thời gian nhàn rỗi và bớt tiếc công chăm sóc. Sau đó có người thấy cây đẹp bèn hỏi mua, thế là ông đam mê cây cảnh từ lúc nào không hay, rồi trở thành người chơi cây.

Thấy phong trào cây cảnh ở địa phương có xu hướng phát triển, năm 1995 ông Phương mạnh dạn sử dụng đất vườn của gia đình rộng hơn 100m2 trồng các loại cây như: Lộc vừng, sung, khế, bồ đề, sanh, me… với hơn 200 gốc và hơn 110 chậu rồi uốn, tạo dáng cho cây theo các thế như thác đổ, thế trực, thế bay, ôm đá. Mỗi cây có giá vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Ngoài ra, ông Phương còn trồng trên 500 giò phong lan các loại, mỗi giò có giá trị vài trăm nhìn đến vài triệu đồng. 

Có được năng khiếu bẩm sinh, ông Phương còn được Hội nông dân tỉnh TT Huế, Trạm Khuyến nông-lâm-ngư TX Hương Trà đào tạo lớp sinh vật cảnh, trồng hoa cùng với nghiên cứu qua đọc sách, báo, internet và một số nơi khác học hỏi kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm.

Nhờ đó, chỉ sau vài năm, vườn cây cảnh của gia đình ông Phương phong phú về chủng loại, nhiều cây có dáng đẹp và giá trị kinh tế cao. Nhiều người mới vào nghề cây cảnh ở các nơi khác tìm về học hỏi, ông đều vui lòng chia sẻ kinh nghiệm.

Người đàn ông xứ Huế cho biết thường xuyên giao lưu, trao đổi với các chủ vườn khác trong địa phương để lai tạo giống cây phong phú hơn. Những cây có giá trị lớn và tâm đắc, chủ vườn luôn giữ lại để chơi và thưởng thức. Ấy vậy mà mỗi năm ông Phương bán cây lên tới cả trăm triệu đồng. Người dân địa phương vẫn nói là ông “làm chơi ăn thật”.

Còn với người nông dân mê cây, ông bật mí để có điều kiện chơi cây phải “lây ngắn nuôi dài”. Ông canh tác hơn 5 sào ruộng lúa, sắn, lạc và 2 sào ổi. Ông còn làm đại lý bia, nước giải khát. Nhưng vẫn dành thời gian tham gia CLB cây kiểng của phường Hương Xuân để trao đổi kinh nghiệm.

Ông Phạm Viết Hồng - Chủ tịch Hôi nông dân phường Hương Xuân đánh giá: “Ông Phương là một trong những hội viên tích cực tham gia công tác Hội, là chủ nhiệm CLB tâm huyết. Mô hình của ông ấy được chúng tôi giới thiệu cho nhiều hội viên tham quan học tập. Với mô hình “trồng chơi nhưng ăn thật” này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đáng để nhiều hộ dân khác học tập và làm theo”. Bản thân ông Phương đã được UBND TX Hương Trà, UBND phường Hương Xuân công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. 

Đọc thêm