Nông dân tự cứu cây dâu tây Đà Lạt?

Bỗng dưng rũ lá chết hàng loạt, vùng dâu tây Đà Lạt đã và đang buộc phải nhổ bỏ để thay thế các loại cây trồng khác thấp giá trị kinh tế hơn. Trong lúc các cơ quan chuyên ngành chưa chính thức khuyến cáo xử lý, thì một vài hộ nông dân lại tự áp dụng những cách thức riêng để khôi phục đồng dâu của mình.

Bỗng dưng rũ lá chết hàng loạt, vùng dâu tây Đà Lạt đã và đang buộc phải nhổ bỏ để thay thế các loại cây trồng khác thấp giá trị kinh tế hơn. Trong lúc các cơ quan chuyên ngành chưa chính thức khuyến cáo xử lý, thì một vài hộ nông dân lại tự áp dụng những cách thức riêng để khôi phục đồng dâu của mình.
Nông dân Võ Đức cho rằng dâu tây chết là do bệnh thối rễ.
Nông dân Võ Đức cho rằng dâu tây chết là do bệnh thối rễ.

CHUYÊN CANH THÀNH XEN CANH

Đa Thiện là một vùng dâu tây trọng điểm của Đà Lạt đang tiếp tục thu hẹp diện tích vào thời điểm cuối năm 2010. Chừng 5 năm trước, cánh đồng dâu tây hàng chục ha ( kéo dài từ khu vực Nguyên Tử Lực giáp với khu vực Học viện Lục quân Đà Lạt) phủ một màu xanh ngát, nay chỉ còn lác đác xen canh từng trăm mét vuông đất. Chủ tịch Hội Nông phường 8, Đà Lạt, ông Võ Đình Dị ước tính: Thời hoàng kim từ năm 2007 về trước, diện tích cây dâu tây trồng chuyên canh trên địa bàn Hà Đông, Đa Thiện thuộc phường 8, Đà Lạt lên đến hơn 35 ha. Trung bình mỗi ngày thu rộ trái dâu trên mỗi sào đất trên dưới 50 kg. “Bấy giờ có hộ gia đình phường 8 trồng đến bảy, tám sào dâu tây. Hộ trung bình cũng trồng đến một sào. Thu nhập từ cây dâu tây tính trên diện tích trồng trọt chuyên canh thường gấp cả mười lần trồng rau và gấp đôi cả trồng hoa…”- Ông Dị nói.

Cũng theo ông Dị, cây dâu tây từ Pháp đưa về trồng ở vùng Hà Đông, Đa Thiện của phường 8, Đà Lạt từ những năm ba mươi của thế kỷ trước. Ngay những năm đầu trồng dâu tây ở Đà Lạt nói chung, vùng đất Đa Thiện, Hà Đông nói riêng, đã tỏ ra dễ thích nghi, dễ chăm sóc và đậu trái năng suất, chất lượng được thị trường trong nước ưa chuộng. Dâu chỉ trồng hơn 3 tháng là bắt đầu thu hoạch quanh năm. Việc nhân giống dâu khá đơn giản, chỉ cắt đọt và giâm xuống đất là bén rễ thành cây mới. Dâu trồng thành từng luống, có khả năng chịu mưa, chịu nắng ngoài trời của cao nguyên Đà Lạt. Vừa dễ trồng, vừa hiệu quả kinh tế cao từ vùng chuyên canh dâu tây ở phường 8, Đà Lạt đã kích thích sự hình thành và phát triển một làng nghề sản xuất đặc sản dâu tây đến nay với trên dưới 60 hộ gia đình. Khách du lịch trong và ngoài nước đến làng đặc sản được dịp tham quan và trực tiếp hái trái dâu ăn tại vườn, cũng như thưởng thức các loại mứt dâu, rượu dâu chế biến với hương vị chỉ đặc trưng Đà Lạt.

Tuy nhiên, bắt đầu từ sau năm 2007 đến nay, cây dâu tây bỗng đổ bệnh cục bộ trên từng luống, rồi sau đó lan rộng đại trà khắp vùng chuyên canh. Cây dâu trồng lâu năm chết đã đành, dâu trồng mới cũng chết theo. Triệu chứng bắt đầu từ lá dâu màu xanh đậm chuyển sang màu úa đỏ, da trái dâu nổi lên từng chấm đen rồi thối rữa. Hậu quả từ 35 ha dâu chuyên canh, nông dân phường 8, Đà Lạt từ nhổ bỏ dần dần  đến nhổ bỏ hàng loạt, đến những ngày cuối năm 2010, chỉ giữ lại hoặc trồng mới những diện tích xen canh chưa tới 10 ha giữa các loài rau, hoa khác. Đến thời điểm cuối tháng 12/2010, một sào dâu ở đây hái trái mỗi tuần chưa tới 20 kg. Trong khi giá mỗi ký dâu tây đang tăng lên từ 80 ngàn đồng đến 90 ngàn đồng.

NÔNG DÂN TỰ CỨU ĐƯỢC DÂU ?

Trong lúc dâu tây cả vùng Đà Lạt đang mất phần lớn diện tích, thì có một nông dân vẫn kiên trì giữ lại. Ông là Võ Đức, 60 tuổi, chủ vườn dâu tây 5 sào, trồng hơn 9 năm ở vùng Đa Thiện, Đà Lạt. Dù đang thiệt hại trên 35% diện tích, nhưng vườn dâu của ông Đức nhất định không trồng xen canh bất kỳ một loài cây trồng nào khác. Ngày đêm mày mò tự nghiên cứu trên vườn dâu, ông Đức tự tin đưa ra kết luận dâu chết là do bệnh thối rễ. Bệnh này có căn nguyên từ người trồng dâu bón quá liều lượng phân hóa học và bơm quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên nhân khác nữa là thói quen bón phân cá thường xuyên đã làm cho đất chai cứng, nồng độ muối tăng cao từng ngày, rễ không bám được sâu vào đất nên dâu cháy lá và chết. Ngoài ra, việc lạm dụng bón thúc “bội thực” phân vô cơ cũng là nguyên nhân khiến cây dâu chết nhanh nhất. Và bởi vậy theo ông Đức, dâu tây ở phường 8, Đà Lạt chết hàng loạt là hoàn toàn không phải do thời tiết.    

Vào giữa tháng 10/2010, ông Võ Đức giành riêng 1.000 mét vuông/5.000 mét vuông đất dâu để khắc phục bệnh thối rễ bằng những thử nghiệm riêng mình. Ông Đức xới lại từng luống đất cho tơi xốp, đồng thời tìm mua được sản phẩm phân hữu cơ sinh học chuyên trị các nấm bệnh và tuyến trùng phá rễ dâu tây từ tỉnh Bình Dương về bón kết hợp với phân chuồng tại địa phương. Cùng với chế độ tưới tiêu thích hợp, cắt đọt trên những hàng cây bén rễ khỏe mạnh để trồng lại những hàng cây chết trước đây, ông Đức đã khôi phục vườn dâu 1.000 mét vuông thử nghiệm của mình từ úa vàng trở lại xanh thẫm. Kết quả với gốc dâu cũ trên 1.000 mét vuông đất khôi phục thử nghiệm sau hơn hai tháng, ông Đức thu hái trái mỗi ngày từ 4 kg, tăng lên 12 kg; những hàng dâu trồng dặm mới, lớp đã kết hoa trắng to, lớp đã đậu trái bói căng đầy. Hiện ông Đức đang tiếp tục thử nghiệm phương pháp cứu cây dâu tương tự trên 4.000 mét vuông đất có dâu còn lại của mình. Ông Đức cho biết thêm, ông cũng đã hướng dẫn 2 hộ trong khu phố cứu được trên 2 sào dâu đang chết dần.    

Thực địa khôi phục cây dâu của nông dân Võ Đức khá khả quan. Nhưng với ông Võ Đình Dị, Chủ tịch Hội Nông dân phường 8, Đà Lạt thì: Hội Nông dân phường 8, Đà Lạt đang tiếp tục theo dõi và chờ kết luận chính thức của các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp mới tổ chức phổ biến rộng rãi kỹ thuật, phương pháp cứu cây dâu tây của nông dân Võ Đức để áp dụng đại trà vùng dâu tây trên địa bàn. 
Văn Việt

Đọc thêm