Năm 2020 ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng thấy: thiên tai khốc liệt, dịch bệnh nguy hiểm có những ảnh hưởng lớn tới sản xuất. Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành vừa phòng, chống tốt dịch bệnh.
Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh về các cơ chế, chính sách, đề án đã được ban hành để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tập trung khuyến khích chuyển đổi diện tích sản phẩm nông nghiệp kém hiệu quả, không phù hợp với địa phương để thu hút đầu tư phát triển mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực, có lợi thế.
Lai Châu đang hình thành các vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa tập trung,ảnh: Thanh Sơn |
Ngành nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.
Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Năm 2020, Tổng sản phẩm ngành Nông nghiệp ước đạt 1.770 tỷ đồng, chiếm 15,5% giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng ước đạt 4%. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 220 nghìn tấn, đạt 100% kế hoạch; diện tích chè trồng mới 760ha, đạt 127,52% kế hoạch; diện tích trồng mới cây ăn quả ước đạt 977ha, đạt 651,33% so với mục tiêu đề ra; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 2.653 tấn, đạt 101,02% kế hoạch; bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 15,5 tiêu chí/xã, đạt mục tiêu đề ra…
Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của tỉnh Lai Châu, năm 2020, dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra nhưng nhiều chỉ tiêu ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đã khẳng định vai trò trụ đỡ, đảm bảo an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho lao động xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đồng thời, tạo ra tiền đề tốt hơn cho giai đoạn phát triển sắp tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, với tinh thần nhìn thẳng những tồn tại, hạn chế, năm 2020 ngành vẫn còn một số điểm cần khắc phục như: Quá trình phát triển vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để thu hút khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn…
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Tân Uyên. Ảnh: Trường Giang |
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, toàn ngành nông nghiệp tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có".
Ngành Nông nghiệp tỉnh Lai Châu đề ra 8 mục tiêu, trong đó phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt 222 nghìn tấn, chè trồng mới 680ha, trồng mới cây ăn quả 585ha, tốc độ tăng đàn gia súc trên 5%, có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến bình quân đạt 15,9 tiêu chí nông thôn mới/xã…
Để đạt các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra một số giải pháp như: chỉ đạo thực hiện gieo trồng đúng thời vụ, hoàn thành và vượt diện tích được giao; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, thực hiện tái đàn lợn an toàn ở những nơi có đủ điều kiện. Tăng cường và gắn trách nhiệm của các ngành, các cấp là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới trong chỉ đạo, chịu trách nhiệm giải trình kết quả thực hiện tiêu chí được phân công…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng đến xây dựng chuỗi liên kết, ổn định đầu ra cho nông sản; phát triển nông nghiệp số; đưa hàng hóa từ nông thôn lên thành thị; tiếp tục xây dựng nông thôn mới; bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại người và tài sản