Nông, thuỷ sản Quảng Ninh "tìm đường" đến với các đầu mối tiêu thụ

(PLVN) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản, tập trung tháo gỡ khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng giới thiệu về thủy hải sản Quảng Ninh, tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long (TP Hà Nội).

Mới đây, tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long (Hà Nội), tỉnh Quảng Ninh khai mạc Tuần giới thiệu các sản phẩm OCOP và thủy hải sản Quảng Ninh. Sự kiện này có sự tham gia của trên 37 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh; mang đến 237 sản phẩm OCOP và thủy hải sản tươi sống của Quảng Ninh như: Ngao hai cùi, hàu, cá song, cá vược, tôm sú, ốc đá, ốc hương, ghẹ, bề bề...

Không chỉ là dịp để người tiêu dùng Thủ đô thưởng thức các sản phẩm nông sản đặc sản, hải sản của tỉnh Quảng Ninh, Tuần lễ giới thiệu cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, chế biến, các cơ sở nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh xúc tiến thương mại sản phẩm của đơn vị đến thị trường Hà Nội và các tỉnh/thành phố khác, góp phần phát triển thị trường nội địa.

Trong khuôn khổ tuần lễ giới thiệu, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội nghị quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm thủy sản Quảng Ninh đến các tập đoàn phân phối lớn, đơn vị kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội: Tập đoàn Central Rentail Việt Nam, Mega Market Việt Nam, Coopmart Hà Nội...

Tại hội nghị đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh thủy sản Quảng Ninh cũng đã ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản an toàn đến tay người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội.

Đồng thời, qua hội nghị các đơn vị phân phối của bộ phận thu mua của hệ thống siêu thị BigC miền Bắc, MM Mega, Coopmart Hà Nội đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, chế biến, nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh để hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn thủ tục quy trình tham gia vào chuỗi hệ thống bán lẻ của các tập đoàn trong thời gian tới.

Để tạo thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được kết nối và phân phối rộng rãi trên hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại ở mọi thị trường; các sở, ngành và các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đối với các thị trường tiêu thụ nội địa, Sở Công Thương Quảng Ninh cũng đã chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có thị trường tiêu thụ, sức mua lớn để kết nối, tiêu thụ thủy sản Quảng Ninh vào các Trung tâm thương mại, chợ đầu mối thủy sản tại đây.

Các kênh tiêu thụ được khai thác một cách triệt để, trong đó có những kênh kết nối online (qua mạng xã hội, trang thương mại điện tử lớn như shopee, lazada...) và thanh toán trực tuyến. Công tác truyền thông được triển khai sâu rộng, không chỉ trên địa bàn toàn tỉnh mà còn hướng tới các tỉnh, thành phố khác.

Về phía các doanh nghiệp, một số đơn vị đã chủ động thực hiện tốt việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể như Công ty VinEnco đã kết nối tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi nhà hàng, bếp ăn tập thể của công ty trên toàn quốc. Một số đơn vị khác như: Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188, Công ty TNHH Long Hải, HTX Chất lượng cao Hoa Phong... cũng ký kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, các bếp ăn tập thể của ngành than, trường học bán trú, trường học tập trung có bếp ăn tập thể trên địa bàn toàn tỉnh.

 Người dân Hà Nội mua các sản phẩm hải sản tươi sống của Quảng Ninh được bày bán tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long.

Đi liền với đó, tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động xuất khẩu nông sản, các sở, ngành, địa phương cũng đã tham mưu, đề xuất cho tỉnh thực hiện một loạt các giải pháp: Xin chủ trương của Chính phủ cho phép mở lại điểm xuất hàng, trong đó ưu tiên giải quyết xuất hàng nông sản, thủy sản; giải quyết các vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu; hỗ trợ thủ tục thông quan tại các cửa khẩu, lối mở trên biên giới; tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực thị trường Đông Bắc Á.

Hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản với các tham tán thương mại (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ) để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản trên cả nước để thu hút hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu, lối mở biên giới đường bộ tỉnh Quảng Ninh...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến một số mặt hàng nông sản trên địa bàn tiêu thụ chậm, tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động trong tỉnh, đặc biệt là công nhân, lao động ngành Than, trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, học sinh, sinh viên bằng tình cảm, trách nhiệm và những hành động cụ thể xung kích đi đầu thực hiện Cuộc vận động “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”, với trọng tâm là thúc đẩy, kích cầu toàn diện du lịch nội địa, sử dụng sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong tỉnh.

Theo đó, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mỗi gia đình, mỗi người hãy thay đổi thói quen tiêu dùng hằng ngày từ việc tăng tỷ lệ hải sản trong mỗi bữa ăn; tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm, tham quan, du lịch trong tỉnh đến việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần vừa bảo đảm ổn định đời sống, việc làm của nhân dân, vừa tạo ra giá trị gia tăng mới.

Với sự quyết liệt của chính quyền, sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, nông sản Quảng Ninh tiếp tục khẳng định giá trị, thương hiệu trên thị trường trong nước và vươn tầm quốc tế, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra.

Đọc thêm