NSND Đặng Nhật Minh - Người kể chuyện đất nước chân thành

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã có cuộc trò chuyện với phóng viên ngay khi trở về từ Mỹ. Ông cho rằng “cứ làm phim cho hay, đừng sợ người ta không biết đến mình”.

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã có cuộc trò chuyện với phóng viên ngay khi trở về từ Mỹ. Ông cho rằng “cứ làm phim cho hay, đừng sợ người ta không biết đến mình”.- Ấn tượng lớn nhất của ông về chuyến đi này?  -  Sự chuyên nghiệp và cách tôn trọng các nghệ sĩ của ban tổ chức. Tháng 11, chương trình mới diễn ra nhưng từ tháng 9, người ta đã gửi thư mời tham dự để tôi có thời gian sắp xếp, chuẩn bị. Việc chọn phim nào trình chiếu trong chương trình, họ cũng đều làm hết, họ chỉ báo cho mình biết để tham dự. Thú thực, tôi rất ngạc nhiên. Trước nay, tôi vẫn nghĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ chỉ quan tâm đến những nền điện ảnh lớn, họ như người khổng lồ, quan tâm gì đến những chú tí hon. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Chuyến đi này cũng giúp tôi cải chính rằng không phải thế giới không biết đến Việt Nam, nền điện ảnh Việt Nam cũng không đến nỗi mờ nhạt quá như người ta vẫn nghĩ. Nếu mờ nhạt quá thì họ giới thiệu với khán giả làm gì, họ cũng nhìn thấy triển vọng của ta chứ. Sau lễ chào mừng mà báo chí ta hay gọi là “tôn vinh” do đích thân Phó Giám đốc Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ Phil Robinson dẫn chương trình, bộ phim Mùa ổi đã được trình chiếu tại rạp Samuel Goldwyn, rạp chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ. Khá đông khán giả đến xem phim, trong đó có cả diễn viên Kiều Chinh, một gương mặt quen thuộc của người Việt tại Mỹ. Cô ấy lái xe suốt 4 giờ để đến gặp chúng tôi, xem không thiếu phim nào và nói với tôi đầy xúc động: “Đây là ngày lịch sử của điện ảnh Việt Nam”.
Mô tả ảnh.
NSND Đặng Nhật Minh và nghệ sĩ Kiều Chinh tại Mỹ .
- Sau sự kiện này, liệu chúng ta có quyền hy vọng đến những cơ hội cho phim Việt Nam ở nước ngoài? - Nói đến cơ hội, phải phân biệt rạch ròi. Một là cơ hội được giải thưởng ở các liên hoan phim (LHP) để nâng cao uy tín của điện ảnh Việt Nam. Hai là cơ hội để các nhà phát hành nước ngoài mua phim Việt Nam chiếu cho khán giả của họ. Hai cơ hội này khác nhau hoàn toàn, có những phim được giải nhưng không ai mua nhưng lại có những phim được mua mà người ta không hề quan tâm xem nó có giải hay không. Phim sâu sắc, tinh tế, đặc biệt là mới mẻ, mới mong lọt mắt xanh của những giám khảo. Còn lọt vào mắt xanh của những người mua phim phải theo nhiều tiêu chí khác mà tôi thì không thành thạo điều này lắm. Tôi làm phim theo guồng quay của công chức Nhà nước, lấy nhuận bút xong là thôi, không có một đồng nào quảng bá cho phim hết. Đến việc bán được bao nhiêu bản phim, người ta cũng không nói cho tôi biết. - Với kinh nghiệm “chinh chiến” nhiều LHP, ông có thấy le lói tia hy vọng gì cho việc xâm nhập thị trường nước ngoài của phim Việt?  - Nói đến “thị trường” là nói đến một quy luật mà ở đó ta phải quảng bá, phải làm tiếp thị, phải tìm hiểu, tính toán kỹ càng với một chi phí lớn. Tôi e là khó. Còn nếu chỉ xâm nhập hiểu theo cách đến với những sinh hoạt điện ảnh, được các chuyên gia thế giới biết đến thì tôi nghĩ là có hy vọng, miễn là chúng ta có phim hay. Cứ làm phim cho hay, đừng sợ người ta không biết đến mình.- Ông có nói đến làm phim theo kiểu công chức. Điều này có ý nghĩa gì? - Cả thế hệ chúng tôi làm phim với một nhà sản xuất là Nhà nước, một nhà phát hành là Nhà nước. Trong guồng quay này, các đạo diễn chờ xếp hàng để làm phim, nếu anh không làm thì đứng sang một bên, sẽ có ngay người khác thế chỗ. Tuy nhiên, trong khoảng đất chật hẹp ấy, tôi vẫn có thể làm phim theo cách tôi muốn, đó là tự viết lấy kịch bản của mình. Tôi làm phim theo rung động trái tim chứ không khô cứng, giáo điều. Nói cách khác, tôi tự tồn tại trong một cơ chế công chức.- Với những khó khăn của cơ chế ấy, nếu so sánh, ông thấy phim của ông với các đạo diễn trẻ bây giờ có khác nhau nhiều?
Trong lễ tôn vinh, NSND Đặng Nhật Minh tự nhận mình không có những phát hiện gì trong hình thức và ngôn ngữ điện ảnh mà chỉ là người kể chuyện về đất nước mình một cách chân thành.
- Đó cũng là câu mà ông Phil Robinson đã hỏi tôi. Tất nhiên là khác chứ. Các đạo diễn trẻ quan tâm nhiều đến hình thức và ngôn ngữ điện ảnh, còn tôi lại quan tâm đến câu chuyện mình sẽ kể với mọi người. Tôi tìm những hình thức thích hợp nhất với nội dung đơn giản nhất, sáng sủa nhất và hiệu quả nhất. Phát biểu trong lễ tôn vinh, tôi cũng tự nhận mình không có những phát hiện gì trong hình thức và ngôn ngữ điện ảnh, tôi chỉ là người kể chuyện về đất nước mình một cách chân thành. Và các chuyên gia Mỹ cũng công nhận điều đó.- Ông có một câu chuyện nào đó sắp kể với khán giả? - Tôi vẫn đang suy nghĩ, nói chung là phải từ từ, phải tích lũy cảm xúc, không thì trái tim rung động liên tục sẽ thành đau mất. Sức khỏe còn là còn cơ hội làm việc mà.- Giả dụ nếu có một hãng phim tư nhân nào mời ông thoát ra khỏi guồng máy làm phim kiểu công chức, ông có sẵn lòng thay đổi? - Mừng chứ. Nhưng cũng phải làm phim có điều kiện. Thời bao cấp làm phim bằng trái tim thì làm phim cho tư nhân cũng phải trên nguyên tắc đó. Nếu có một đống tiền mà không thích thì cũng chối từ.
Đạo diễn VN đầu tiên được vinh danh
 
Chương trình giới thiệu phim Việt Nam với tên gọi New Voices from Vietnam (Những tiếng nói mới từ Việt Nam) do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ tổ chức, diễn ra từ ngày 5 đến 14-11, tại Hollywood, nhằm vinh danh những phim Việt được đánh giá cao trong thập niên vừa qua (2000-2010). Ngày 10-11, tại nhà hát Samuel Goldwyn - Beverly Hills, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ và Viện Tư liệu phim - Truyền hình Đại học UCLA đã tổ chức lễ tôn vinh sự cống hiến của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh với điện ảnh Việt Nam. Ông là đạo diễn đầu tiên của Việt Nam được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ tôn vinh.
Theo Yến Anh
NLĐ

Đọc thêm