NSND Doãn Hoàng Giang: “Tôi là trăng mười ba”

Tóc búi tó, mũ lưỡi trai, quần hộp, giày khủng bố… cùng những vở diễn và nhiều giai thoại hư, thực lẫn lộn là hình ảnh của Doãn Hoàng Giang. Người nghệ sỹ được mệnh danh là “quả cầu lửa” này có ma lực đặc biệt - càng sôi nổi phơi bày mình bao nhiêu càng như một vùng hoang vu kỳ lạ chưa từng khám phá… 
 

Tóc búi tó, mũ lưỡi trai, quần hộp, giày khủng bố… cùng những vở diễn và nhiều giai thoại hư, thực lẫn lộn là hình ảnh của Doãn Hoàng Giang. Người nghệ sỹ được mệnh danh “quả cầu lửa” này có ma lực đặc biệt - càng sôi nổi phơi bày mình bao nhiêu càng như một vùng hoang vu kỳ lạ chưa từng khám phá… 
 
- Anh trông đợi điều gì ở sân khấu trong năm Tân Mão, thưa đạo diễn Doãn Hoàng Giang?

- Ðối với sân khấu Việt Nam, vấn đề chính nằm ở cách nhìn. Tôi nhận thấy các cấp quản lý rất sợ những gì khác thường, mặc dù ngoài miệng luôn khuyến khích: “Các anh cứ sáng tạo đi!”. Thực tế thì luôn có người cầm còi đứng giữa ngã tư, dù trong nghệ thuật đôi khi chính những lối đi trái chiều, lấn tuyến, vượt đèn đỏ lại là những ngã rẽ tuyệt vời, miễn là cách đi đó không tông ai, không xô ngã nhà ai.

Thực tế, khi có một anh Chí Phèo, một chị Thị Nở thì còn có thu hút, chứ đã có tới 5-7 Chí Phèo - Thị Nở thì đó là một vấn đề nan giải. Đó là sự báo động, báo động sân khấu Việt Nam đang thiếu những kịch bản hay, trích đoạn hay. Tôi mong năm tới sân khấu sẽ là nơi để các nghệ sĩ dám khoe những gì họ mới nghĩ ra, dù có thể cái mới thường xuyên xuất hiện trong dáng vẻ điên rồ và khó chấp nhận, còn hơn vuốt ve những cái khóa an toàn đã cũ. Sân khấu muốn hấp dẫn được khán giả thì phải áp dụng các quy luật của sân cỏ. Tính xung đột được đẩy đến cao trào, yếu tố bất ngờ… Rồi sân cỏ cần ngôi sao, sân khấu cũng cần có ngôi sao. Đương nhiên, đó phải là những ngôi sao sáng bằng tài năng chứ không phải nhờ lăng xê. Sân khấu của tôi có 1% khán giả của sân cỏ là đã mãn nguyện rồi.

- Là một đạo diễn tả xung, hữu đột khắp các lĩnh vực kịch nói, cải lương, chèo… Nhìn lại chặng đường một năm qua, anh có suy nghĩ gì?

- Tôi thấy buồn khi năm qua vẫn cứ... đắt sô. Phải nói hơi “yết kiêu” là có sự hấp dẫn, cách làm việc và hiệu quả nghệ thuật là điều chắc chắn phải có, chứ các đoàn không ngu gì bỏ ra 100-200 triệu đồng dựng vở. Tử vi nói chừng nào Giang biết nói không thì đời Giang mới sướng. Có lẽ thời gian tới sẽ phải nói một loạt chữ không.

Tôi tin rằng Lê Hùng hay Trần Ngọc Giàu cũng không sung sướng gì lắm đâu. Cũng có lúc chúng tôi cảm thấy oai, thấy mình đã lên hàng ông mà người ta vẫn tin tưởng, trọng dụng. Nếu nhìn ra xa, thì đây vẫn là một nỗi cô đơn lớn. Ðường đua hiu hắt chỉ có một mình thì còn gì hứng thú nữa. Tôi luôn thèm cảm giác được cay cú, ghen tỵ với bạn nghề để mình phải gắng gỏi...

- Người ta nói, Doãn Hoàng Giang là đạo diễn có tiếng “lắm trò”, là kẻ “phá chèo”, cách tân cải lương... Khi dựng những vở đón Tết này, anh đã tính đến mảng, miếng nào để thu hút khán giả?

- Nếu bây giờ tôi vẫn cứ “lau chùi” Nhân danh công lý, Hà Mi của tôi, Nàng Sita… thì có nghĩa là Doãn Hoàng Giang chẳng có cái gì. Tết này, tôi sẽ đạo diễn một loạt các vở “cách tân” cho Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Chèo Quân đội. Tiết tấu của chèo cổ lỗ - cứ i a í a, mà tôi giễu nhại là vừa diễn vừa nghĩ. Lối tiết tấu mà 5-7 phút không cho người xem biết một thông tin gì mới, thì những khán giả trẻ chắc chắn sẽ nản.

Chèo là vốn quý của cha ông, nhưng để phục vụ cho đời sống đương đại thì còn có một số nhược điểm. Tôi mong góp một hơi thở mới cho chèo hiện đại. Có người nói rằng tôi nhảy lên bàn thờ ông cha vứt cái nọ, quăng cái kia… là lầm lẫn. Tôi luôn tôn trọng di vật của ông cha để lại như bước vào một viện bảo tàng.

- Cảm giác của anh thế nào khi “mùa xuân sang... già thêm một tuổi”?

- Về công việc, phong độ  tôi chưa bao giờ nghĩ mình không trẻ, chỉ khi cô nào chào “Bác ạ” mới giật mình, thì ra mình đã già. Chứ nếu gặp mấy cô diễn viên cứ nhảy lên chồm chồm gọi “Anh ơi”, “Thày ơi” thì nghĩa là mình còn rất trẻ.

Hiện giờ tôi vẫn đi như điên, một lúc làm tới 4-5 vở. Tôi vẫn háo hức, vẫn đầy ắp ý tưởng sáng tạo trong đầu. Nhiều người xem kịch bản của tôi thấy trong đó cả sự ngỗ ngược với những con người trẻ đầy sức sống.

Làm nghệ thuật mà nghĩ rằng mình đã vươn tới đỉnh cao thì coi như đã bắt đầu xuống dốc. Trái chín là trái sắp rụng, trăng tròn là trăng sắp khuyết. Trên con đường nghệ thuật, tôi luôn nghĩ mình chỉ là trái ổi ương, là trăng 12, 13… Thực tình, tôi hầu như không có khái niệm về thời gian. Vào việc là quên hết tuổi tác, là thấy mình vẫn sung mãn như thằng Giang hồi 24, 25 tuổi. Gặp em nào đẹp vẫn cứ ôm chầm chập, các em nhảy, mình cũng nhảy.

- Một người nổi tiếng “chịu chơi” như Doãn Hoàng Giang “chơi” gì trong năm 2011?

- Tôi có khoảng 15 chiếc camera. Cứ thấy cần phải quay cảnh nào mà không có máy, tôi mua ngay một chiếc. Máy ảnh loại mấy chấm... tôi có cũng mấy chục cái. Đồng hồ đeo tay độ 20-30 chiếc. Còn bật lửa vài trăm chiếc mà toàn đồ xịn, Zippo vài ba trăm đô-la là chuyện thường. Cái tôi đang dùng đây có giá hơn 1.000 đô-la. Bút máy năm, sáu trăm chiếc, toàn thứ trứ danh. Chơi xịn thứ hai là quần áo, mỗi cái đều có giá vài trăm đô-la cả. Tiền rải rác là chỗ đó. Cho nên người ta tính, với số vở tôi dựng là tôi giàu ghê gớm, nhưng cuối cùng có gì đâu. Tôi định để dành 100 cây vàng để mua nhà thì khi đủ vàng giá nhà đã lên đến 200 cây rồi, đuổi theo đến 200 cây thì nó lên 400. Thôi thì... kệ nó.

Giàu thì không nhưng tôi thuộc loại sướng nhất Việt Nam. Tết nào cũng ăm ắp, đủ đầy, chẳng thiếu thứ gì. Có người làm ra tiền mà ăn không dám ăn, mặc chẳng dám mặc. Tôi làm việc như một con trâu cày, nên phải được ăn cỏ non, mùa rét phải được đắp bao tải ấm. Cái gì hay, cái gì đẹp tôi chơi. Tôi làm việc cật lực để “trả thù” cho cái thời nhìn người ta đi xe đạp mà thèm khát, cái thời gặm bánh mì suốt hai năm trời để vùi đầu vào Thư viện quốc gia…

- Vì sao anh vẫn là “Giang cô đơn”, Giang “một mình lẻ bóng”?

- Kể từ khi ly hôn năm 1977, tôi quyết định không tục huyền. Thứ nhất là thương con, tôi muốn dành trọn vẹn sự săn sóc cho con trai của mình. Thứ hai, tôi không thích sự chắp nối. Tôi đã viết  vở Người con cô đơn để tự răn mình: khi chia tay, đừng vì hạnh phúc riêng tư mà bỏ đứa con bơ vơ, lạc lõng.

Có lần, một cô gái yêu tôi mua vé để đi xem phim ngoài rạp. Tôi hỏi: “Em mua mấy cái?”, cô ấy bảo: “Em mua 2 cái”. Tôi thất vọng hẳn và nói với cô ấy: “Em nhầm rồi, lẽ ra em phải mua 3 cái chứ, để cho anh, em và thằng Lâm (con trai) cùng đi”. Tôi giữ gìn đến mức không bao giờ để con trai tôi nhìn thấy cha nó chở một người phụ nữ khác hoặc thậm chí là tiễn chân một người phụ nữ khác ra khỏi cửa. Bây giờ con tôi đã có vợ, có con nhưng tôi vẫn nối điện thoại thường xuyên với nó. Tôi vẫn có cảm giác con tôi phải nằm trong tầm kiểm soát ngầm của tôi.

- Anh có khát khao có một điểm tựa nào đó thật an toàn và thật hiểu mình?

- Nhiều khi đêm về, nằm một mình trên cái giường rộng thênh thang, với đống sách chất cao trên đầu giường, với tivi lãng xẹt thấy đời vô nghĩa lý. Nhất là khi Lâm lấy vợ thì mới thấy buồn thê thảm. Trước khi Lâm lấy vợ thì tại phòng khách, có thể  bố con thức suốt đêm tâm sự với nhau đủ mọi chuyện, rồi hò hét xem bóng đá, đêm đói lại gọi chị giúp việc dậy nấu cho hai bố con cái gì ăn. Nhưng bây giờ con nó có vợ rồi, nó phải lo toan cho vợ con nó. Nhiều khi mình phải bảo con: “Thôi con đi lên nhà chơi với vợ với con con đi”. Và khi con nó lên rồi còn lại một mình với chiếc tivi, với một trận bóng đá, với một cuốn phim nào đó hoặc là vào mạng. Lúc đó thật kinh khủng.

Mà cũng may tôi chưa có trận ốm nặng nào, nếu như chẳng may mình ốm nặng thì tất nhiên con trai sẽ chăm nom mình, nhưng làm sao bằng một người phụ nữ. Người ta có câu “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Rồi cuộc đời người ta có câu “Cơm vợ thì ngon, cơm con thì đắng...”. Đời cảnh giác rất nhiều chuyện, nhưng thôi mình đành chấp nhận, vì mình đã đổi lấy cuộc sống như vậy. Tuy nhiên, nhiều khi từ trong sâu thẳm, tôi vẫn mong chờ, hy vọng rồi biết đâu lại chả gặp một phụ nữ mà mình yêu quá, yêu đến nỗi tôi muốn vứt quách cái cuộc sống tự do, kịch chả kịch thì thôi.

Thu Hồng (thực hiện)

Đọc thêm