1. Tư gia NSND Thái Bảo nép bên Gò Đống Đa, nơi vừa diễn ra sự kiện văn hóa lịch sử - kỷ niệm 200 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, một trong các dòng chảy của lịch sử giữ nước. Ra Tết căn nhà chị còn đầy ắp xuân. NSND Thái Bảo và chồng chị, NSƯT Anh Tuấn tiếp tôi. Câu chuyện bắt đầu từ quê hương nơi sinh ra chị.
Thái Bảo sinh ra trong một gia đình trí thức ở thành phố Vinh - Nghệ An, chị xa nhà từ năm 10 tuổi. Lúc đầu, Thái Bảo vừa theo học đàn bầu, vừa học văn hoá tại Trường Âm nhạc Việt Nam.
Thời mới ra Hà Nội học, chị là người nhỏ nhắn nhất trong lớp. Nhỏ nhắn nhưng bù lại trời phú cho chị khuôn mặt tròn trĩnh, nước da trắng hồng và đôi mắt đen nhánh. Vì vẻ dễ thương đó mà chị được các bác bảo vệ và bạn bè trong ký túc xá rất quý mến. Hàng ngày ra thùng thư để lục thư nhà, các bác bảo vệ bao giờ cũng cho chị mượn một cái ghế gỗ để đứng lên thò tay vào thùng lục thư. Những hôm không có thư, Thải Bảo buồn khóc, các bác bảo vệ lại dỗ dành và vỗ về như con cái của mình.
Trong một lần dự Liên hoan Sinh viên ba nước Đông Dương được tổ chức ở Viên Chăn - Lào, Thái Bảo đã ngẫu hứng ôm ghi-ta hát một ca khúc Lào. Giọng hát của chị đã khiến tất cả mọi người sửng sốt bởi âm thanh khàn khàn lạ tai đầy chất trữ tình quyến rũ. Với “trái tim truyền lửa”, Thái Bảo đã thắp sáng sự nghiệp ca hát của mình trong nhiều năm liền khi về công tác tại đoàn Ca múa Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).
|
Thái Bảo biểu diễn phục vụ bộ đội. |
Trong câu chuyện của mình, có ba người được Thái Bảo nhắc đến với lòng biết ơn sâu sắc. Đầu tiên là nghệ sĩ đàn bầu NSND Thanh Tâm. Bà đã phát hiện ra cô bé có bàn tay với những ngón trắng trẻo, thon dài và tuyển Thái Bảo vào nhạc viện.
Người thứ hai là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Ông đã nhận ra giọng hát trầm, khàn đặc biệt của Thái Bảo và cho Thái Bảo một cơ hội được phát triển giọng hát của mình. 17 tuổi, Thái Bảo trở thành nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, đứng chung sân khấu cùng với những tên tuổi như NSND Thu Hiền, NSND Thanh Huyền, Kiều Hưng, Ái Vân, Lệ Quyên, Quang Thọ...
Người thứ ba là nhạc sĩ Trần Hoàn với 3 ca khúc của ông mà Thái Bảo thể hiện rất thành công là Mưa rơi, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Thăm bến Nhà rồng.
Những năm 80 của thế kỷ XX, Thái Bảo là một hiện tượng trong đời sống âm nhạc. Hình ảnh cô ca sĩ trẻ trung, trong sáng ôm đàn ghi ta ngồi hát có một sức hấp dẫn đặc biệt với khán giả. Chị nhớ lại khi đi diễn ở Hải Phòng, khán giả vỗ tay không ngớt khi nghe Thái Bảo hát. Họ chờ đợi để được nhìn thấy Thái Bảo ở ngoài đời ra sao.
Thái Bảo là một ca sĩ rất đam mê với nghề và nỗ lực phấn đấu không ngừng. Chị luôn tìm tòi, sáng tạo và làm mới mình để không nhàm chán. Bên cạnh giọng hát đặc biệt chị luôn tạo dựng cho mình một lối hát riêng, một phong cách riêng và một hình ảnh riêng để không bị lẫn với ai khác.
Rất nhiều “bài tủ” của chị đã đi vào lòng công chúng như: Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Vết chân tròn trên cát, Thăm Bến Nhà Rồng, Mùa xuân bên cửa sổ, Thời hoa đỏ…Năm 2018, NSND. Thái Bảo cho ra mắt CD “Giấc mơ vô thường” gồm 10 ca khúc như Sang ngang, Bài không tên số 2, Thu sầu, Ướt mi, Bài không tên số 4, Mùa đông của anh, Cho người tình lỡ, Nửa hồn thuơng đau, Bài không tên cuối cùng, Niệm khúc cuối (song ca cùng Tùng Dương) được khán giả đón nhận với tình cẩm trân trọng.
Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Nghe nhìn Thăng Long – đơn vị sản xuât CD nhận xét: “Thái Bảo hát hay, vừa phiêu bồng vừa lý trí. Với Thái Bảo, từ trang phục đến cách trang điểm, đến từng động tác đều được chị dụng công chăm chút”. Anh kể, ngay như ca khúc Cỏ Lau (sáng tác mới của nhạc Phạm Hồng Sơn, thơ Ngô Đức Hành, phối khí Dương Đức Thụy), Thái Bảo cũng thu âm đến 3 lần, chị không dễ bằng lòng về các sản phẩm âm nhạc của mình.
“Tôi sợ cô đơn nhưng lại thích hát những tình khúc buồn bởi đời người ai rồi cũng ít nhất một lần vấp ngã để giờ đây sẽ là những trải nghiệm, những phút trải lòng và những kỷ niệm gói ghém mang theo. Ngày còn trẻ khi buồn tôi hay tìm đến những cuộc vui để bù lấp nhưng bây giờ thì ngược lại. Tôi đã chọn cho mình một sự bình yên bởi những ồn ào, những điều không thật và sáo rỗng khiến cho mình chẳng vui mà thêm phần mệt mỏi”, nữ nghệ sĩ gốc xứ Nghệ bộc bạch.
Tôi biết, giữa sự thay đổi chóng mặt của dòng nhạc thị trường, Thái Bảo an phận với hình ảnh một nghệ sĩ kiểu mẫu “công chức” từ nhiều năm nay. Chị tin ở lao động nghệ thuật tử tế và công chúng tử tế. Chị chỉn chu và chính những điều đó đã mang cho chị một cuộc sống bình yên. Chị và chồng là NSƯT Anh Tuấn cùng công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Con trai chị tên là Nguyễn Bảo Anh đã tốt nghiệp ngành kèn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
|
2. Trong câu chuyện của mình, Thái Bảo nói nhiều về tuổi thơ. Đó là những năm tháng chiến tranh, bom đạn, mẹ chị, một thủ thư của thư viện, với đôi quang gánh một bên là con, một bên là sách để đi sơ tán. "Tôi là con út trong gia đình, được mẹ rất cưng chiều. Mẹ tôi thường bảo tôi là đứa con Trời cho mẹ, vì khi có thai tôi, vì nhà con đông, mẹ 4 lần tới trạm xá để phá thai, nhưng rồi bà quyết giữ lại. Cha tôi trước đây là Giám đốc Bảo tàng Kim Liên tại Nam Đàn. Gia đình chúng tôi là gia đình trí thức nghèo. Đông con, nên vườn rau lang của mẹ không bao giờ kịp trổ mầm cho chúng tôi hái. Những năm sơ tán, mặc dù cha làm giám đốc nhưng ông sợ mang tiếng nên mẹ con tôi đi sơ tán không được vào ở phòng riêng của ông. Mẹ đưa tôi ở trong một cái đình làng, bên cạnh là kho chứa thuốc sâu. Tôi đi học về thì đi nhặt lá đa khô cho mẹ nhóm lửa nấu cơm. Cha mẹ mong tôi sau này lớn lên sẽ học hành chu đáo để trở thành một nhà giáo. Nhưng rồi tôi lại là một ca sĩ...".
"Tôi rất hạnh phúc vì thời đó được khán giả vô cùng hâm mộ. Dù ca sĩ lúc đó nghèo lắm. Nghèo đến mức áo quần đi diễn phải đi mượn của một người chị, chứ không có tiền để may". NSND. Thái Bảo được nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: “Thái Bảo là một giong ca không quá trẻ nhưng chẳng chịu già”. Mà đúng thế thật, cả chất giọng, tâm hồn và diện mạo. Nhìn chị quá trẻ so với tuổi. NSND Thái Bảo như người đứng giữa hai thế hệ ca hát để mang thông điệp tình yêu đến cho mọi người: luôn lặng lẽ, cẩn trọng và nghiêm túc trau dồi nghệ thuật ca hát và diễn tấu cây đàn bầu.
Tháng 4/2012, đoàn nghệ sĩ Việt Nam tham gia Liên hoan âm nhạc mùa xuân Bình Nhưỡng tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, trong đó có Thái Bảo. Cô đã xuất sắc giành cúp Bạc với ca khúc Fascination (không có cúp Vàng). Ca sỹ Thái Bảo được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2001, Nghệ sĩ nhân dân năm 2016. Năm 2014, Thái Bảo dành được Huy chương Vàng với bài hát “Đàn cầm dây vũ dây văn” của nhạc sỹ Nguyễn Cường.
Năm 2018 dường như là một năm đặc biệt với chị, cuối tháng 5 được tháp tùng chuyến thăm cấp nguyên thủ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Nhật Bản, biểu diễn là yết kiến Nhật Hoàng. Cuối năm, chị được tham gia Đoàn biểu diễn tại Canada.
Thái Bảo nếm trải cả những năm tháng chiến tranh, chị có tình yêu đặc biệt với người lính và những ca khúc về người lính.
Vào đầu những năm 1984 - 1987, Thái Bảo có 3 lần được cùng đoàn đi phục vụ bộ đội và nhân dân Việt Nam ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Phong Thổ, Điện Biên (thuộc Lai Châu cũ) và Móng Cái (Quảng Ninh).... Khi đó, tiếng súng đã lắng xuống nhưng sự khốc liệt của chiến tranh vẫn còn ám ảnh.
|
NSND Thái Bảo kể: “Đoàn đi qua một đoạn đường dài, ăn sương ngủ đất, đói và rét thấu xương. Sân khấu không đèn, không micrô. Hát đến cả chục bài không đủ. Quần áo có đúng một "bộ củ" mua ở chợ Sáng bên Lào mặc suốt cả chuyến đi giặt phơi khô rồi mặc. Trước giờ diễn bôi bôi quẹt quẹt, miễn là mắt đen sì và đôi môi cứ đỏ chót là được.
Đêm đi diễn về được các anh bộ đội nấu cho một nồi cháo gà to như cái thùng phi là điều xa xỉ. Trèo đèo lội suối rét buốt với những đêm mưa rừng rả rích. Hôm nào được các anh bộ đội đón bằng ô tô Com-mang-ca là khấp khởi từ chiều sung sướng lắm! Trẻ nhất đoàn nên các cô các chú rất thương. Có 2 đêm tôi được nằm cùng giường với cố thi sĩ Xuân Quỳnh. Ai cũng sợ ma nên cô Quỳnh đọc thơ và kể chuyện để ko còn sợ ma nữa! Ngày đó được song hành cùng những ngôi sao lớn là điều hãnh diện và thật hạnh phúc với tôi.
Có lúc chân phải lội bùn đứng hát cho bộ đội nghe. Hát xong bài hát thì chân đã lún sâu xuống bùn, không bước ra được. Lại có lúc vừa hát vừa phải đứng lấp ló trên sân khấu thôi, vì sợ đạn bắn tỉa của kẻ thù có thể tới bất cứ lúc nào. Có những kỷ niệm xúc động đến nỗi chỉ nhớ lại đã ứa nước mắt.
Là khi tôi hát ca khúc "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến cho bộ đội nghe, các anh thích quá, lặn lội 15 cây số đường rừng trong đêm mưa tầm tã đến lán trại của Đoàn chỉ để được Thái Bảo chép cho phần lời của bài hát. Không có bàn ghế, tôi lấy lưng chiến sĩ làm bàn để chép nhạc. Nhìn bóng các anh đi khuất vào cơn mưa, tôi đứng lặng, âm thầm khóc vì thương các anh quá".
Giờ đây tất cả những câu chuyện đẹp ấy đã đi vào quá khứ. Người khoẻ người ốm, người ở người đi chỉ còn lại những tấm hình rưng rưng đầy cảm xúc. Có một thời xa vắng/Có một thời đẹp lắm/Có một thời nhớ thương”, Thái Bảo khe khẽ hát và chìm trong ký ức với tất cả tự hào, trân trọng.
Đối diện với NSND Thái Bảo tôi càng nhận ra ý nghĩa của những giây phút bình yên và giá trị của hòa bình, đối với mỗi dân tộc cũng như cá nhân từng con người trên đất nước Việt Nam thân yêu. Ngày này cách đây 40 năm nhắc nhở thêm chúng ta về giá trị ấy.