Trong đêm thi Kịch cùng Bolero, chủ đề "Ký ức vàng son", đạo diễn Ngọc Duyên mang đến tác phẩm "Tắt lửa lòng", cảm tác từ tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, được giới thiệu lần đầu tiên năm 1933.
Tác phẩm nhanh chóng phổ biến và được chuyển thể thành kịch và nhạc. Soạn giả Trần Hữu Trang cũng đã biên kịch lại và chuyển thể lại thành vở cải lương "Lan và Điệp" vào năm 1936. Và cái tên "Lan và Điệp" trở thành huyền thoại từ đó. Khi thể hiện lại tác phẩm này, đạo diễn Ngọc Duyên đã xử lý khác hoàn toàn phần kết của câu chuyện.
Sau khi biết Điệp lên thành phố học và cưới cô tiểu thư nhà giàu Thúy Liễu, Lan đau buồn lên chùa xin được quy y. Điệp lên chùa tìm Lan nhưng Lan tìm cách tránh né. Điệp gặp một ni cô trong chùa và giải thích việc anh bị Thúy Liễu hãm hại chứ bản thân anh không phải là người vong phụ. Trong lúc Điệp chạy khắp nơi tìm Lan thì cô đau đớn, vật vã vì cuộc tình dang dở của mình. Vì quá kiệt sức, Lan ngã xuống hồ sen. Khi Điệp quay lại thì phát hiện Lan đã chết đuối. Vào vai Điệp là diễn viên Quang Thảo, vai Lan là nữ ca sĩ Hạnh Nguyên.
Tiết mục của đạo diễn Ngọc Duyên được đánh giá cao về bối cảnh sân khấu. Chị mượn 3 ca khúc "Lan và Điệp' (1, 2, 3) với sự thể hiện của Quang Thảo và Hạnh Nguyên để diễn tả và tóm lược nội dung câu chuyện. Đặc biệt, Ngọc Duyên đã thực hiện màn “tráo người” thật ngoạn mục trên sân khấu. Lúc nhân vật Lan ngã xuống hồ nước là do diễn viên Hạnh Nguyên đóng nhưng đến khi nhân vật Điệp phát hiện và bế cô lên, không ai nghi ngờ nữ diễn viên lúc này đã được thay thế, đến khi Hạnh Nguyên xuất hiện ở phía trước sân khấu để diễn tả hình ảnh Lan trong hồi ức thì mọi người đều bất ngờ và thán phục không biết nữ đạo diễn đã “tráo” người lúc nào.
Nhận xét chung về tiết mục, NSƯT Kim Xuân cho rằng tiết mục của Ngọc Duyên giống như một tiết mục ca nhạc kịch hơn là 1 câu chuyện kịch. Chị cũng cảm thấy tiếc vì hình ảnh nhân vật Lan xoay lưng thay áo dài sang áo nâu trầm và mái tóc dài không được khéo léo và hợp lý. Đạo diễn Ngọc Duyên lý giải nhân vật Lan trong câu chuyện chưa xuất gia mà chỉ mới lên chùa làm công quả nên chưa xuống tóc và trùm khăn. NSƯT Kim Xuân tiếp tục bắt lỗi bởi nếu đúng như giải thích của Ngọc Duyên thì cô nên bỏ chi tiết Lan cắt tóc và thay màu áo nâu bằng áo lam.
Đạo diễn Việt Trinh cũng đồng ý với ý kiến của NSƯT Kim Xuân. Giám khảo Việt Trinh thắc mắc không hiểu vì sao Ngọc Duyên lại ít để cho 2 diễn viên diễn những cảnh quan trọng mà thay vào đó là các bài hát. Đạo diễn Ngọc Duyên lý giải vì chị muốn thể hiện nhân vật Lan và Điệp không có cơ hội để giải bày cùng nhau.
Nữ danh ca Phương Dung cho rằng Lan và Điệp là tác phẩm kinh điển rất nổi tiếng ở thập niên 50 và từng được tài danh Năm Phỉ mang sang Paris trình diễn và đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt của người Việt và người Pháp. Bà cũng đánh giá cao giọng hát của Quang Thảo và Hạnh Nguyên khi thể hiện xuất sắc 3 bài hát Lan và Điệp trong tác phẩm. Là người hiếm khi rơi nước mắt.
NSƯT Công Ninh đã rơi lệ vì Lan và Điệp bởi đây là câu chuyện mà ông rất yêu thích. Ông cho rằng đây là Romero và Julliet của Việt Nam, thậm chí còn có những khoảnh khắc còn kinh khủng hơn Romero và Julliet. Và khi xem tiết mục của đạo diễn Ngọc Duyên ông thấy tràn ngập lời tự tình, tràn ngập tình người. “Em xử lý dàn đồng ca rất giỏi. Lần đầu tiên trong chương trình tôi thấy dàn đồng ca cất lên tôi thấy nổi gai ốc”.
NSƯT Công Ninh cũng cho rằng đây là 1 tiết mục cảm tác và ông cảm nhận nữ đạo diễn chỉ muốn mượn ý chính của câu chuyện, qua đó lồng vào quan điểm, cách nhìn của mình nên cô dù rất muốn đổi tên 2 nhân vật để khán giả không hiểu lầm nhưng vì sử dụng bài hát mang tên Lan và Điệp nên cô đã không đổi được. Nữ đạo diễn Ngọc Duyên cảm kích NSƯT Công Ninh đã nhìn thấy tâm tư của cô khi dựng vở kịch này.