NSƯT Lê Chức - những trang đời sân khấu

Viết và đọc lời bình chừng 15 lễ hội văn hóa du lịch, khoảng 300 phim tài liệu, đài từ của NSUT Lê Chức vẫn rất chuẩn khi ông truyền đạt kiến thức sân khấu cho các sinh viên Đại học sân khấu và điện ảnh hôm nay.

“Tôi là nghệ sĩ kịch nói. Nhưng ngoài vai trò diễn viên, đạo diễn, tôi  phải lao động cật lực khi viết, giảng dạy, đọc lời bình. Để có được khoản thù lao 4 triệu đồng, tôi đã phải làm việc rất tập trung từ  sáng sớm đến tận tối mịt, đọc và thu”.

 

Lời tâm sự trên là của NSƯT Lê Chức (Phó Chủ tịch thường trực Hội NSSK Việt Nam), vừa qua tuổi 60, một trong số những người con của cố thi sĩ Lê Đại Thanh - thành viên của đại gia đình làm văn học nghệ thuật danh tiếng của thành phố Hải Phòng và Hà Nội. Ông vừa được Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành cuốn sách “ Lê Chức- Những trang đời sân khấu”

 

Gần 500 trang sách khiến người đọc trân trọng về sự cống hiến của ông- một nghệ sĩ có 45 năm dấn thân vào sân khấu, 6 năm học ở  Kiev (Liên xô cũ): Đó là diễn viên sân khấu và điện ảnh, làm thơ, viết báo, chân dung, lý luận phê bình, viết và đọc lời bình các lễ hội văn hóa, du lịch và hàng trăm phim tài liệu. Thành tựu cũng như dấu ấn cá nhân của NSƯT Lê Chức được khẳng định qua những tập thơ: “Từng ngày của mặt trời”, “Vựng tập thi họa Lê Hoa”, nhiều kịch bản cho sân khấu cải lương chung bút với các đồng nghiệp- những kịch tác gia tên tuổi của nước nhà… Riêng về đạo diễn, NSƯT có vở cải lương nổi tiếng “Cây đàn huyền thoại” cảm tác truyện ngắn Chùa Đàn của Nguyễn Tuân công diễn nhiều buổi tại Hải Phòng, gắn liền với quan điểm mới về sự sang trọng của sân khấu cải lương.

 

Ông là người đa tài và có một quá trình lao động không ngừng nghỉ. Trong “Những trang đời sân khấu” người đọc được gặp lại ông ở phần 1 với các kịch bản “Cổ tích một tình yêu” ông viết từ nguyên gốc “Người học trò lấy vợ Cóc” của cha mình- nhà thơ, kịch sĩ Lê Đại Thanh. Vở kịch đã được Audio-Video Sài Gòn thu tiếng, Khoa Cải lương trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội, Đoàn Cải lương Vĩnh Phúc và Ban Văn nghệ VTV1 Đài THVN dàn dựng với thông điệp về sự lãng mạn và tình yêu vĩnh cửu: “Hai trái tim thơ đã nhạt nhòa gió nắng/ Hai nỗi đau như câm lặng/ Đã bật lên thành bài hát ngàn lời/ Câu ca xanh lá/ Cánh diều bồng gió/ Làm thành cổ tích… người ơi!”. Với kịch bản “Hoa tình”, NSƯT Lê Chức viết trên cơ sở phát triển ý tưởng từ truyện ngắn “Hoa Vông vang” của nhà văn Ngô Tự Lập, đã được Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng với tên gọi “Tình yêu trên đảo đá”. Sự am hiểu về loại hình sân khấu cải lương của ông được thể hiện rất rõ qua việc đưa vào kịch bản những làn điệu hay như: Kim tiền bản, Lưu thủy trường, Đoản khúc Lam giang, rồi Lý trăng treo, Lý lu là, Sơn đông hướng mã… Cũng cảm tác từ sáng tác của nhà văn, ông viết kịch bản “Bến tình” (từ truyện ngắn Bến đợi của nhà văn Trần Phong Sơn), “Ức Trai- Sao khuê tận sáng (Lưu Quang Hà)., được dàn dựng bởi các Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Trung ương. Phần 2  là Liên khúc sử thi cách mạng Hồ Chí Minh sáng mãi tên Người (Diễn tại Lễ hội Làng Sen năm 2003), Tây Nguyên – Tiếng hát đêm trăng (Hoạt cảnh thơ phát sóng Đài TNVN). Ở phần 3 “Những trang đời sân khấu” là những bài viết Thử nghiệm ca từ, lời thoại về danh nhân Nguyễn Trãi, thử nghiệm ca từ, lời thoại từ vở tuồng truyền thống “Ngọn lửa Hồng Sơn”… Phần 4 tản bút là những bài viết của ông về đạo diễn trẻ, hình tượng nhân vật và các vấn đề khác của sân khấu. Ngoài ra, ông còn có những ý tưởng văn học hay để dựng những vở diễn, một lễ hội, tổ khúc thơ theo các ngôn ngữ kịch câm, kịch hình thể, múa…

 

Viết và đọc lời bình chừng 15 lễ hội văn hóa du lịch, khoảng 300 phim tài liệu, đài từ của NSUT Lê Chức vẫn rất chuẩn khi ông truyền đạt kiến thức sân khấu cho các sinh viên Đại học sân khấu và điện ảnh hôm nay. Riêng với sân khấu Hải Phòng, NSƯT Lê Chức có mối quan tâm đặc biệt, còn vì Hải Phòng là nơi ông sinh ra, là nơi ông gắn bó với Đoàn kịch nói Hải Phòng và trên hết còn là sự neo đậu của một đình lớn “có nhiều người cùng làm nghề. Và có người thành danh trong sự nhớ của công chúng trong cả những buồn - vui, may - rủi, thành công - thất bại, ngợi khen - đàm tiếu, thị phi” như lời ông từng nói. Tập sách Chức- những trang đời sân khấu” tuy chỉ là phần nửa những gì ông đã viết, đã nghĩ suy và ghi lại thành chữ. Nhưng có thể nét chân dung của một nghệ sĩ đa tài, tâm huyết với nghề nghiệp, với cống hiến cho xã hội  đã hiện ra rất rõ trong ấn phẩm này.

               

Ngọc Anh

Đọc thêm