NTK Võ Việt Chung: Cảm ơn người "phá" mình

"Đôi khi, tôi thầm cảm ơn những người “phá” mình. Để tôi dám đi một mình và làm được nhiều việc đầu tiên, như được hiệp hội UNESCO trao tặng huy hiệu UNESCO, ra thị trường thời trang châu Á… ", nhà thiết kế Võ Việt Chung chia sẻ.

"Đôi khi, tôi thầm cảm ơn những người “phá” mình. Để tôi dám đi một mình và làm được nhiều việc đầu tiên, như được hiệp hội UNESCO trao tặng huy hiệu UNESCO, ra thị trường thời trang châu Á… hay trở thành NTK  chính cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008 tổ chức tại VN…", nhà thiết kế Võ Việt Chung chia sẻ.

Võ Việt Chung sắp bước sang năm thứ 15 trong sự nghiệp của một NTK và kinh doanh thời trang. Sau  khi tạo được tên tuổi tại Sài Gòn, anh bắt đầu mở rộng thị trường ra Hà Nội. Anh phát thảo gu thời trang của người Hà Nội sau thời gian dài nghiên cứu và tìm hiểu ra sao?

NTK thời trang Võ Việt Chung

Về áo dài, người Hà Nội không thích quá cầu kỳ, diêm dúa mà thích đường nét đơn giản nhưng sang trọng. Tuy nhiên, người Bắc hoa mỹ nên tôi muốn những họa tiết tỉ mỉ, thủ công sẽ làm người mặc thích thú. Tôi chú ý đến những tạo hình tinh tế trong hình ảnh đình, miếu ở Hà Nội và có sự đầu tư cả về trang trí, chất liệu, kiểu dáng và phụ kiện để làm các sản phẩm dành riêng cho Hà Nội.

Mấy hôm nay, lang thang trên phố và nhìn ngắm người đi đường, tôi thấy thời tiết đã góp phần tôn thêm nét đẹp thời trang Hà Nội. 4 mùa rõ rệt, nhất là cái lạnh mùa đông xứ Bắc khiến thời trang thu đông ở Hà Nội phát triển. Ở Sài Gòn, mặc áo dài không dùng khăn len nhưng ở Hà Nội, khăn len góp phần tôn thêm vẻ kiêu sa và nền nã của chiếc áo dài. Vì vậy, tôi chú trọng đến phụ trang để làm cho chiếc áo dài đẹp hơn, như khăn quàng, miếng đeo cổ áo... Trang phục thành công phải có sự đầu tư đúng mức, từ màu sắc, kiểu dáng, chất liệu và phụ kiện.

- Anh có nghĩ người Hà Nội kỹ tính trong ăn mặc hơn người Sài Gòn?

Khi ở Sài Gòn, tôi đã phục vụ đối tượng lớn khách hàng là người Hà Nội. Tôi cho đó là thành công rồi. Sợ rằng người dễ tính thì đến với cửa hàng một lần rồi đi không trở lại. Người khó tính nhưng nếu mình vượt qua “cửa ải” đó thì họ sẽ trở lại với mình.

- Tuy nhiên, Hà Nội có nhiều thương hiệu áo dài có tuổi đời vài ba chục năm nay với những cửa hiệu nổi tiếng trên những con phố chính. Anh có nghĩ mình đang bước vào cuộc cạnh tranh khá gay gắt?

Kinh doanh thì dĩ nhiên có cạnh tranh. Nhưng tôi nghĩ, ai cũng có phong cách riêng, điểm mạnh riêng để hướng đến khách hàng của mình. Mỗi nhà thiết kế hay mỗi cửa hàng đều có khách hàng riêng nên tôi quan niệm, đồng nghiệp là bạn, học hỏi kinh nghiệm của nhau để cùng thúc đẩy thời trang phát triển chứ không cạnh tranh theo kiểu đánh đổ nhau.

Cảm ơn những người “phá” mình

- Nhìn lại chặng đường làm nghề, có lúc nào anh suy ngẫm về những “được”, “mất”?

Với tôi, bây giờ đi đến đâu đều có người mến mộ và chia sẻ, đó là cái được lớn nhất. Còn cái được hiện tại là đã đặt chân đến Hà Nội (cười). Khi cánh cửa này khép thì cánh cửa khác mở ra, câu này của ai đó mà tôi rất thích. Những gì mất đi thì sẽ có cái khác bù đắp lại. Cái mất thường đưa đến cho mình nhiều kinh nghiệm hơn cái được.

Mẫu thiết kế trong BST thời trang mang thương hiệu VOV của NTK Võ Việt Chung.

- Có vẻ như anh luôn lạc quan?

Sao sống mà không lạc quan? Ai chưa lạc quan thì chưa phải là sống. Thấy tôi bỏ tiền mở cửa hàng thời trang ở Hà Nội, không ít người hồ nghi, bảo chỉ người Bắc vào Nam làm ăn chứ Nam ra Bắc thì khó. Rồi cũng như anh hỏi, có người nói, Hà Nội nhiều thương hiệu áo dài nổi tiếng rồi, ra làm gì… Nhưng tôi đã chứng kiến trong gần 15 năm qua, có những khách hàng muốn mặc thời trang Võ Việt Chung mà tôi chưa có dịp gặp họ và lắng nghe họ... Tôi tin phong cách thời trang mang âm hưởng thuần khiết châu Á cũng như đặc trưng của vùng đất phương Nam mà tôi đem ra Hà Nội lần này sẽ gây chú ý với người Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ, bởi sự độc đáo và chiều sâu văn hoá của nó.

- Anh có nghĩ đến thất bại khi bắt tay vào việc mới?

Khi làm thì tôi làm hết mình và có niềm tin vào việc làm đó.

- Vậy những chiêu thức cạnh tranh của đồng nghiệp có khiến anh nản?

Nếu không yêu nghề thì tôi bỏ lâu rồi, vì hồi mới ra nghề cũng không ít lần bị cạnh tranh thiếu lành mạnh. Nhưng chính vì sự cạnh tranh và cả những cạnh tranh không lành mạnh khiến tôi nỗ lực vươn lên. Đôi khi, tôi thầm cảm ơn những người “phá” mình. Để tôi dám đi một mình và làm được nhiều việc đầu tiên, như được Hiệp hội UNESCO trao tặng huy hiệu UNESCO, ra thị trường thời trang châu Á… hay trở thành NTK  chính cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008 tổ chức tại VN… Nếu cứ để mình đi thẳng băng thì biết đâu không phấn đấu được như bây giờ?!

- Dường như anh tự tin đến mức tự kiêu?

Anh có nghĩ tôi kiêu? Có ai nghĩ tôi kiêu không? Để có được vị trí hôm nay, tôi có người thương và người ghét là điều bình thường. Tôi luôn mở rộng lòng mình để đối thoại đúng kiểu Nam Bộ chứ không kiểu cách, màu mè. Tôi muốn nghe tiếng nói chân thành từ lòng người chứ không kiêu căng. Nhưng tôi không thể gặp từng người để giải thích khi có người nói không hay về mình hay có ai đó hiểu nhầm mình chỉ vì một vài câu nói.

- Nghĩa là có những chuyện, những việc thì chỉ ta biết riêng ta…

Sống thật với mình mới khó. Tôi nghe tiếng nói từ con tim mình và dĩ nhiên còn lắng nghe khách hàng của mình (cười).

- Ngoài đầu tư vào kinh doanh, anh thường sử dụng tiền vào việc gì?

Dịp cuối năm, tôi cùng một số anh chị em nghệ sĩ thường đi làm từ thiện. Trước đây, tôi có thể bỏ ra cả vài ngàn USD để mua một chiếc túi xách hay quần áo hiệu. Giờ, tôi muốn dùng tiền đó làm việc khác có ý nghĩa hơn trong cuộc sống.

Tôi không uống nỗi buồn một mình

- Người lạc quan thường biết giấu nỗi buồn tận sâu thẳm tận đáy lòng?

Con người thì ai tránh khỏi những lúc vui, buồn; hờn, giận... Đôi khi, tôi buồn và giận nhưng chỉ một cuộc điện thoại hay gặp gỡ ai đó thì dễ quên nhanh. Tôi không uống nỗi buồn một mình. Vả lại, tôi rất dễ ngủ và ngủ say nên cứ thức dậy là quên mất trước đó giận ai, buồn vì cái gì. Nhưng chính lúc buồn khiến tôi nghĩ suy nhiều hơn về những gì đã làm, những người đã gặp. Tôi ở vị trí này cũng có lúc sai chứ. Nhiều khi vô lối quát nạt nhân viên, nghĩ lại thấy mình sai. Không bênh vực cho mình nhưng lúc đó công việc bề bộn, tôi lại nóng tính… Cũng may là anh em trẻ làm việc với nhau lâu rồi nên hiểu tính nhau…

- Anh có giận ai lâu?

Tôi quan niệm, có người này, người kia mới làm nên cuộc sống. Những ai không thích mình thì cũng không để bụng vì để bụng thì làm sao có thời gian để làm tác phẩm. Sáng tạo mà cứ ám ảnh bởi người nào không thích thì sáng tạo ra sao?

- Đàn ông tuổi “băm” như anh chẳng lẽ không có  lúc buồn vì một mình đối diện với nỗi buồn?

Anh định hỏi chuyện riêng hả? Tình yêu thời trang chiếm một phần lớn trong cuộc đời tôi. Hôn nhân thì chưa nghĩ đến vì tôi ưu tiên đầu tư thời gian cho nghề nghiệp. Tôi hạnh phúc vì có nghề phù hợp và tôi yêu nghề này. Còn chuyện riêng thì tôi muốn giữ cho riêng mình.

- Câu trả lời này của anh nghe quen quen…

Thì trả lời là sẽ mời phóng viên đi dự đám cưới nhá (cười lớn)?

- Liệu Hà Nội có làm anh thay đổi “chuyện riêng muốn giữ cho mình” đó?

Trước đây, nhiều BST của tôi lấy cảm hứng sáng tạo từ trang phục của bà, của mẹ và người phương Nam. Sáng nay, thấy các cô gái đi qua cửa hàng, xem mẫu, rồi nghe giọng nói Hà Nội khiến tôi xốn xang... Chắc chắn, những cô gái Hà Nội và người Hà Nội sẽ là một phần trong thời trang và cuộc sống của Võ Việt Chung.

- Xin cảm ơn anh!

Hoàng Thắng
Theo Bee.net.vn

Đọc thêm