Nữ cán bộ Tư pháp tỉnh Thái Nguyên: Tấm gương nhiệt huyết yêu nghề, người cõng luật đi muôn nẻo vùng cao

(PLVN) -Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cũng có một người cán bộ như thế, người được biết đến là một cán bộ gương mẫu, tận tụy và luôn trăn trở, tâm huyết với công việc. Đó là chị Lê Thị Minh Hiếu - Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL – Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên.
Đồng chí Lê Thị Minh Hiếu - Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết thữ hiện Đề án “Nâng cao chất lượng văn bản QPPL tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 – 2020”, ngày 15/4/2021.

Trong nhiều năm trở lại đây, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên là đơn vị luôn giữ vững "ngọn cờ đầu" trong phong trào thi đua của Bộ Tư pháp. Đó là thành tích chung của cả một tập thể đoàn kết và sự nỗ lực đóng góp của mỗi một cá nhân; trong đó, dấu ấn cá nhân của chị Minh Hiếu, được tập thể lãnh đạo Sở và đồng nghiệp ghi nhận.

Chị kể rằng, trở thành công chức ngành Tư pháp ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, Sở Tư pháp là nơi vun đắp tình yêu đầu tiên với nghề luật, để rồi cứ gắn bó mãi và được rèn dũa, trưởng thành mỗi ngày. Điều nhận thấy rất rõ ở người cán bộ này là sự tận tâm với công việc, luôn vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao với những cố gắng cao nhất, luôn có mong muốn được đóng góp trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị với một tinh thần trách nhiệm rất rõ ràng: làm việc vì chính lòng tự trọng của bản thân và hình ảnh của ngành, sự tin cậy của các cơ quan, đơn vị cùng phối hợp trong tham mưu giúp việc cho chính quyền địa phương.

Ký ức không phai của nữ cán bộ Tư pháp

Gắn bó với ngành Tư pháp là một cơ duyên lớn khi vào năm cuối Đại học, chị Minh Hiếu cùng nhóm bạn đến thực tập tại Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên. Ấn tượng về một cơ quan hành chính cấp tỉnh nhưng đa số đội ngũ cán bộ đều lớn tuổi, cơ sở vật chất khó khăn, công tác tư pháp dàn trải nhiều lĩnh vực và chậm đổi mới; vị trí, vai trò và nhiệm vụ còn mờ nhạt.

Nói là cơ duyên bởi thời điểm đó Sở Tư pháp các địa phương vừa thực hiện xong Kế hoạch triển khai thực hiện đợt tổng rà soát và hệ thống văn bản QPPL ban hành kèm theo Quyết định số 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu rà soát toàn bộ các văn bản được ban hành từ sau ngày 02/7/1976 đến hết ngày 31/12/1996, chị Minh Hiếu đã cùng các bạn mình “kích hoạt” 02 dàn máy vi tính cơ quan được tặng nhưng phủ khăn kín bụi do không ai biết sử dụng để gõ những trang bản thảo đầu tiên về hệ thống hóa pháp luật thay cho việc các cô, chú kỳ cạch đánh máy chữ.

Sự kiên trì, tính trách nhiệm của cô sinh viên giản dị, chân thành đã được các cán bộ nhận thấy; và chính các cô chú, các bác đã định hướng cho cô sinh viên ấy mơ ước về một vị trí công việc trong ngành Tư pháp để quyết tâm thi đỗ công chức khi mà thời điểm đó sinh viên trường Luật đang lao đao tìm việc làm.

Chị Minh Hiếu bộc bạch: “Tháng 7 năm 1999, tôi được tuyển dụng vào ngành Tư pháp với thật nhiều bỡ ngỡ, những gì được học ở trường Đại học dường như thật xa lạ với những công việc tôi được giao. Tuy nhiên, chặng đường đầu luôn được tiếp thêm sức mạnh bởi những dòng lịch sử đầy ấn tượng của ngành, khi tôi được nghe, được biết thêm nhiều câu chuyện nghề mà các cô chú, các thế hệ tiền bối kể lại. Những câu chuyện về ngành luôn xuất phát từ những khó khăn, tưởng chừng như “nghẹt thở” của công tác pháp luật thời đó: khó khăn từ sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ; khó khăn về cơ chế quản lý dẫn đến khó có thể phát huy vai trò, vị trí của ngành; đã có lúc thiếu sự ủng hộ đến mức có nguy cơ giải thể ngành Tư pháp, nhưng rồi mọi khó khăn cũng qua đi”.

Quãng thời gian 22 năm công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên, chị Minh Hiếu đã trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó có hai mảng nhiệm vụ mà chị vô cùng tâm huyết, gắn bó là công tác hộ tịch và công tác xây dựng văn bản. Gần 10 năm chị không còn phụ trách mảng hành chính tư pháp nhưng khi nói chuyện về công tác hộ tịch, chị còn rất nặng lòng; nhiều thế hệ cán bộ tư pháp hộ tịch cơ sở tỉnh Thái Nguyên luôn nhớ đến chị như một đồng nghiệp thân thiện, gần gũi, sẵn sàng chia sẻ, gỡ khó cho từng tình huống hộ tịch mà anh em cơ sở chưa nghiên cứu, chưa xử lý kịp thời.

Những kỷ niệm về đăng ký khai sinh cho trẻ em vùng cao, đăng ký hôn nhân thực tế…, với chị mới như ngày hôm qua. Giờ đây, với công tác xây dựng văn bản QPPL, chị cũng tâm huyết như thế, như thể chị sinh ra là để làm các công việc của ngành Tư pháp.

Chia sẻ về ngành Tư pháp, chị bày tỏ: “Đến nay, đã hơn 20 năm là người của ngành Tư pháp, một chặng đường với thật nhiều trải nghiệm quý giá với ngành và tình yêu với nghề mà anh em, đồng chí, đồng nghiệp chúng tôi vẫn gọi là nghề “đọc chữ”. Có lẽ vì thế mà chúng tôi luôn vui đùa với nhau là nhà Tư pháp chả có gì ngoài văn bản; người Tư pháp suốt đời trăn trở đi tìm “căn cứ pháp lý” cho các quyết định chỉ đạo, điều hành từ quan trọng đến thông thường của các cấp chính quyền địa phương. Niềm vui sau tất cả chính là sự tin tưởng, tín nhiệm của các cấp lãnh đạo và của các Sở, Ngành, địa phương. Với tôi, niềm vui với nghề thật là hạnh phúc lớn lao”.

Không chỉ được mọi người biết đến là một cán bộ gương mẫu, tận tụy với công việc, chị Minh Hiếu còn được các thế hệ cán bộ đoàn Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên nhớ đến là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình, đã tạo ra nhiều bứt phá trong hoạt động tình nguyện của thanh niên khi lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật với các chủ đề về phòng chống ma túy, an toàn giao thông, tuyên truyền pháp luật học đường...

Nhớ về những tháng năm tuổi trẻ, chị Hiếu xúc động: “22 năm trở về trước, tôi nhớ rất rõ sự kiện thành lập Chi đoàn Thanh niên và lần đầu tiên, Đoàn viên của Sở Tư pháp không còn phải đi sinh hoạt nhờ, sinh hoạt ghép với các Chi đoàn bạn. Với tôi và lứa đoàn viên ngày ấy đó thực sự là một sự kiện trọng đại, xúc động vô cùng! Có lẽ vì thế mà chúng tôi đã sống những năm tháng tuổi 20 thật rực rỡ khi say mê các hoạt động tình nguyện, mải miết đi khắp các bản làng để tuyên truyền pháp luật”.

Khi tổ chức Trợ giúp pháp lý của Nhà nước được ra đời và thành lập thì cũng vẫn là những thế hệ thanh niên đó đã xung phong cõng luật đến muôn nẻo vùng cao, vùng sâu xa khó khăn của tỉnh Thái Nguyên với một mục tiêu mà ngành Tư pháp luôn đề cao: Làm sao để người dân, nhất là người dân ở những nơi khó khăn, dân trí thấp được biết luật, hiểu luật để thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Những năm tháng thanh niên sôi nổi với trái tim nhiệt huyết của người Bí thư chi đoàn đầu tiên và những hoài bão tuổi thanh xuân là dư vị đẹp đẽ khiến cho tình yêu với ngành Tư pháp, với các công việc của nghề Tư pháp như ăn sâu, đau đáu trong lòng người cán bộ “Chả đi đâu nữa, cứ làm Tư pháp thôi”.

Yêu ngành, yêu cả những công việc khó khăn

Đồng chí Lê Thị Minh Hiếu – Người cán bộ gương mẫu, tận tụy với ngành Tư pháp

Với cương vị hiện tại – Trưởng phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL – chị Minh Hiếu nói cũng là do“duyên số”, khi năm 2013, với chủ trương chuyển đổi vị trí công tác, khi đã được định hướng sang lĩnh vực khác nhưng chị mạnh dạn đề xuất, thậm chí còn “nài nỉ” để được làm công tác xây dựng văn bản – một vị trí công việc khá kén người làm.

Đang từ lĩnh vực giải quyết sự vụ với các thủ tục hành chính cụ thể chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu sâu về thể chế, chính sách cũng có những rào cản, ngại ngần ban đầu. Càng làm việc càng thấy nhiều điều mới mẻ, khám phá được nhiều tri thức pháp luật khiến chị thấy thích thú, cảm thấy công tác văn bản không hề khô khan, khó chịu như đã từng nghe, tất nhiên chị nhận thức rõ đây thực sự là một công việc khó, đòi hỏi trách nhiệm cao với sức ảnh hưởng rộng và để lại hậu quả khôn lường nếu cẩu thả, thiếu kiến thức, trách nhiệm. Ngược lại, nếu làm tốt, hiệu quả thì vai trò, vị trí của ngành Tư pháp quả đúng sẽ là “hữu xạ tự nhiên hương”.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng thể chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật được coi trọng, đề cao; sự tin tưởng luôn gắn với trách nhiệm và yêu cầu khắt khe, thậm chí là những thiệt thòi khi phải âm thầm nghiên cứu, cặm cụi tìm tòi để có thể có những đề xuất chính sách phù hợp, những sáng kiến pháp luật hợp lý nhưng nếu chỉ một sơ xuất nhỏ, một quan điểm sai lệch đã phải chịu phê bình, chê trách… Chị Minh Hiếu cười bảo: làm nghề Tư pháp, yêu cả những lời chê, như thế mới trưởng thành được!

Hơn 20 năm gắn bó với ngành, chị đã vinh dự được nhận nhiều khen thưởng, tuyên dương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh… Với chị, tất cả nhưng động viên, khích lệ đó là chất xúc tác để tình yêu ngành, yêu nghề lớn hơn; những trăn trở, tâm huyết với công việc nhiều hơn và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng thêm trong mỗi chặng đường.

Tôi muốn kết thúc bài viết bằng câu nói vui chân thành của chị: “Đừng nói chị là gương sáng, thực ra chị chỉ làm công việc bình thường như bao đồng chí, đồng nghiệp của mình với một tình yêu nghề theo cách riêng của chị mà thôi”.

Đọc thêm