Nữ cựu tù Côn Đảo trích lương hưu, nuôi trẻ mồ côi sau đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trở về từ Côn Đảo sau khi đất nước được thống nhất, bà Hoàng Thị Khánh làm rất nhiều việc ý nghĩa giúp ích cho đời.

Tham gia chương trình Đời rất đẹp, bà Hoàng Thị Khánh - Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị - tù binh TP HCM mang theo câu chuyện về thời kỳ đỏ lửa của một cựu tù Côn Đảo, những ngày dài khắc nghiệt ở chuồng cọp bị giày vò về thể xác lẫn tinh thần.

Nhưng từ dây thép gai của nhà tù Côn Đảo đã làm bộc lộ và sáng rõ phẩm chất cách mạng kiên cường của các chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Để đến nay, những cựu tù chính trị Côn Đảo dù mang trong mình nhiều thương tích, bệnh tật nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước.

Nhớ lại những tháng ngày bị cầm tù nơi Côn Đảo, bà Hoàng Thị Khánh chia sẻ: “Ra Côn Đảo là một điều không hề dễ dàng. Chúng tôi bị đánh phủ đầu từ khi bị vác dưới tàu lên. Tất cả mọi người đều bị nhốt vào chuồng cọp. Mỗi ngày, bọn chúng cho mỗi người chúng tôi được một lon Guigoz nước (khoảng 0,75 lít nước) để sử dụng cho cả việc ăn uống, vệ sinh, tắm giặt. Đối với nữ, vấn đề vệ sinh khó hơn nam rất nhiều”.

Cựu tù Côn Đảo - Hoàng Thị Khánh kể về những ngày dài khắc nghiệt ở chuồng cọp.
Cựu tù Côn Đảo - Hoàng Thị Khánh kể về những ngày dài khắc nghiệt ở chuồng cọp.

Để vượt qua khó khăn, các chị em cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu có người đến chu kỳ kinh nguyệt, 4 người còn lại chỉ được sử dụng 1/3 lượng nước được phát. Phần còn lại, mọi người sẽ dồn hết cho người kia sử dụng.

Bà Khánh kể thêm: “Ngoài nước ra, vấn đề thứ 2 chúng tôi gặp phải là tuyệt đối không được ra ngoài. Chúng tôi không được tắm nắng, chỉ nằm im co ro trong chuồng cọp. Hễ có ai hô la lên thì vôi bột phía trên sẽ đổ xuống. Vôi bột đổ xuống thì không ngán, nhưng sau đó sẽ bị đổ nước. Lúc đó, vôi bột nóng lên và làm cả người chúng tôi bị lở loét”.

Về vấn đề ăn uống, bà Khánh cho biết đó là điều vô cùng tệ hại: “Mùa nắng, ruồi bay như máy bay trinh sát. Ruồi bay thành từng đàn, con nào con nấy to bằng ngón tay út. Khi con mắm rã ra, bọn chúng đổ lên dĩa cơm cho chúng tôi ăn. Ruồi bâu đến trông như rải một lớp đậu đen. Nhưng nếu không ăn thì chúng tôi sẽ chết, sẽ không còn sức để đấu tranh”.

Trở về từ Côn Đảo sau khi đất nước được thống nhất, bà Hoàng Thị Khánh làm rất nhiều việc ý nghĩa giúp ích cho đời. Hiện tại, bà Hoàng Thị Khánh là Trưởng ban Liên lạc Cựu tù chính trị - tù binh TP HCM. Song song đó, bà Hoàng Thị Khánh còn dành hết cả tâm lực của mình để giúp đỡ cho những người khuyết tật, trẻ mồ côi…

Sau khi đất nước thống nhất, bà làm nhiều việc có ích cho đời. Hiện bà trích lương hưu, nuôi trẻ mồ côi sau đại dịch Covid-19. Ảnh: NSX

Sau khi đất nước thống nhất, bà làm nhiều việc có ích cho đời. Hiện bà trích lương hưu, nuôi trẻ mồ côi sau đại dịch Covid-19. Ảnh: NSX

Trong đại dịch Covid-19, bà Hoàng Thị Khánh luôn nỗ lực và cố gắng giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn. Bà Khánh tâm sự: “Đợt đó, tôi đích thân tham gia hỗ trợ. Tôi chứng kiến nhiều cảnh tượng rất tang thương. Có những cháu mất hết cả cha lẫn mẹ, ông bà nội ngoại 2 bên, chỉ còn lại một mình trơ trọi. Hội Phụ nữ đứng ra đảm nhận nhưng không thể nuôi được cháu.

Sau đó, chúng tôi phát động, vận động mọi người hỗ trợ để nuôi các cháu mồ côi sau dịch Covid-19, hỗ trợ học bổng cho các cháu đến khi kết thúc trung học phổ thông. Tôi và hai đồng chí Phó chủ tịch của Ban Liên lạc Cựu tù hiện đang đỡ đầu cho 11 cháu ở quận 10. Lực lượng của chúng tôi chủ yếu trích từ lương hưu. Có nhiều đồng chí phát biểu nghe rất tội, ví dụ như cô Đào - 91 tuổi nói rằng nếu chết đi sẽ dành hết tiền phúng điếu cho hội”.

Đọc thêm