Nữ "đại gia" Sài Thành cô đơn sập "bẫy" chuyên gia đào mỏ"

Cứ mỗi lần nhìn lại tấm hình người đàn ông đang tình tứ bên mình trong chuyến du lịch “lãng mạn” ngày xưa Đà Lạt, chị Nguyễn Hương Lan (SN 1976, ngụ Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh) lại ê chề khôn xiết. Điều đau đớn nhất với người đàn bà này không phải là bị “đào mỏ” cả tỉ bạc, mà là bị lừa dối tình cảm khiến con cái bị ảnh hưởng, bản thân xấu hổ với bạn bè, người thân.

Cứ mỗi lần nhìn lại tấm hình người đàn ông đang tình tứ bên mình trong chuyến du lịch “lãng mạn” ngày xưa Đà Lạt, chị Nguyễn Hương Lan (SN 1976, ngụ Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh) lại ê chề khôn xiết. Điều đau đớn nhất với người đàn bà này không phải là bị “đào mỏ” cả tỉ bạc, mà là bị lừa dối tình cảm khiến con cái bị ảnh hưởng, bản thân xấu hổ với bạn bè, người thân.

Cô đơn trên mạng

Chị là người phụ nữ có nhan sắc và thành đạt nhưng tình duyên lận đận. Sinh ra trong một gia đình nề nếp, gia giáo ở ngoài Bắc, mối tình đầu với bao ấp ủ bỗng chốc tan vỡ khi chị phát hiện người yêu đầu “tình tay 3” với một cô bạn của mình. Nỗi đau nhân đôi vì bị lừa dối, bị tổn thương, bị phản bội bởi chính hai người mình vốn yêu thương, thân thiết nhất.

Cú sốc tình yêu đầu đời khiến chị vào Nam lập nghiệp, sau đó thì lập gia đình. Chồng chị là người thành đạt, đam mê công việc, là những điểm khiến chị ngưỡng mộ. Nhưng khi cơn “say nắng” qua đi, chị mới nhận ra mình chỉ quý, ngưỡng mộ chồng mà không yêu. Sau hơn mười năm chung sống, họ chia tay nhau trong lặng lẽ, các con ở với mẹ.

Cuộc đời chị bị xáo trộn sau sự ra đi đột ngột của người cha mà chị rất mực yêu quý năm 2011. Chị tâm sự: “Đó còn là sự ân hận của người con chưa làm tròn trách nhiệm với bậc sinh thành. Hồi đó bố tôi ra Bắc để chăm sóc bà nội bệnh tật. Một tháng trước lúc mất, ông gọi điện nói tôi đón ông vào Nam vì thấy trong người mệt mỏi. Nếu lúc ấy tôi gác công việc ra ngay thì bố tôi đã không bị đột quỵ”. Bố là chỗ dựa tinh thần rất lớn của mấy chị em nên sau đám tang, chị luôn sống trong sự ân hận, mất mát. Thấy chị buồn, một người bạn làm cùng rủ chị lên mạng tán gẫu.

Lần đầu tiên lên mạng, chị gặp người đàn ông tên Bình, lớn hơn mình 3 tuổi. Chị nhớ lại: “Khi ấy tôi chẳng tin chuyện tình cảm trên internet, nên lúc đầu chỉ hỏi xã giao, nhưng khi Bình giới thiệu là bộ đội phục viên, hiện là cán bộ nhà nước, lại giải thích lên mạng để “điều tra phản ứng cử tri trước lúc bầu cử” nên tôi đã có thiện cảm rất tốt”.

Kể đến đây, chị chua chát: “Giờ ngồi xâu chuỗi sự việc lại mới thấy mình bị lừa ngay từ lúc đầu”. Lần gặp gỡ đầu tiên, người này giới thiệu làm trong một công ty xây dựng, nhưng liền sau đó lại nói đó chỉ là công việc làm thêm, còn hiện tại là một Chủ tịch UBND một phường gần đây.

Một tháng sau, chị tình cờ phát hiện vị Chủ tịch phường đó là người hoàn toàn khác. Lúc này người đàn ông mới thủ thỉ: “Thật ra anh là phó Bí thư, kiêm Chủ tịch một xã cách đây những 200 km, nếu nói thật thì sợ em không chịu làm quen nên buộc lòng phải nói dối”. Không kiểm chứng kỹ lưỡng, chị đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác.

“Mê hồn trận” đào mỏ

Thiếu phụ cô đơn gặp người đàn ông “thành đạt”, càng ngày càng thân thiết, bất kể chuyện nhỏ chuyện lớn trong gia đình, cuộc sống, công việc đều tâm sự cho nhau nghe. Bắt đầu từ đây là quá trình “giăng bẫy” để giở những chiêu trò đào mỏ của người đàn ông có mục đích “cơm no bò cưỡi”.

Khi Bình tâm sự: “Anh phải ăn cơm bụi nhiều hơn cơm nhà, một bình ga dùng cả năm vẫn chưa hết vì lấy phải cô vợ trẻ thích ăn chơi đua đòi, lại máu me cờ bạc bỏ bê gia đình chồng con. Càng nhịn, vợ càng quá đáng, bất đắc dĩ anh đã ly dị”, chị càng thương Bình hơn.

Từ đó họ liên lạc với nhau mỗi ngày, thứ Bảy, Chủ nhật nào Bình cũng về Sài Gòn thăm chị bất kể mưa nắng. Sau hai tháng, Bình nhỏ nhẹ: “Anh muốn quan hệ tình cảm chúng ta phát triển xa hơn, muốn được làm chồng em. Anh sẽ chứng minh cho mọi người thấy tình yêu trên mạng rất đẹp, thật chứ không hề ảo”.

Chị nhớ lại: “Khi ấy nghĩ bên cạnh mình còn có các con, việc tìm chồng cho mình đồng nghĩa tìm cha cho bọn trẻ, phải cẩn trọng xem ý mọi người và các con”. Bình rất khôn khéo lấy lòng mọi người, không chỉ hai đứa con riêng của chị yêu mến gọi Bình bằng ba xưng con, mà những ai đã từng tiếp xúc đều nói tốt và vun vào cho họ.

Tháng 9/2011, Bình dọn về nhà chị sống cuộc sống như vợ chồng, dự định chờ mãn tang bố vợ sẽ đi đăng ký kết hôn. Chị còn đưa Bình về ngoài Bắc ra mắt họ hàng nội ngoại, cũng từng để Bình đi họp phụ huynh cho các con mình.

Khi đó Bình mới tâm sự: “Anh chỉ biết làm công tác quản lý nhà nước, không có kinh nghiệm làm ăn, những mong kiếm được ít tiền lo cho tương lai chúng ta nên đã hùn vốn vào hai công ty nhưng toàn gặp xui xẻo, chỗ nào cũng thua lỗ. Lái xe thì đụng chết người phải bồi thường tiền, đầu tư trồng mì cũng thất bại, giờ nợ nần ngập đầu, chủ nợ bao vây”. Thương “chồng”, nhiều lần chị tự nguyện đưa tiền cứu “chồng”.

Hai tháng sau, Bình lại gạ gẫm mua nhà mới do “nhà cũ chỉ có hai phòng ngủ, con cái đã lớn nên bất tiện trong sinh hoạt, tiền mua nhà anh sẽ bán hai mảnh đất của mình để trả”. Song khi tìm được nhà, Bình lại viện lý do chưa bán được đất, nói “vợ” trả trước, anh sẽ hoàn lại sau. May mắn là lúc ấy chị mới đầu tư hết tiền vào công ty, chưa xoay kịp tiền nên dừng kế hoạch.

Sau đó mấy hôm Bình lại bàn bạc thuê nhà sống tạm, cũng như lần trước lại bảo tiền thuê nhà, mua sắm trang thiết bị mình sẽ “chi trả sau”, rồi viện lý do chưa bán được đất nhờ chị trả giúp trước. Vậy là gần 200 triệu tiền mua sắm vật dụng và 12 triệu tiền thuê “tổ ấm” mỗi tháng chị đều phải gánh chịu.

Đầu tháng 12/2012, Bình dẫn chị đi mua nhẫn cưới trị giá gần 50 triệu đồng, khi thanh toán tiền lại bảo thẻ bị lỗi không rút được tiền, chị tiếp tục móc tiền ra trả. Lần này có chút kiêng kỵ, chị nói: “Số tiền khác em có thể cho anh, nhưng riêng tiền mua nhẫn cưới là việc của đàn ông, anh nhất định phải trả lại em số tiền này”, Bình cũng đồng ý, lại hẹn bán được đất mới có tiền trả.

Hai tháng sau viện lý do nhà đất “đóng băng”, Bình tiếp tục mượn chị 50 triệu để trả nợ cho bà dì, 40 triệu để trả cho bạn. Sợ chị nghi ngờ, Bình thủ thỉ: “Anh muốn em năm nay sinh cho anh một đứa con để tình cảm vợ chồng thêm gắn bó. Lúc đó anh sẽ bỏ việc để về sống chung với mẹ con em”.

Trăm nỗi ê chề

Trời như sập xuống đầu lúc cái thai trong bụng đã lớn, Bình thổ lộ “đã li hôn vợ cũ năm 2003 và lại tái hôn năm 2008, số đất cát của anh đã bị vợ lén bán lấy tiền tiêu xài hết, nay anh trắng tay”. Mặc vợ hờ lệ rơi lã chã, Bình tiếp tục: “Anh đã làm đơn xin nghỉ việc để về chăm sóc mẹ con em nhưng lãnh đạo chưa duyệt vì trong 3 năm đương chức đã trót làm thất thoát một số tiền lớn, cơ quan đang điều tra. Giờ anh cần phải nộp số tiền ấy vào ngân sách gấp, nếu không sẽ bị kỷ luật, phải hầu tòa. Em cho anh mượn để giải quyết mọi việc”.

Chị cuống cuồng đi vay mượn, huy động song không được. Từ đó Bình viện lý do bận việc, thỉnh thoảng mới ghé qua thăm chị. Lần thăm gần đây nhất cách đây bốn tháng, sau đó dù biết chị đã sinh con cũng không một lần ghé qua.

Kể đến đây chị lại tự trách mình. Trong quá trình chung sống, Bình để lộ rất nhiều sơ hở chứng tỏ vẫn còn quan hệ với vợ “thứ thiệt” nhưng chẳng hiểu sao chị lại lú lẫn không nhận ra. Ê chề nhất là vợ “thứ thiệt” của Bình gọi điện chửi chị ngu, nói chiếc nhẫn cưới mấy chục triệu chị mua anh đã cho chị ta.

Để chứng minh, người đó còn tả tỉ mỉ chiếc nhẫn như thế nào. Thế nhưng khi hỏi, anh bảo bị vợ lấy trộm. “Vậy mà tôi vẫn tin”, chị thở dài,  “Có thể vợ chồng họ cấu kết với nhau lừa tiền tôi”

Buồn nhất là đứa con riêng của chị bị vợ Bình nhiều lần gọi điện thóa mạ, khiến đưa bé nay u uất suốt ngày giam mình trong nhà, chẳng biết nghe người phụ nữ kia nói gì mà giờ chẳng thèm nhìn, chẳng thèm nói với mẹ một câu.

Nhục nhã, xấu hổ, đau đớn, nhiều lần chị từng lên nóc nhà định tự tử, may mắn lúc ấy đứa con trong bụng đạp liên hồi làm chị tỉnh trí. Nay ý định tự tử không còn, nhưng đến phơi nắng cho con cũng không dám vì sợ người xung quanh hỏi về ba đứa bé. Chị cúi đầu ngậm ngùi: “Tôi chỉ mong sao câu chuyện của mình sẽ giúp mọi người tỉnh táo hơn trong tình yêu”.

Hương Trà

*Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

Đọc thêm