“Bà Thanh SOS, chuyên "điểm tâm" bằng rác”
Hỏi thăm đường vào nhà bà Thanh, chúng tôi nhận được những câu hỏi và lời chỉ dẫn vô cùng vui vẻ của người dân nơi đây “bà Thanh SOS đúng không? Cô nhìn theo hướng tôi chỉ nhé! Mà có khi bà Thanh đang đi nhặt rác đó, hôm nào bà Thanh chẳng "điểm tâm" bằng rác”.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà bà. Đang ngơ ngác thì chúng tôi thấy một người phụ nữ dáng người nhỏ bé, rất nhanh nhẹn hoạt bát… chưa để chúng tôi hỏi, bà đã với tay gọi: Có phải cháu hẹn gặp bà không? Bà đợi cháu mà nhặt được 2 đống lá cây rồi, vừa nói bà vừa cười tươi, tay chỉ vào túi lá cây mới nhặt được.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng ngăn nắp, chiếc giá sách nhỏ với nhiều sách báo, tài liệu về Bác Hồ mà hầu hết đã ngả màu theo thời gian được bà Thành gìn giữ cẩn thận. Đây cũng là nơi mà hàng ngày bà vẫn có thói quen “điểm tin sáng” bằng việc đọc báo. Bà mỉm và hỏi chúng tôi “cháu có thấy ánh sáng đủ chưa, nếu chưa đủ thì để bà bật điện lên”. Vì tính bà vốn rất tiết kiệm nên thường tận dụng ánh sáng mặt trời thay vì dùng đèn điện chiếu sáng.
Bắt đầu vào câu chuyện chúng tôi tếu táo hỏi bà, sao mọi người lại nói bà “điểm tâm bằng rác?”
Bà tủm tỉm, ánh mắt như sáng lên rồi nói: Hàng ngày thấy rác ở ngõ, ngách nơi mình ở tôi luôn tranh thủ quét dọn sạch sẽ, với suy nghĩ chỉ vì một việc nhỏ nếu mình không xử lý tốt sẽ nảy sinh mâu thuẫn lớn. Có lần, tôi thấy xác một con chuột chết bốc mùi khó chịu không ai dọn, tôi vội cúi nhặt cho vào xe rác công cộng. Một số người nhìn thấy việc làm này nhưng chưa hiểu tôi nên đã nói: “Bà này điên hay sao mà cứ đi quét đường, hót phân chó, nhặt xác chuột thế nhỉ…” tôi lặng người đi nhưng quyết không nản. Và dần, việc làm của một người “điên” như tôi đã tác động đến xung quanh. Giờ thì khác hẳn, ai nấy trên đường thấy rác bẩn đều chung tay quét, hót sạch sẽ...Và đúng như vậy, con đường dẫn chúng tôi vào tới ngõ nhà bà quả thực sạch sẽ.
Người mẹ SOS
Gia đình bà hiện tại có 6 thành viên là gia đình tứ đại đồng đường sống trong cùng một mái nhà song hàng năm đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa và gia đình hiếu học.
Người bạn đời của bà mất cách đây chưa lâu sau 20 năm tai biến… Trong suốt chừng đó năm trời, bà vừa làm công tác xã hội, vừa làm tròn vai trò của người vợ hiền. Bất kể trời mưa hay nắng, bà đều dìu ông lên chiếc xe lăn đến nơi làm việc để ông ngồi đó cho đến khi xong hết việc.
Bà Ngọc Thanh tặng quà cho các cháu thiếu nhi trong tổ dân phố. |
Khi nhắc nhớ lại thời thơ ấu, khóe mắt bà dưng dưng và khiến mọi người xung quanh không khỏi xúc động trước thời thơ ấu “đặc biệt” của bà.
Bà Thanh chia sẻ: Bởi lẽ năm 2 tuổi rưỡi tôi mồ côi mẹ, 11 tuổi mồ côi cha. Tôi lớn lên nhờ họ hàng chở che cùng với sự vận động của bản thân, tôi phấn đấu, học tập không ngừng, trở thành cán bộ lãnh đạo – Phó Ban nghiên cứu giáo dục mầm non của viện khoa học Giáo dục – Bộ Giáo dục. Năm 1987, tổ chức SOS quốc tế và UBND Thành phố thành lập dự án xây dựng Làng trẻ SOS Hà Nội. Như một cơ duyên, tôi được lựa chọn về làm giám đốc đầu tiên của làng trẻ em Hà Nội và công tác ở đó.
Nhớ lại những ngày đầu đảm nhiệm trọng trách ở Làng trẻ SOS, bà Ngọc Thanh tâm sự, “Khi đó tôi vừa trông coi việc xây dựng làng trẻ vừa tổ chức công việc tìm kiếm và đào tạo cán bộ lại vừa khảo sát và tiếp nhận trẻ… chỉ mong thời gian một ngày dài gấp đôi để mình có thể làm được nhiều hơn…”. Hơn ai hết, bà thấu hiểu hoàn cảnh của các cháu mồ côi, chính vì vậy hàng ngày bà sống rất tiết kiệm để dành tiền làm từ thiện. Cứ vậy bà san sẻ tất cả mọi tình yêu thương, tận tình dạy dỗ những đứa con “trời cho” của mình suốt 10 năm dưới mái nhà SOS.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, mới đây bà đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời với mong muốn dành tặng phần cơ thể mình để mang lại ánh sáng cho người khác. Mỗi năm bà dành hơn 20 triệu đồng để đỡ đầu 15 cháu nhỏ (mỗi cháu 1,2 triệu/năm) và tham gia nhiều chương trình từ thiện khác.
Bà Thanh tâm niệm rằng, “mình làm từ thiện từ trong tâm, không đơn giản chỉ là bỏ ra ít tiền rồi cho các cháu ra sao thì cho mà quan trọng hơn là để mọi người xích lại gần nhau hơn, cần có những lời động viên khích lệ” nói đến đây mà đưa tay lên lau nước mắt khi kể đến tên một vài cháu bà đã từng đỡ đầu. Bà nói về những cái nắm tay, những lời hứa cũng như những lời tâm sự của các cháu với bà…
Đối với bà, làm việc thiện không phải vì những tấm Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương mà vì lợi ích của tập thể, vì niềm vui của mọi người./.
Với những thành tích trong công tác, năm 1967 Bà Trịnh Thị Ngọc Thanh vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng. Cho đến năm 1969 bà được cử đi học chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại trường Đại học sư phạm Gersen Leningrat (Liên Xô cũ).Tốt nghiệp đại học laoij xuất sắc năm 1974, bà về nước công tác tại Ban tâm lý, viện Khoa học giáo dục – Bộ giáo dục.
Là một người được học tập bài bản về chuyên ngành tâm lý giáo dục, lại nghiên cứu về cải cách mầm non cộng thêm tình yêu với con trẻ, năm 1987 bà trở thành nữ giám đốc đầu tiên của làng trẻ SOS Hà Nội. Đến năm 1997 bà nghỉ hưu.
Sau khi nghỉ hưu, bà Thanh về sinh hoạt tại địa phương. Năm 1999, bà Thanh được Đảng ủy phường Dịch Vọng Hậu và nhân dân ở khu dân cư tín nhiệm bầu làm bí thư Chi bộ số 1B kiêm Tổ trưởng dân phố và Phó chủ tịch Hội Khuyến học.
Cá nhân bà nhiều năm liền được UBND quận Cầu Giấy tặng Giấy khen, tặng danh hiệu NTVT cấp quận. 03 lần đạt danh hiệu NTVT tiêu biểu cấp Thành phố (1996, 2014, 2015). 02 lần được Bộ LĐ TB & XH tặng Bằng khen (năm 1992, 1993). Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2007, 2016. Năm 1995 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Được tặng kỷ niệm chương Chữ thập đỏ, kỷ niệm chương Khuyến học.
Bà Trịnh Thị Ngọc Thanh là một trong 9 gương mặt vừa được Hà Nội đề cử danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ Đô năm 2016”.