Người “giữ lửa” gốm Bát Tràng

(PLO) - Tác giả của hơn 70 loại men gốm cổ, “cha đẻ” của bộ quà tặng Nhà nước trong một số hội nghị quốc tế lớn, cũng là người khôi phục hơn 200 món đồ gốm theo nguyên mẫu còn lưu trong sách cổ - Nghệ nhân Trần Văn Độ (ở thôn 3, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), một người đau đáu với văn hóa và nghề truyền thống của cha ông. 
Nghệ nhân Trần Văn Độ giới thiệu về tác phẩm gốm sứ của mình
Nghệ nhân Trần Văn Độ giới thiệu về tác phẩm gốm sứ của mình

Được… “chấm” để giữ nghề gốm

“Bắt” được Trần Văn Độ ngay tại “công trường” ngổn ngang của gia đình, khi ông đang gấp rút chuẩn bị cho một không gian trưng bày gốm để tri ân tổ tiên, dòng tộc đã để lại cho ông cũng như nhân dân Bát Tràng một nghề gốm đầy tinh xảo, một nghề nuôi sống bao thế hệ người dân Bát Tràng và cho Hà Nội sự tự hào về làng nghề truyền thống. 

Trần Văn Độ vào chuyện rất tự nhiên. Ông với tay lấy cơi đựng trầu, mở ra và lấy một miếng trầu rồi cho vào miệng nhai rất ngon lành. Gần 60 tuổi nhưng trông ông vẫn phong độ như một thanh niên, thế nên hình ảnh ông bỏm bẻm nhai trầu khiến cho người đối diện phấn khích lẫn ngạc nhiên, thích thú. 

Chưa kịp để chúng tôi băn khoăn, ông tâm sự “Miếng trầu là đầu câu chuyện, muôn đời vẫn như vậy. Chúng tôi là những người sinh sau, được kế thừa tổ nghiệp, được làm ăn và sinh sống thuận lợi ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn nên tôi trân trọng và nhớ đến ơn nghĩa của tổ tiên”. Có lẽ vì vậy mà việc giữ gìn văn hóa truyền thống là sứ mệnh mà ông đã nguyện gánh vác trên vai mình. 

Ông kể, đã nhiều lần, chính nhờ miếng trầu mà ông đã gặp và chuyện trò được với những người khó tính nhất. Miếng trầu chính là gạch nối thế hệ mà ông đã trải nghiệm và cảm nhận được. Trong những lúc trăn trở, suy tư với nghề gốm, chính miếng trầu đã đưa ông đến những hình ảnh chập chờn lơ lửng trong đầu óc ông, trong giấc ngủ của ông. Đó là lý do mà ông luôn trân trọng giữ gìn văn hóa truyền thống từ một thói quen nhỏ nhất. 

Kể về ngày được “chọn” để gìn giữ nghề gốm truyền thống, ông Độ vẫn không khỏi gai người. Ông bảo, ông nhớ như in khoảnh khắc ông vào đền thờ tổ nghề, quỳ lạy trước văn bia, văn chỉ trong đền, dường như có một luồng điện chạy xoẹt qua người, chỉ khoảng 5-7 giây thôi nhưng ông biết ông đã được “chấm” để nối tiếp, giữ gìn và phát huy nghề gốm. 

Nhưng ông không lấy đó làm tự mãn. Ông vẫn miệt mài bắt đầu học nghề với ông bà, bố mẹ dù từ nhỏ nhiều người đã nhận thấy ông là người có khiếu làm nghề với những đường nét tinh xảo hiếm thấy thể hiện qua những sản phẩm đầu tiên. Ông cần mẫn bưng bê các sản phẩm để tiếp xúc, quan sát, sờ nắn từng đường nét để cảm nhận sự tinh xảo của cha ông để lại. 

Cả một quá trình, bắt đầu từ công nhân xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng, rồi tham gia làm việc tại hợp tác xã đến bây giờ, trở thành một nghệ nhân hun đúc và thổi lửa cho làng nghề gốm là một Trần Văn Độ lúc nào cũng ghi nhớ đến công ơn của tổ nghiệp và tổ tiên, là một Trần Văn Độ luôn tâm niệm làm nghề để giữ nghề, sống khỏe và có thể cống hiến cho quê hương, đất nước. 

Thổi tình yêu vào… đất

Cứ mỗi lần câu chuyện giữa chúng tôi được tập trung vào cá nhân là ông lại lái sang một hướng khác. Đó là làng nghề gốm, là văn hóa truyền thống thể hiện qua các sản phẩm gốm. Ông bảo, ông chỉ quan tâm đến điều duy nhất ấy. Và đó là lý do khiến ông lựa chọn con đường “tìm lại ký ức” qua các sản phẩm gốm cổ. 

Ông miệt mài nghiên cứu không kể ngày đêm. Người ta thường nói làm lao động, đến chạng vạng tối là nghỉ ngơi nhưng khi ông dừng công việc tay chân là lúc ông để trí óc làm việc. Suy nghĩ miên man về cách phục chế men cổ, tạo đường nét tinh xảo cho các sản phẩm và “phủ màu thời gian” cho các sản phẩm mà ông được tín nhiệm phục dựng. 

Tất cả những việc ấy khiến ông không có lúc nào ngơi nghỉ. Chưa làm hết ngày hôm nay ông đã nghĩ đến những công việc sẽ làm trong ngày mai. “Có lẽ vì thế mà tôi được tổ nghề thương, tổ tiên phù hộ” - Trần Độ chia sẻ. Rồi những dịp đi du lịch, đi công tác ông chưa bao giờ quên tìm hiểu về các loại men gốm. Gốm dường như là máu thịt, là cuộc đời của ông…

Có lẽ vì thế mà ông mặc kệ những guồng quay hiện đại, mặc kệ nhà nhà người người đổ xô chế tác các sản phẩm hợp thời, thuận tiện kinh doanh, ông lại trằn trọc với những thử nghiệm để tìm lại sản phẩm truyền thống của cha ông. Mỗi lần thất bại là một bài học cuộc sống mà ông thuộc làu để đến lúc làm chủ được các bí quyết tạo men cũng là lúc cuộc đời gốm của Trần Độ bước sang một trang khác, thấu nghề, đượm hồn và tinh túy.

Bây giờ, người ta gọi ông là “Vua men gốm”, là người thổi hồn vào gốm, là tài hoa giữ hồn gốm… nhưng ông vẫn chỉ đau đáu với nghề, với nghiệp thổi hồn vào đất vô tri vô giác. Ông bảo ông tin vào nhân duyên cuộc đời này, giống như việc ông đã cảm nhận được nguồn năng lượng vụt qua người ông khi xưa để rồi ông đã nhìn ra được những tiềm tàng ẩn sau những cục đất, nhìn ra được hồn đất và thổi tình yêu của mình vào đất, để cho ra đời những sản phẩm tinh xảo, cuốn hút. 

Và như một sự tưởng thưởng cho một người nặng lòng với gốm, những sản phẩm của ông đã được đặt ở những vị trí trang trọng. Ví như tác phẩm tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã được đặt tại bảo điện tinh hoa của Trường đại học Havard (Hoa Kỳ), ví như 60 tác phẩm mang dòng gốm Lý-Trần-Lê được tổ chức trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và TP Hà Nội đã làm quà tặng cho nhân dân và chiến sĩ biển đảo Trường Sa đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đấy là còn chưa kể, đã nhiều lần, các sản phẩm của ông theo các nguyên thủ quốc gia ra nước ngoài, làm quà tặng cho các bạn quốc tế.  

Đọc thêm