Và giống như một lời nguyền từ nhiều đời nay, người kế nghiệp muốn sống thọ thì phải cứu người làm phúc.
"Vừa là cái phúc vừa là cái tội"
Nhắc tới việc chăm sóc cho những người tâm thần suốt nhiều năm qua, ông thủ nhang Nguyễn Văn Tự chỉ thở dài bởi lẽ, nếu không có cái tâm, cái đức và sự kiên nhẫn, khó ai đảm đương nổi công việc này.
“Đã chung sống một nhà cùng người điên, thì không khác gì “sống chung với lũ”. Nhiều khi biểu hiện, hành vi của họ bất bình thường, nếu mình không giải quyết kịp thời có lẽ không thể tưởng tượng nổi việc gì sẽ xảy ra”. Như để chứng minh cho cái điều mình vừa nói, ông Tự đưa cho tôi xem cổ tay chi chít những vết thương nhỏ, da đang đóng vẩy.
Ông bảo “đây là vết thương bệnh nhân mới đến cắn tôi chiều hôm trước”. Nói rồi, ông chỉ vào một cô gái năm nay 32 tuổi vì học hành nhiều quá mà đầu óc sinh hoang tưởng nặng, 12 năm bị bệnh, giờ được mẹ đưa về đền Thó.
Nhắc tới con gái, bà Hoài, mẹ bệnh nhân chia sẻ: “Con tôi tên Oanh, đến nơi thấy đông người, con tôi sợ quá bỏ chạy. Khi thầy và mọi người bắt lại, đeo xích cho nó, con tôi liền giằng đẩy, rồi cắn cả tay thầy để vùng ra.
May sao cái uy của thầy lớn, thầy nạt được nó bỏ ra và đứng im chịu trói, trước sự chứng kiến của nhiều người khiến nhiều bệnh nhân khác phải nể sợ. Chứ bình thường ở nhà, con tôi đấy nhưng những lúc nó nổi điên lên gia đình tôi không ai dám lại gần nó”.
Bà Nguyễn Thị Minh, mẹ ông Tự chia sẻ với phóng viên. |
Chưa kể, nhiều vụ việc người bệnh thủ sẵn khúc gỗ trong tay, để trả thù vì “thầy dám bắt tôi đeo xích, dám không cho tôi về nhà” vô cùng nguy hiểm.
“Những lúc ấy, tôi phải lựa lời mềm mỏng, đánh lạc hướng để cướp hung khí của bệnh nhân, khống chế tình huống. Phải biết cương, biết nhu đúng lúc để đối phó với bệnh nhân. Những lúc như vậy, tôi không cho phép mình hoảng sợ, nếu tôi sợ, tôi bỏ chạy thì có lẽ, bao người bệnh trong nhà đền sẽ làm loạn cả”, ông Tự giải thích.
Đáng ngại nhất là việc tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh cho những bệnh nhân nặng, nhưng chính tay vợ, chồng ông Tự phải làm việc đó. “Trong số những bệnh nhân mới đến, nhiều người cả năm trời không tắm rửa, rồi việc tiểu, đại tiện không tự chủ.
Việc đầu tiên là tôi hoặc vợ phải tắm gội cho họ sạch sẽ để cơ thể người ta được sảng khoái. Còn việc bệnh nhân tiểu, đại tiện không tự chủ, việc rửa ráy, thay giặt quần áo cho họ là công việc rất ngại nhưng lại là việc thường xuyên của vợ chồng tôi”.
Lời nguyền “bí ẩn”
Nhắc đến những khó khăn từ ngày đảm nhiệm chức vụ quyền trưởng họ này, ông Tự đắng đót trải lòng về những vất vả, gian nan, chìm nổi, kể cả lận đận trong chuyện tình duyên cũng chỉ bởi việc nuôi người điên trong nhà.
Cũng theo lời ông Tự chia sẻ: “Quyền trông nom ngôi đền được truyền cho trưởng nam trong dòng họ, những nam nhân khác trong họ, dù lớn tuổi và vai vế cao hơn vẫn chỉ đóng vai trò người giúp việc.
Bà Nguyễn Thị Minh, mẹ ông Tự cho biết: “Từ ngày tôi về làm dâu dòng họ Nguyễn Ngọc này, tôi đã được biết và chứng kiến 3 đời chủ nhang quyền trưởng họ. Đó là đời bố chồng tôi, đời chồng tôi và bây giờ là đời con trai tôi. Tôi không dám nói là họ có những khả năng gì đặc biệt nhưng điểm chung mà tôi nhận thấy đó là những người làm công việc này đều là những người có tư chất thông minh, hiền lành và đặc biệt là có tính nhẫn nại”.
Nhưng tất cả người được tuyển chọn để kế nghiệp đều có số phận long đong vất vả, phải về kế nghiệp làm phúc tại ngôi đền này. Ngay như bản thân ông Tự, mặc dù gia đình đông anh em, nhưng ông là trai trưởng nên nghiễm nhiên trở thành người “được chọn”.
Theo lời ông Tự kể lại, ông học hết lớp 5 rồi bỏ học. Ông quay về học hành kinh kệ, tất cả những bí truyền của dòng họ để sau này kế nghiệp, ông học từ năm 12 tuổi nhưng đến 22 tuổi mới biết hết bí truyền.
Năm 22 tuổi, ông bắt đầu xây dựng gia đình. Cũng từ đó, ông phải bươn trải khắp nơi để có thể nuôi gia đình. Đã có thời gian, ông phải đi đóng than tổ ong thuê ở Hà Nội hay ôm từng bó mía đi bán khắp thành phố, lái xích lô ở khắp phố phường.
Rồi ông đi bốc vác thuê ở vùng biên Lạng Sơn, nhưng không chịu được việc bị đánh đập vô cớ nên đã xin về quê thả cá và chăn lợn. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm nên cá chết hết và phải nhượng lại cho người khác.
Gia đình ông Tự ăn cơm, bữa cơm của những bệnh nhân tâm thần. |
Ông tiếp tục đi làm thợ xây ở Hạ Long, Quảng Ninh, nhưng vẫn không có tiền gửi về nuôi vợ con và cuối cùng ông lại ra Hà Nội bốc vác thuê tại chợ Long Biên. Nhận thấy việc buôn hoa quả có lãi, ông đã dồn số tiền tích cóp được để chở về các chợ lẻ ở Hưng Yên bán.
Khi công việc đang làm ăn phát đạt thì bố ông đột ngột qua đời. Bố mất trong khi công việc kinh doanh của ông đang phát đạt. Thời đó, mỗi chuyến hàng, ông cũng có thể lời vài triệu đồng.
“Khi bố mất, tôi vẫn không muốn về làm chủ đền. Tôi cưỡng lại lời họ hàng trong vài ba tháng, vì vẫn ham kiếm tiền. Nhưng không hiểu vì lý do gì, mà việc buôn bán của tôi gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Tôi đã bị tai nạn mấy lần suýt chết. Cuối cùng tôi phải bỏ nghề kinh doanh để về trong coi đền theo lời dặn dò của bố”, ông Tự nói.
Còn theo lời ông Nguyễn Ngọc Tuy (60 tuổi), chú ruột của ông Tự: “Ngày mới bị gọi về giữ quyền trưởng họ, Tự không muốn về. Nó còn ham đi buôn hơn, có lần nó còn xin khất, nhờ chúng tôi làm trưởng họ giúp nó vài ba tháng để thu xếp công việc làm ăn nhưng không được. Ngày ấy, nó phải bỏ dở bao mối làm ăn, rồi nợ lần không thu được, lỗ hàng chục triệu đồng là ít”.
“Tuổi trẻ, lại gánh vác trọng trách quan trọng của dòng họ, áp lực từ công việc chăm sóc người tâm thần, những ngày đầu, có hôm tôi vào mà thấy nó cứ khóc tu tu. Nhưng rồi, có sự động viên của họ hàng, nó mới vững chí và làm tốt như ngày hôm nay đó”, người chú cho hay.
Cũng theo ông Tự, tất cả các đời trưởng làm chủ đền đều không sống thọ hơn ông tổ của nhà đền. Có hai mốc trong cuộc đời của họ là tuổi 51 và 61. Nếu chủ nhang qua được tuổi 51 thì có thể sống đến tuổi 61. Lý giải về điều này, ông Tự cho hay, đó là do cụ tổ của ngôi đền chỉ sống được hơn 61 tuổi.
Tuy nhiên, đa số các thầy trước đều chết ở tuổi 51. Thầy nào có thể sống lâu hơn thì phụ thuộc vào việc tích đức thì sẽ sống được đến tuổi 61. Ông Tự chia sẻ, nhắc đến sự sống và cái chết, theo cách nói của những người theo đạo Phật, thì có lẽ là “do người đó đã trả nợ hết cho cuộc đời”. Họ ra đi thanh thản, vì họ đã hoàn tất những việc trong cuộc đời và không còn vương nợ bất cứ ai nữa.
Phải chữa bệnh làm phúc
Ông Tự cho biết, sở dĩ nhà đền lấy việc chữa bệnh làm gốc là do các cụ tổ tiên dặn dò phải lấy việc chữa bệnh để tích đức. Tất cả các bệnh nhân tâm thần đến đây sẽ được chữa bệnh một cách miễn phí. “Nhà đền chỉ là nơi giúp cho bệnh nhân có thể yên tâm chữa bệnh”, ông Tự nói.
Những người điều trị tại đây từ dân thường, trí thức và doanh nhân, sau khi chữa bệnh thuyên giảm, đã nhận xét rằng, thầy đã chữa trị cho họ rất tận tâm mà không một chút phiền hà.
Thầy Tự khẳng định rằng, gia đình ông có truyền thống chữa bệnh giúp người nghèo. Điều tối kỵ trong việc chữa bệnh của dòng họ ông là tham - sân - si. Đã làm trưởng đền thì người bệnh đến nhờ,mình phải giúp đỡ, nếu không chính bản thân thầy sẽ gặp những điều không may mắn.
Người bệnh tham gia làm việc. |
Lý giải thêm về việc vì sao bao đời nay, dòng họ của ông đều cho người điên nương nhờ cửa đền, ông Tự cho biết: “Từ xưa, các cụ đã dạy, sống ở trên đời phải coi trọng 4 chứ “Tâm-tầm-tình và chữ tiền cuối cùng”.
Ông Tự bảo rằng, chẳng dễ gì để sống chung cùng với những bệnh nhân tâm thần như vậy. Thế nhưng, để có thể sống lâu và tích đức lại cho con cháu, ông phải tích cực chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu công việc ông đang làm. Nhắc tới đây, giọng ông Tự chùng xuống, ông cho biết, ngay cả 2 bà vợ trước của ông cũng không chịu được cảnh ấy nên đã bỏ đi.
“Có những lúc bệnh nhân trong gia đình ông lên tới ba chục người, người tâm thần nặng thì mất năng lực hành vi, ăn uống vệ sinh không tự chủ, tôi cùng vợ lại dậy hì hụi lau chùi. Vợ tôi suốt ngày càu nhàu, bảo tôi bị thần kinh, vợ con không lo được lại đi lo cho người tâm thần”.
Thế nhưng sau đó có một cô gái ở Hà Nội 2 đã cảm thông số phận của ông và tự nguyện về làm vợ ba, cùng ông chăm sóc những số phận không may mắn. Chỉ tay về phía người phụ nữ đang lúi húi nhặt rau và chỉ đạo mọi người làm việc, ông Tự tự hào: “Quả thực một người vợ thấu hiểu, cảm thông và biết chia sẻ cùng chồng trong bất cứ hoàn cảnh nào thực sự là một điều thực sự đáng quý lắm”.
Hàng ngày,tôi phụ trách dạy người bệnh và mọi công việc trong đền, còn vợ tôi đóng vai trò một trợ thủ đắc lực giúp tôi việc nội trợ. Nếu không có cô ấy giúp sức, có lẽ tôi không đủ sức cáng đáng những công việc vất vả này trong suốt nhiều năm qua”, ông Tự tiếp lời.
(còn nữa)