Trên đường tới gặp Paula Cooper lần đầu tiên ở nhà tù nữ của bang Indiana, Monica Foster nghĩ: "Cô ta chắc là dữ như thú vậy. Hẳn cô ta sẽ sùi bọt mép ra với mình”. Nhưng rồi Monica Foster thú nhận bà đã nhầm. “Cô bé 15 tuổi đang vô cùng sợ hãi và chỉ muốn chết đi cho rồi. Việc đầu tiên của tôi trong vụ án này là làm sao để cô bé đó còn sống sót trong lúc bản án đang được Toà án Tối cao bang Indiana xử phúc thẩm”, nữ luật sư Foster nhớ lại.
Năm 1987 tức 4 năm sau khi gia nhập đoàn luật sư, Monica Foster bắt đầu tự đứng ra bào chữa độc lập và vụ án lớn đầu tiên của bà đã trở nên quá nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước Mỹ, khiến Đức Giáo Hoàng John Paul II cũng phải lên tiếng can thiệp. Thân chủ “tiếng tăm” của bà Foster lúc đó là Paula Cooper – nữ phạm nhân 17 tuổi chuẩn bị lên ghế điện vì bị cáo buộc cùng với vài cô bạn gái của mình giết một phụ nữ lớn tuổi.
Hôm 14/5/1985, cùng với ba cô bạn gái cùng học trường Trung học Wallace ở thị trấn Gary bang Indiana, Paula Cooper đã sát hạt hại bà giáo già Ruth Pelke. Bà sống một mình, để giải khuây bà thường gọi lũ trẻ hàng xóm sang chơi và kể cho chúng nghe những câu chuyện lấy từ Kinh Thánh. Hôm đó Paula và ba cô bạn, sau khi uống rượu và chơi ma tuý, đã “nổi máu giang hồ”. Cả bọn tính lẻn vào nhà bà Pelke ăn trộm.
Mữ luật sư Monica Foster. |
Xui cho những kẻ trộm, hôm đó không hiểu sao bà Pelke lại có nhà, bà mở cửa mời chúng vào nên cả 4 cô đành giả vờ xin đăng ký học giáo lý. Trong khi bà cụ lúi húi ghi tên, Paula Cooper đập đầu và đâm bà cụ. Sau khi lục tung khắp nhà nhưng chỉ lấy được 10 USD, những kẻ sát nhân tìm thấy chìa khoá xe hơi và dùng nó để tẩu thoát.
Ban đầu người ta nghĩ bà Pelke bị những kẻ nghiện ngập ngoài 30-40 tuổi giết vì muốn lấy tiền, tuy nhiên khi phát hiện ra thủ phạm là những cô học trò lớp 9, cả thị trấn sửng sốt. Hơn một năm sau, tòa án kết tội ba cô bạn của Paula Cooper từ 25 đến 60 năm tù giam, riêng Paula bị án tử hình.
Khi xảy ra vụ án, Paula mới 15 tuổi, tuy nhiên luật hình của bang Indiana cho phép kết án tử hình phạm nhân từ 10 tuổi trở lên - mức tuổi chịu án tử hình thấp nhất trong số 41 bang của Mỹ áp dụng án tử hình cho vị thành niên.
Sau khi bị kết án, Paula Cooper được chuyển tới nhà tù phạm nhân nữ của bang Indiana để chờ ngày lên ghế điện. Cũng từ đây hồ sơ của cô lọt vào tay Monica Foster, một nữ luật sư công còn rất trẻ. Foster đưa ra nhiều lý do để xin toà khoan hồng đối với Paula:
Cô gây án trong tình trạng say rượu và dùng chất gây nghiện. Sinh ra trong một gia đình bất hạnh, cô từng chứng kiến mẹ mình bị hãm hiếp, đã có lần mẹ cô toan giết cô và Paula sớm bỏ nhà đi lang thang nhiều lần…
Bên cạnh việc nộp đơn chống án, cùng với bạn bè và đồng nghiệp, Monica Foster tổ chức chiến dịch vận động ân xá cho Paula. Chiến dịch này thu thập được 2 triệu chữ ký ủng hộ gửi tới Toà án Tối cao bang Indiana. Giáo hoàng John Paul II gửi thư cho Thống đốc bang Robert Orr kêu gọi khoan dung đối với Paula Cooper.
Ngoài ra, một thư thỉnh nguyện khác với một triệu chữ ký cũng đã được gửi tới Liên Hiệp Quốc nhờ can thiệp. Thậm chí Pierre Rivard, 30 tuổi, một chàng sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Broward tại Miami và chưa từng gặp mặt Paula, tuyên bố sẽ cưới cô làm vợ nếu cô được ân xá.
Năm 1987, phản ứng trước phong trào đòi ân xá cho Paula Cooper, bang Indiana sửa luật, quy định án tử hình chỉ có thể được áp dụng với người trên 16 tuổi. Tuy nhiên, khi thông qua luật hình sửa đổi, Viện lập pháp bang nói rõ Paula Cooper không được hưởng ân huệ này.
Paula Cooper chuẩn bị ra tù. |
Cuộc chiến pháp lý bùng nổ, thay mặt thân chủ của mình, Monica Foster kiện lại bang Indiana đã ban hành luật vi hiến đối với truờng hợp Paula. Dựa trên một án lệ của Toà án Tối cao Mỹ xét xử trong năm 1988, theo đó không thể áp dụng án tử hình cho các bị cáo dưới 16 tuổi, tháng 7/1989 Toà án tối cao bang Indiana đồng ý chuyển bản án của Paula thành án 60 năm.
Theo tính toán vào giữa tháng 6/2013, Paula sẽ được trả tự do vì cải tạo tốt, theo luật của bang Indiana, 1 ngày cải tạo tốt sẽ được trừ 1 ngày thụ án.
Chỉ 2 năm sau vụ Paula Cooper tên của Monica Foster lại một lần nữa xuất hiện nhan nhản trên mặt báo Mỹ khi bà cứu một người đàn ông vô tội tên Orville Jack Dobkins thoát chết. Dobkins bị cáo buộc tội cưỡng hiếp dã man và sau cùng là giết chết một bà hàng xóm.
Khi lính cứu hỏa tìm ra thi thể của Shirley Sturgill trong căn nhà bị cháy của bà ở thị trấn Shelbyville vào hôm 6/10/1990 thì hai núm vú trên thân thể lõa lồ của bà đã bị cắn đứt, một cây chổi chùi bồn cầu bị nhét vào cửa mình bà. Khám nghiệm pháp y cho biết bà Sturgill bị bóp cổ chết trong buổi sáng hôm đó. Đặc biệt thủ phạm, đã để lại dấu răng trên đùi nạn nhân.
Cuộc điều tra sau đó tập trung chú ý vào Jack Dobkins vì người ta phát hiện vào khoảng 9 giờ tối hôm trước, ông ta đã ghé vào nhà bà Sturgill. Hai tuần sau, Dobkins bị bắt và bị truy tố về tội giết bà Sturgill. Sau khi so sánh mẫu răng lấy được từ thi thể của bà Sturgill với răng của Dobkins, chuyên gia pháp y Donell Marlin kết luận rằng chúng khớp nhau. Với kết luận này, phía công tố dự kiến yêu cầu án tử hình đối với Dobkins.
Được mời tư vấn cho các luật sư của Jack Dobkins, Monica Foster yêu cầu kiểm tra lại các chứng cứ. Tháng 5/1991, bác sĩ Mark Bernstein được mời giám định lại răng của Dobkins. Kết quả ngược lại với ý kiến của bác sĩ Marlin trước đây. Sau khi cân nhắc nhiều phía, phía công tố quyết định rút lại lời buộc tội đối với Jack Dobkins.
Câu hỏi ai là thủ phạm giết bà Shirley Sturgill chỉ được trả lời 5 năm sau đó, khi chính vợ của hung thủ xuất đầu lộ diện. Lúc bà Shirley bị giết, cô con gái Angie của bà đã lấy John Dell Carr, năm 1994, hai người ly dị. Bị thám tử Bill Dwenger truy vấn Angie kể lại buổi trưa 6/10/1990, John đi đâu đó mãi tối khuya mới quay về. Hắn thay hết quần áo đang mặc bỏ vào máy giặt rồi đi tắm.
Khi đã lên giường, John Carr nói với vợ rằng hắn đã làm mẹ vợ “bị thương” và dọa sẽ giết cô cùng các con gái nếu chuyện này bị tiết lộ. John túm tóc vợ, lôi cô sang phòng ngủ của các con gái và chĩa súng vào chúng.
Paula Cooper ôm hôn chị gái trong ngày cô nhận bằng cao đẳng nhờ học trong nhà tù. |
Năm 1993, cảnh sát Indiana đã đề nghị FBI cho kiểm tra dấu vết AND trên một mẩu thuốc lá còn sót lại trên hiện trường vụ giết người. Tuy nhiên, đến năm 1995, khi có thông tin về John Carr, việc xét nghiệm AND mới thực sự được tăng tốc. Kết luận của các phòng thí nghiệm cho thấy mẫu AND của John Carr trùng với AND trong nước bọt còn dính trên mẩu thuốc lá nọ. Tỷ lệ trùng hợp ngẫu nhiên là 1:4500. Sau một phiên toà kéo dài 10 ngày vào năm 1997, John Carr lãnh án 60 năm tù giam.
Khi mới tham gia luật sư đoàn, ước mơ của Monica Foster là một ngày nào đó được bảo vệ thân chủ của mình trước các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ bởi 99% các luật sư không có cơ hội này. Khát khao này của Monica Foster trở thành hiện thực năm 1993 khi bà trở thành nữ luật sư của bang Indiana cãi cho Thomas Shiro, một người đàn ông bị kết án tử hình vì đã hãm hiếp và giết một phụ nữ và 2 con hồi năm 1981.
Tuy thất bại trước Toà án Tối cao Mỹ, nhưng sau đó Monica Foster đã thuyết phục được Toà án Tối cao bang Indiana hạ bản án tử hình của Thomas Shiro xuống án tù 60 năm.
Là con gái của một người Ý nhập cư Mỹ, hồi nhỏ Monica Foster rất mê xem các chương trình trinh thám, về toà án trên truyền hình. Thế nhưng khi trở thành luât sư công bà đã từng “bùn rủn chân tay” khi nhận được yêu cầu cãi cho nghi phạm bị cáo buộc giết người với mức án tử hình.
“Lần đầu tiên ra toà, đầu óc tôi quay như chong chóng. Rồi tôi tự nhủ : Mình đang cứu một mạng người kia mà”. Còn giờ đây, khi đã là một luật sư nổi tiếng bà vẫn tự nhủ: “Cuối mỗi ngày, khát khao cứu mạng người khác trong tôi lại mạnh mẽ hơn ngày hôm trước”.
Thuỵ Vi