Được liệt vào danh sách 10 vụ án tạo dựng cột mốc trong lịch sử toà án Mỹ, ít người ngờ rằng đứng đằng sau “Roe chống lại Wade” lại là hai nữ luật sư còn trẻ măng, và gần như ngấp nghé thất nghiệp vì bị các công ty luật từ chối...
|
Sarah Weddington thời trẻ |
Từ một nữ sinh cá tính
Năm 1971, Sarah Weddington bước qua tuổi 26 và hành trang nghề nghiệp của nữ luật sư trẻ này mới chỉ có vài tờ di chúc, đôi ba vụ kiện ly dị đầy êm thấm và một bản án liên quan tới nạo thai.
Weddingtonton không ngờ rằng khi nhận lời viết đơn kiện giùm cho Norma McCorvey đòi giữ lại mầm sống trong bụng người phụ nữ có cuộc đời phức tạp này, cô đã đưa tên tuổi mình lên “bảng vàng” của lịch sử tư pháp Mỹ.
Phán quyết của Toà án Tối cao Mỹ trong vụ kiện Norma McCorvey đã khẳng định quyền được nạo phá thai của phụ nữ - điều cấm kỵ từ hàng trăm năm nay ở Mỹ.
Từ thời học trò, cô bé Sarah Weddington luôn muốn “bằng với con trai” vì thế khi là học sinh năm thứ hai trung học, cô đã là chủ tịch Hội các bà nội trợ tương lai. Lý do rất đơn giản : Hội này nằm trong một số ít nơi mà nữ giới có thể làm chủ tịch. Cô cự tuyệt chơi bóng rổ mini vì muốn ngang bằng các bạn trai, cô bực tức vì thấy phụ nữ không được có thẻ tín dụng trừ phi có chữ ký đồng ý của chồng. Và cũng vì chuyện ấm ức này mà cô quyết định theo học luật.
Mặc dù cha mẹ cô tán thành quyết định của con gái nhưng vị trưởng khoa trường cao đẳng nơi cô vừa tốt nghiệp lại khuyên: “Trường ta đến giờ chưa có cô học trò nào xin vào trường luật. Nghề đó cam go lắm”. Rút cục, Sarah Weddington vẫn trở thành một trong số hơn 40 nữ sinh viên của Trường Luật với 1.600 sinh viên thuộc Đại học Texas.
Tuy học xuất sắc nhưng vào năm cuối Sarah Weddington lại gặp rắc rối: Cô có thai ngoài ý muốn. Cùng với người yêu – mà sau này cô cưới làm chồng – Sarah quyết định nạo thai, tuy nhiên, việc này vị luật thời đó cấm, trừ trường hợp để cứu tính mạng người mẹ. “Chúng tôi quyết định rằng nạo thai là lựa chọn tốt nhất và vì thế chúng tôi cùng đi sang Mexico”. Sarah tìm được một bệnh viện sạch sẽ, bác sĩ chuyên nghiệp nhưng cô biết không phải ai cũng được như mình, do vậy cô rất cảm thông với Norma McCorvey .
Cuộc gặp gỡ may mắn
Norma McCorvey, lúc đó là một thiếu nữ 21 tuổi và đang mang bầu lần thứ ba. Trong cuốn sách tự thuật, bà McCorvey cho biết đã có một quá khứ đen tối: Bỏ học từ lớp 9, nghiện rượu và ma túy, lấy chồng từ năm 16 tuổi nhưng cuộc sống gia đình cũng không mấy hạnh phúc vì bị chồng hành hạ, đánh đập.
Năm 1969, Norma McCorvey kiếm sống bằng một công việc với đồng lương bạc bẽo và phải sống nhờ cha thì cô có thai lần thứ ba. Bạn bè của cô ở Dallas xui cô nên dựng chuyện bị hiếp để xin được nạo thai nhưng vì vì thiếu chứng cứ nên âm mưu này không thành. Cô cũng định đi phá thai lậu nhưng chỗ cô muốn đến lại vừa bị cảnh sát đóng cửa.
Sau cùng McCorvey được giới thiệu tới gặp Sarah Weddington và Linda Coffee. Cuộc gặp diễn ra trong một quán bia. Hai nữ luật sư này đang cần một người đại diện cho một vụ án tập thể chống lại luật chống nạo phá thai của bang Texas và cô gái trẻ thất nghiệp có thai 5 tháng ngồi trước mặt họ là một ứng viên thích hợp.
Sau một vài ly bia, Norma đồng ý và được đặt bí danh “Jane Roe”. Trong ba năm kiện tụng xin Tòa phán quyết luật cấm phá thai của Texas là vi hiến, Norma chưa một lần ra tòa, cũng không nạo thao. Cô sinh con và sau đó cho đứa trẻ làm con nuôi.
Lội ngược dòng vì nữ quyền
Khi nhận vụ án, Sarah Weddington thực ra đang gặp khó khăn về việc làm. Chưa xin được việc, cô tham gia một nhóm luật sư trẻ ủng hộ phong trào nữ quyền. Nhóm này tư vấn cho những phụ nữ muốn nạo thai biết nên tìm ở đâu nơi thực hiện việc đó an toàn. Tuy vậy, bản thân Weddington và bạn hữu cũng không chắc là công việc họ làm có hợp pháp hay không.
Weddington và người bạn cùng lớp Linda Coffee đã bạo gan nhận trường hợp “Jane Roe” để tiến hành một vụ kiện chống lại các quy định của bang Texas.
Một ban hội thẩm gồm ba người sau khi xem xét hồ sơ do Weddington trình lên đã thừa nhận quyền riêng tư của mỗi công dân chiếu theo Tu chính án số 9 nhưng vẫn không chịu ra lệnh cho chưởng lý hạt Dallas Henry Wade (vì thế bản án có tên “Roe chống lại Wade” ) chấm dứt việc truy tố các bác sĩ tiến hành nạo phá thai. Khi nghe tin Henry Wade thông báo ông ta sẽ tiếp tục làm việc đó, Weddington và Coffee chống án trực tiếp lên Toà án Tối cao Mỹ.
Sau những buổi trình bày tại Toà án Tối cao mùa thu năm 1971, trong lúc chờ đợi phán quyết, Weddington quay về Texas và chạy đua vào Viện Lập pháp bang Texas với mong muốn thay đổi luật cấm nạo phá thai qua một kênh khác.
“Nếu tôi không làm được việc đó qua đường tòa án thì tôi sẽ làm qua con đường chính trị”, bà Sarah Weddington nhớ lại. Thật bất ngờ, bà đã giành được một ghế trong Viện Lập pháp bang và là nữ dân biểu được bầu đầu tiên của thành phố Austin – thủ phủ bang Texas – tại cơ quan này.
Thêm một bất ngờ nữa đối với Sarah Weddington: Toà án tuyên bố sẽ xét lại vụ án từ đầu và mùa thu năm 1972, bà quay lại Washington để tranh luận với ban thẩm phán một lần nữa. Theo bà Weddington, hồi đó lưu truyền ba giả thuyết về quyết định “đi giật lùi” của Toà án Tối cao:
Thứ nhất, lúc đó Nixon đang vận động tái tranh cử tổng thống vì thế ông ta không muốn có một phán quyết chống lại mình. Một giả thuyết khác nói ở lần trình bày thứ nhất của bà Weddington vào mùa thu năm 1971, chỉ có 7 thẩm phán tòa án tối cao có mặt nhưng vấn đề mà bà đặt ra rất quan trọng, cần sự có mặt của cả 9 thẩm phán của Toà án Tối cao. Giả thiết cuối cùng cho rằng đơn giản là vì thẩm phán Blackmun, người được giao viết kết luận của Tòa, cần thêm thời gian.
Rút cục thì phán quyết của Tòa án tối cao cũng được công bố, đúng một ngày sau khi Tổng thống R. Nixon tuyên thệ nhậm chức. Với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Chánh Án Tòa Tối Cao Pháp Viện Harry A. Blackman đại diện cho khối đa số đã tuyên phán Luật Cấm Phá Thai của Texas là vi hiến.
Phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ đựa trên Tu chánh án số 14 về quy trình pháp luật tiểu bang và quyền công dân, áp dụng Đạo luật Nhân quyền Hoa Kỳ vào các tiểu bang và điều khoản quy định nhà nước phải tôn trọng các quyền của công dân. Việc luật của bang Texas coi trọng trách nhiệm hình sự của người phụ nữ có thai hơn cuộc sống của người mẹ là vi phạm quyền công dân.
Sarah Weddington đã đánh dấu một cột mốc trong lịch sử tư pháp Mỹ. Trước năm 1965 toàn bộ 50 bang đều cấm phá thai và chỉ cho phép một vài ngoại lệ tùy theo từng bang. Phán quyết vụ án Jane Roe năm 1973 đã coi luật chống phá thai của hầu hết các bang là vi hiến. Phán quyết này đã loại bỏ tất cả sự hạn chế của luật pháp trong việc nạo thai dưới 3 tháng tuổi và đặt ra những giới hạn cho việc can thiệp ở những giai đọan sau của thai kỳ.
Về phần cá nhân Norma McCorney, sau khi vụ án thành công, bà ta tiếp tục cuộc sống khá bình lặng, thậm chí còn bị nghi là đồng tính nữ. Người con gái sống sót sau vụ án, nay đã ngoài 40 tuổi và tháng 2/2005 McCorney thỉnh cầu Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ phán quyết năm 1973 vì cho rằng bà đã đổi ý kiến, rằng việc cho phép nạo thai làm hại sức khỏe phụ nữ. Tuy nhiên, thỉnh cầu này bị bác bỏ.
Quang Toàn