Có lịch sử hàng trăm năm
Loại lụa độc nhất vô nhị này đã từng được Loro Piana (một công ty quần áo Ý chuyên về các sản phẩm len cao cấp, sang trọng) ca ngợi “là len vicunã từ thực vật - viên ngọc cuối cùng được tìm thấy trong thế giới vải vóc”.
Nghề dệt vải lụa với tơ cọng lá và cọng hoa sen ra đời từ khoảng năm 1910 tại đất nước Myanmar. Theo đó, nghề dệt vải lụa thủ công từ tơ sen của Myanmar được cho là hình thành một cách tự phát, khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan (Chaing Kham) – cực nam của hồ Inlay với sản phẩm ban đầu là tấm áo cà sa dâng lên các nhà sư trụ trì trong vùng.
Tương truyền, chiếc áo cà sa bằng tơ sen đầu tiên được một cô gái trong làng dâng lên ngôi chùa gần nhà. Trước đó, cô đã phát hiện những vết xơ tạo thành sợi từ chỗ cắt của thân cây sen và sử dụng chúng để quay rồi dệt nên một chiếc áo choàng cho tu sĩ. Từ đó, nhiều người dân trong làng chuyển từ dệt vải bông, tơ tằm sang dệt lụa từ tơ sen.
Từ nhiều năm nay, In Paw Khone (Myanmar) là ngôi làng duy nhất trên thế giới còn lưu giữ nghề dệt lụa từ tơ sen. In Paw Khone nằm trên mặt hồ Inle của Myanmar với những căn nhà sàn trên mặt nước. Đây là nơi sinh sống từ ngàn đời của tộc người Intha. In Paw Khone lưu giữ trong mình nhiều bản sắc văn hóa mà không nơi nào có được như việc chèo thuyền bằng một chân, canh tác nông nghiệp trên mặt nước, hay dựng những ngôi nhà 2-3 tầng.
Để tạo nên một sợi tơ sen sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau trước khi dệt thành tấm vải, nhuộm màu và tạo hình thành các sản phẩm khác nhau. Toàn bộ quy trình này đều được thực hiện thủ công hoàn toàn bởi những người thợ lành nghề của ngôi làng In Paw Khone.
Một chiếc khăn quàng cổ, áo, quần... thì cần hàng ngàn cọng sen. Bởi vậy, giá bán của những sản phẩm từ tơ sen thứ thiệt thường cao hơn so với các sản phẩm tương tự từ lụa tơ tằm hoặc bông. Sen được trồng khá nhiều trên các vùng đầm lầy tại làng In Paw Khone để phục vụ cho việc dệt lụa. Vào những tháng không phải vụ, người dân còn phải nhập sen từ nơi khác về mới đủ nguyên liệu để sản xuất.
|
Cách nghệ nhân Phan Thị Thuận lấy sợi tơ sen |
Vải lụa từ tơ sen của Myanmar là sản phẩm mới được quốc tế biết đến chỉ trong hơn 10 năm qua, nhưng đã có chỗ đứng trên thị trường thời trang cao cấp thế giới. Sản phẩm vải lụa từ tơ sen đã và đang được xuất khẩu từ Mayanmar đi các nước Nhật, Ý, Đức, Áo, Mỹ… Nghề dệt lụa từ tơ sen đã mang đến những lợi ích kinh tế đáng kể cho làng In Paw Khone, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
2 năm cho khát khao đưa tơ sen về Việt Nam
Năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ nước ta đã cho Viện Kinh tế sinh thái thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” với sự hợp tác của Myanmar. Trong hai năm, mô hình của đề tài được thực hiện tại thôn Hạ (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội). Nơi đây từ lâu đã được biết đến với nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống nổi tiếng.
Khi đó, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do nghệ nhân Phan Thị Thuận làm Giám đốc đã được chọn để hợp tác cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sản xuất lụa tơ sen. Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thực nghiệm trồng giống sen hồng đơn. Đặc biệt, bà đã tổ chức sản xuất thử thành công sợ sen và tập huấn cho một số công nhân nghề trồng sen và sản xuất sợi.
Theo kết quả đánh giá của chuyên gia kết quả sợi sen do nghệ nhân Phan Thị Thuận tạo ra bông, nhẹ và có mùi thơm tự nhiên. Sợi sen được tạo ra do nghệ nhân Thuận rất mảnh, săn, hình thức đẹp hơn so với sợi sen mang về từ Myanmar. Triển khai bước đầu mô hình sản xuất rút sợi từ cọng sen thành công với kết quả: đã rút được 350g sợi từ 4970 cọng sen.
Về phần mình, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết quãng thời gian thử nghiệm sản xuất tơ sen là vô cùng khó khăn.
“Trong thời gian nghiên cứu tôi không cho bất kỳ ai vào khu vực mà mình làm và cứ miệt mài như vậy cho tới khi thành công. Tơ sen khác hẳn với tơ tằm, nó có mùi thơm tự nhiên của sen. Vì quá trình tạo ra tơ sen khá cầu kỳ, tỉ mỉ và hoàn toàn thủ công nên giá thành của chúng trên thị trường khá cao. Tôi mong muốn một ngày nào đó các sản phẩm từ tơ sen của Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế”, vị nghệ nhân này trăn trở.
Từ tháng 1/2017 bà bắt đầu có những suy nghĩ cách lấy tơ sen từ việc từ thân cuống của chúng. Những ý tưởng về cách lấy sợi tơ sen seo cho không bị đứt và đỡ tốn sức nhất được bà ghi chép cẩn thận và hì hụi thực hiện. Vào tháng 6/ 2017, khi mùa sen đã trôi được quá nửa bà mới tiến hành thí nghiệm của riêng mình. Khi mới bắt đầu bà thử đủ loại cuống lá già, cuống lá non, sen hồng đơn, sen hồng kép. Cuối cùng bà mới đi đến kết luận cuống sen vừa tầm lá bánh tẻ sẽ cho ra sợi dai nhất và đẹp nhất.
|
Những sợi cuốn từ tơ sen |
Khi rút tơ nghệ nhân sẽ cắt ngắn cọng sen thành những đoạn dài 3-4 cm rồi dùng tay bắt đầu kéo, miết qua mặt bàn dấp dính nước, bện từng sợi tơ lại với nhau cho đến khi chúng đủ dày. Cứ thế, những sợi tơ sau nối tiếp vào những sợi tơ trước thành một cọng tơ dài.
Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng khoảng một ngày sau khi thu hái nếu không cọng sẽ bị khô lại, tơ sẽ bị biến chất hoàn toàn. Miệt mài thực hành từ tháng 6 đến tháng 10, sau nhiều lần thất bại cuối cùng thành công cũng mỉm cười với bà Thuận khi một chiếc khăn quàng cổ bằng sợi tơ sen được ra lò.
Một lao động một ngày trung bình có thể cắt và kéo sợi từ 300 cuống lá được một sợi tơ dài khoảng 300m. Tùy theo độ dày mỏng mà một chiếc khăn dệt bằng sợi tơ sen phải mất ít nhất 1.500 cuống lá.
Khi làm xong sản phẩm thì bà được tài trợ một chuyến đi thăm xưởng của anh Samamtoa ở tỉnh Siêm Riệp, Campuchia và nhận thấy sản phẩm ở nhà của mình còn đẹp hơn, tốt hơn. Tại đây, bà thấy một chiếc khăn quàng cổ làm từ lụa sen có chiều ngang 20cm, dài 1,8m bán 130 USD, một chiếc áo cộc tay có giá gần 2.500 USD còn một chiếc váy có giá lên tới gần 4.000 USD. Hiện tại, một chiếc khăn từ lụa sen do bà Thuận sản xuất có giá 4-5 triệu đồng.
Năm 2017 xưởng của bà đã làm ra được tổng cộng 10 chiếc khăn như thế, bán giá 150 USD (tương đương khoảng 3,5 triệu đồng). Không chỉ dừng lại ở khăn choàng, hiện nay sản phẩm của bà mỗi ngày càng đa dạng hơn như được may thành các sản phẩm quà tặng lưu niệm nho nhỏ như túi xách.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận mơ ước ngày nào đó đất nước mình cũng mở rộng được nghề này như ở Campuchia, Myanmar để nông dân tăng thêm thu nhập. Bởi theo đánh giá của bà, tiềm năng của nghề dệt lụa từ tơ sen của Việt Nam hơn Campuchia, Myanmar. Bởi người thợ của chúng ta vê sợi nhanh hơn, chắc hơn và đều hơn.