'Biệt đội' SOS 117 trên quốc lộ 51

(PLO) -Người dân sinh sống dọc quốc lộ 51 đoạn qua xã Tam Phước, Phước Tân (TP Biên Hòa), xã An Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) không lạ gì với hình ảnh một nhóm thanh niên hàng đêm miệt mài giúp đỡ những người đi đường khi xe bị cán định, đồng thời giúp đỡ những người chẳng may gặp tai nạn trên đường.
“Biệt đội” 117 vá xe giúp người dân gặp nạn trên đường
“Biệt đội” 117 vá xe giúp người dân gặp nạn trên đường

Đội quân hút đinh

Những năm trước, do chứng kiến nhiều người đi qua đoạn đường thuộc xã Tam Phước, xã Phước Tân (huyện Long Thành, Đồng Nai) bị thủng bánh xe bị “chặt chém” khi đưa xe vào tiệm sửa khiến anh Nguyễn Hữu Lợi (27 tuổi) nung nấu trong đầu việc thành lập đội giúp đỡ người hoạn nạn trên quốc lộ 51.

Nghĩ là làm, anh Lợi kêu gọi bạn bè hình thành đội hút đinh dọc quốc lộ 51 do kẻ xấu rải trên đường. Ban đầu, các thành viên trong đội đi hút đinh bằng dụng cụ sơ sài nên rất mất thời gian. Sau này, mấy anh em mày mò chế tạo ra chiếc máy hút đinh cơ động rất hiệu quả, mỗi đêm có thể “thu hoạch” 400-500 chiếc đinh chỉ trên đoạn đường vài cây số. Với “chiến tích” này, tình trạng người đi xe gắn máy trên quốc lộ 51 bị té ngã do cán phải đinh giảm đáng kể.

Chia sẻ về quãng thời gian “vác tù và hàng tổng”, anh Lợi cho biết “nghề” này khá vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng chẳng có lương. Song việc làm đầy ý nghĩa  khiến mọi thành viên hăng hái tham gia, bất kể ngày đêm. Kể về những kỷ niệm của đội hút đinh trên quốc lộ 51, anh Lợi bộc bạch bản thân đã nhiều lần bị trọng thương khi đang “tác nghiệp”. Đó là cách đây 4 năm, khi đang loay hoay sửa xe cho một người là nạn nhân của bọn “đinh tặc”, bất ngờ anh bị một người đàn ông điều khiển xe máy có dấu hiệu say xỉn tông trúng người. Vụ tai nạn khiến anh gãy xương lồng ngực, chiếc xe cá nhân cùng chiếc máy hút đinh hư hỏng nặng.

Sau sự cố đó, gia đình ra sức khuyên ngăn đừng tham gia vào hoạt động hút đinh nữa, nhưng chàng thanh niên 27 tuổi vẫn theo đuổi lý tưởng “nhiệt huyết vì mọi người – chung sức vì cộng đồng” của mình. Đến nay, sau thời gian tích cực hoạt động và được sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như người dân, đội hút đinh đổi tên thành Biệt đội SOS 117: “Các thành viên gia nhập trên tinh thần tự nguyện. Có những người còn rất trẻ, tuổi từ 17-35, hầu hết ngụ ở Đồng Nai và Bình Dương”, đội trưởng Nguyễn Hữu Lợi giới thiệu.

Giúp người gặp nạn

Đánh giá về việc làm của “Biệt đội” 117, ông Trần Duy Khánh - một nạn nhân của tình trạng rải đinh trên quốc lộ 51 cho biết: “Hôm tôi đi làm ca tối về khá muộn, đến đoạn xã An Phước thì xe bị cán đinh thủng lốp. Tôi dắt xe hàng cây số nhưng chẳng thấy tiệm sửa xe nào. Lúc đó trời mưa lớn tôi chợt nhớ đến đội hút đinh, liền gọi điện nhờ giúp đỡ. Trong chốc lát, anh em có mặt sửa xe ngay tại chỗ. Hôm đó nếu không có “Biệt đội” 117,  tôi không biết phải làm sao để về được đến nhà. Nghĩa cử của anh em trong đội rất đáng trân trọng”. 

Cùng nhận định như ông Khánh, anh Phạm Văn T (ngụ tại Bình Dương) tâm sự, vừa rồi anh đi từ huyện Lagi (tỉnh Lâm Đồng) về Bình Dương. Do chạy đường xa nên cơ thể thấm mệt quá khiến anh không điều khiển xe tự ngã, toàn thây sây sát. Trong lúc trên người đầy thương tích thì tài sản gồm gần 40 triệu đồng tiền mặt cùng vàng và đồng hồ văng ra đường, liền bị một số người giật lấy. “Nghe tin có tai nạn, “Biệt đội” SOS 117 có mặt ngay sau đó đưa tôi đi cấp cứu tại Bệnh viện Đồng Nai, đồng thời thu gom giùm tài sản thất thoát. Sự giúp đỡ nhiệt tình của đội đã khiến gia đình tôi nhớ mãi” - anh T nói. 

Không chỉ có ông Khánh, anh T là nạn nhân của tình trạng đinh tặc trên quốc lộ 51 mà thời gian qua rất nhiều trường hợp “dở khóc, dở mếu” khi đang điều khiển xe bị cán đinh. Khi bánh xe thủng săm, người đi đường có tìm được chỗ vá lốp xe thì cũng bị “chặt chém” thẳng tay với giá… trên trời. Đó là chưa kể một số người bị té ngã thương tích đầy mình vì bất ngờ xe cán trúng đinh.

Lại kể đến “Biệt đội” SOS 117, để có điều kiện hoạt động, mọi chi phí đều do anh em trong nhóm tự đóng góp. Gần đây, đội thuê được mảnh đất bên vệ đường liền mở quán giải khát, bán cơm để lấy thu bù chi, mặt khác có chỗ tránh nắng, trú mưa cho người đi đường. Đây còn được xem là “văn phòng” của đội nhằm bàn bạc những việc cụ thể trong việc đối phó với “đinh tặc”. Trước việc làm đầy hiệu quả của “Biệt đội” SOS 117, một số mạnh thường quân đã tìm đến ủng hộ bằng vật chất lẫn tinh thần.

Cho đến nay, hình ảnh nhóm thanh niên rong ruổi trên đường để giúp đỡ người hoạn nạn đã không còn xa lạ với người dân Biên Hòa và cả khách vãng lai đã có dịp đi ngang quốc lộ 51.

Thực tế, hoạt động của đội lúc đầu gặp không ít khó khăn vì ảnh hưởng đến “miếng cơm” của những tiệm sửa xe trên đường. Tuy nhiên, đây là hình thức giúp người hoạn nạn nên ai nấy đều sẵn sàng đối đầu với kẻ xấu, đặc biệt là “đinh tặc” liên tục xuất hiện rải đinh tự chế hình thoi giữa đêm khuya hoặc lúc vắng người.

Đọc thêm