Nữ phóng viên viết tiểu thuyết lần đầu chia sẻ về đứa con tinh thần “Ai lấy cave”

(PLVN) - “Ai lấy cave” thu hút hàng chục nghìn lượt “thích” và hàng nghìn bình luận của độc giả trên mạng xã hội. Nhiều người bị sốc bởi những câu từ cực “nóng” trong câu chuyện này, nhiều người lại yêu thích bởi truyện có đủ mọi cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố. Mới đây, nữ phóng viên Thu Hằng - tác giả của “Ai lấy cave” đã có những chia sẻ thú vị về tiểu thuyết đầu tay của mình.

Chị Thu Hằng - Tác giả của truyện "Ai lấy cave".
Chị Thu Hằng - Tác giả của truyện "Ai lấy cave".

“Ai lấy cave” - câu chuyện kể về cuộc đời của Thơm, một cô gái trẻ xinh đẹp vì gia cảnh nghèo túng phải trở thành “gái bán hoa” - đang gây sốt trên mạng xã hội. “Ai lấy cave” bóc trần sự thật nghiệt ngã ít người biết về cuộc sống tăm tối, nhiều đau đớn, ô nhục của những cô “bướm đêm”…

- “Ai lấy cave” là một tiểu thuyết rất khác biệt so với đa phần những tiểu thuyết ra mắt thời gian qua. Truyện về đề tài xã hội, gai góc và câu từ đơn giản không hoa mỹ nhưng vô cùng chân thật khiến độc giả phải khóc cười, rùng mình sởn gai ốc vì truyện. Nhiều người khi đọc truyện “Ai lấy cave” thậm chí nghĩ rằng đó là hồi ký của tác giả?

Thật sự khi mọi người nhận xét rằng: “Người viết am hiểu thế này thì chắc chắn cũng là cave rồi”, tôi cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc vì mình đã viết chạm tới tim người đọc, khiến mọi người rung cảm.

Ngày là học sinh, sinh viên, tôi đọc nhiều lắm, tôi đặc biệt yêu thích tất cả các tác phẩm văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 còn tác giả nước ngoài, tôi thích đọc truyện của Sidney Sheldon, Shan Sa, Murakami Haruki…

Ngày trẻ đọc nhiều vậy nhưng sau này khi tôi làm báo điện tử, tôi bận tới mức không có thời gian đọc bất cứ cuốn sách nào nên tôi thật lòng không biết gu của người đọc hiện tại là gì. Tôi viết “Ai lấy cave” hoàn toàn ngẫu hứng, theo sở thích cá nhân. Tôi không ngờ câu chuyện lại được yêu thích tới vậy. Tôi không phải nhà văn nên không biết dùng câu từ hoa mỹ. Truyện của tôi - câu cú đơn giản và đời thường lắm!

Theo tác giả, truyện “Ai lấy cave” không phải là dạng truyện dùng cảnh sex để câu khách.

Theo tác giả, truyện “Ai lấy cave” không phải là dạng truyện dùng cảnh sex để câu khách.

- Vì sao chị có nhiều dữ liệu thông tin để viết câu chuyện này?

Tôi lớn lên trong một khu tập thể giữa lòng Hà Nội. Nhà tôi có một cửa hàng tạp hóa và hàng ngày, sau giờ học, tôi sẽ bán hàng phụ giúp mẹ. Khách của nhà tôi có đủ mọi thành phần trong đó có cả người nghiện hút, “gái ngành”. Tôi quan sát cuộc sống của họ và ghi nhớ. Sau này khi làm báo, tôi lại được tiếp xúc với một số cô gái làm nghề đặc biệt ấy. Tôi nhận thấy rằng nghề nào cũng có người này người kia. Tôi không bao giờ cổ súy công việc ấy nhưng nhiều người có hoàn cảnh đáng thương lắm.

- Nhiều người cho rằng, “Ai lấy cave” thu hút vì là “truyện sex”, ý kiến chị thế nào?

Nếu nói “Ai lấy cave” là truyện sex thì không phải. Viết về thế giới ấy, hiển nhiên sẽ phải có cảnh sex nhưng truyện “Ai lấy cave” không phải là dạng truyện dùng cảnh sex để câu khách.

Khi đăng truyện trên Facebook, tôi có viết “cảnh báo” rất rõ ràng trước mỗi chương có cảnh “nóng”. Nếu bạn đã đọc truyện từ đầu tới cuối, bạn sẽ thấy được thông điệp nhân văn mang tính giáo dục mà tôi muốn gửi gắm qua câu chuyện này.

- “Ai lấy cave” thu hút người đọc vì là một truyện với đề tài khó viết. Chị có định sẽ tiếp tục thể loại truyện xã hội như thế này?

Tôi không biết nữa. Viết “Ai lấy cave” là ngẫu hứng nhưng khi đã viết, tôi dồn hơn 100% tâm sức. Tôi là người viết truyện theo kiểu thế này: Tôi “viết” cốt truyện trong đầu, nghĩa là tôi dành nhiều ngày nghĩ về truyện, nghĩ một cách đầy đủ, từ mở đầu tới kết truyện. Khi nghĩ về truyện, tôi không còn nghĩ chuyện gì khác nữa. Nghĩ xong thì tôi mới bắt tay vào viết trên máy tính. Khi viết trên máy, tôi tập trung cao độ, quên ăn, quên ngủ để viết bằng xong thì thôi. Cảm xúc tới là phải viết kẻo khi hết mạch cảm xúc, tôi sẽ khó để hoàn thành câu chuyện.

Dù chính là tác giả nhưng tôi cũng vui buồn, cười khóc theo câu chuyện của mình. Ví dụ như khi viết đoạn mẹ Thơm mất, tôi cũng khóc không dừng. Khi viết đoạn con gái Thơm gặp được cha, tôi cũng thấy lòng reo vui.

- Độc giả rất bất ngờ khi thấy chị chuyển từ “Ai lấy cave” sang một câu chuyện hoàn toàn khác biệt là “Ta chỉ gả cho chàng”. “Ta chỉ gả cho chàng” lãng mạn, ngọt ngào, dịu dàng khác hẳn “Ai lấy cave”. Vì sao chị lại thay đổi phong cách đến thế?

“Ta chỉ gả cho chàng” là tác phẩm mà tôi “thai nghén” cả năm trời, trước khi tôi viết “Ai lấy cave”. Tôi thực lòng yêu thích câu chuyện này vô cùng. Tôi là người khá khó tính với bản thân. Nếu tôi đang viết truyện mà không cảm thấy đủ hứng thú, dù đã viết vài chục trang tôi cũng dừng lại vì tôi nghĩ, phải thăng hoa cảm xúc thì truyện mới chạm tới tim độc giả. Tôi viết dở khá nhiều truyện đề tài xã hội nhưng tôi tạm bỏ đó vì cảm thấy tinh thần mệt mỏi.

“Ta chỉ gả cho chàng” - với tôi - là làn gió mát lành cho tâm hồn của chính tôi. Lúc này, tôi chỉ muốn sống bình an, thư thái. Vì vậy tôi mong độc giả đọc, yêu thích “Ta chỉ gả cho chàng” và cũng có cảm xúc như vậy.

- Vì sao chị không xuất bản sách mà lại đăng truyện lên mạng xã hội để mọi người đọc miễn phí?

Tôi chỉ đơn giản là muốn mọi người đều có thể đọc tác phẩm của mình. Mang niềm vui nho nhỏ tới độc giả, đó lại là niềm vui lớn đối với cá nhân tôi. Có thể trong tương lai tôi sẽ xuất bản sách nhưng hiện tại thì chưa.

Cảm ơn chị, chúc chị có nhiều tác phẩm hay trong thời gian tới!