Kim Anh diễn tả tâm trạng của mình một cách khó khăn. Cô thường đưa tay vỗ nhẹ lồng ngực, cố giấu sự xúc động.
Kim Anh diễn tả tâm trạng của mình một cách khó khăn. Cô thường đưa tay vỗ nhẹ lồng ngực, cố giấu sự xúc động.
Tại Hội diễn "Tiếng hát tình đời" dành cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù của cụm 1, được tổ chức ở Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên), một bóng hồng nổi bật hẳn lên so với nhiều "người đẹp áo sọc" khác trên sân khấu. Từ hàng ghế khán giả, có tiếng xì xào: "Con bé Kim Anh đấy! Hồi này nó đẹp quá, nhìn khác hẳn. Nhưng đôi mắt buồn kia, không thể lẫn vào đâu được!".
|
Hoạt cảnh múa “Nét vẽ rồng thiêng” có sự tham gia của Kim Anh (ngoài cùng bên trái hàng múa). |
Muốn quên quá khứ lỗi lầm
Kim Anh nói: "Em thực sự muốn quên quá khứ. Xem những ngày đã qua như là cơn ác mộng của đời mình. Thậm chí, em không muốn cha mẹ hình dung về cuộc sống mà em đang phải trải qua như thế nào? Muốn cha mẹ coi như em đang đi đến một nơi nào đó thật lâu, thật xa để ngày trở lại, em có thể bắt tay làm lại cuộc đời, báo hiếu cho cha mẹ". |
Nhắc đến Vũ Thị Kim Anh, cô sinh viên sư phạm xinh đẹp từng ra tay cắt cổ người tình cũ, bỏ mặc anh ta chết trên chiếc xe Lexus, sau đó vẫy taxi, đến chỗ người tình mới và cùng anh ta qua đêm trong nhà nghỉ… hẳn nhiều người còn rùng mình ghê sợ. Vụ án xảy ra trung tuần tháng 2/2009, bản án 14 năm tù giam dành cho Kim Anh cũng được tòa tuyên vào cuối năm đó.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh Kim Anh lặng lẽ cúi đầu trước tòa - phiên xử có rất nhiều người tham dự và thu hút sự chú ý của dư luận. Mái tóc Kim Anh lúc đó được uốn xoăn, xơ xác vì hóa chất. Gương mặt cô nhợt nhạt, đôi bàn tay gầy xanh xao bị khóa chặt bởi chiếc còng số 8. Cô đứng như hóa đá trước vành móng ngựa, trả lời rời rạc từng câu hỏi của Hội đồng xét xử. Người đàn ông mà cô đã ra tay sát hại đáng tuổi cha, chú của mình. Ở tuổi học trò, cô đã trót yêu ông ấy, nhưng khi cô lớn hơn một chút, chính ông ấy cũng là người mà Kim Anh muốn quên. Tuy nhiên, cái mong muốn đó lại nằm ngoài khả năng của cô.
|
Phạm nhân Kim Anh trong một điệu múa. |
Kim Anh đã tìm cách quên đi quá khứ sai lầm, khát khao trở thành một sinh viên sư phạm, đứng trên bục giảng và chuẩn bị kết hôn với người yêu mới. Cô đã bỏ ông ta, chủ động chấm dứt tình cảm sai lầm này, bằng cách thay đổi số điện thoại mới. Nhưng cuộc gặp tình cờ ở một đám cưới trên Cao Bằng, ông đã nói với một số người về chuyện cô từng là "bồ nhí" của ông. Thậm chí ông bảo Kim Anh là "gái gọi" trước nhiều người, làm cô đau điếng. Trở về Hà Nội, nhiều lần người đàn ông này dọa sẽ nói cho người yêu mới của cô biết chuyện quá khứ. Vì thế, Kim Anh sợ mất người yêu nên phải gặp lại ông ta. Trong lòng cô, vốn dĩ không còn tình cảm với người đàn ông này.
Vào một đêm định mệnh, ông ta chở cô trên chiếc xe Lexus sang trọng rồi đột ngột dừng xe, đòi thỏa mãn dục vọng. Cô đã giết ông ấy trong tình trạng bị kích động. Đó cũng là một trong những tình tiết để Kim Anh chỉ phải chịu mức án thấp hơn 3 năm so với đề nghị của Viện Kiểm sát từ 17-20 năm tù. Khi tòa cho nói lời sau cùng, Kim Anh đã xin lỗi mọi người trong nước mắt. Nghe tuyên án xong, Kim Anh bật khóc như đứa trẻ, đôi chân như khuỵu xuống. Cô nặng nhọc lê từng bước ra chiếc xe chở phạm nhân về nơi giam giữ. Vẻ mặt đau đớn đến tột cùng của một cô gái trẻ có đôi mắt rất đẹp ấy (đẹp ngay cả khi đang khóc) khiến tôi ám ảnh.
|
Kim Anh (giữa) trong một vở kịch tại hội diễn “Tiếng hát tình đời”. |
Cho tôi làm lại cuộc đời
Gần 9 tháng sau, Kim Anh xuất hiện trên sân khấu "Tiếng hát tình đời" với vẻ bề ngoài hoàn toàn khác. Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị trại giam Phú Sơn 4 cho biết:
"Kim Anh mới được chuyển từ trại giam số I (Công an Hà Nội), lên Phú Sơn từ tháng 5/2010. Nhờ có năng khiếu văn nghệ, từng có kinh nghiệm trong hoạt động hồi còn ở Trường ĐH Sư phạm, Ban Giám thị đã cho cô gia nhập đội văn nghệ".
Kim Anh đã không phụ sự tin tưởng, động viên của những người quản giáo. Trong 4 tiết mục múa rất đặc biệt của trại giam Phú Sơn 4, Kim Anh cùng các "nghệ sĩ áo sọc" đã thể hiện tài năng điêu luyện, chẳng kém gì diễn viên chuyên nghiệp. Trong đó, có tiết mục đoạt giải xuất sắc nhất của Hội diễn này.
Sau đêm diễn, chúng tôi được đưa vào khu giam giữ Kim Anh. Đó là ngôi nhà 4 tầng, thiết kế gần giống một khu chung cư cao tầng ở Hà Nội. Cả một khoảng sân rộng lớn của khu nhà được trồng rất nhiều hoa, cây cảnh, tạo một không gian thân thiện với thiên nhiên. Phía góc sân, vài bộ bàn ghế làm bằng đá là nơi gặp gỡ, trò chuyện của các phạm nhân sau giờ lao động. Chỉ khác một điều, để vào nơi này, chúng tôi phải bước qua 2 chiếc cổng sắt to. Ba bề, bốn bên, các bức tường kiên cố được "trang điểm" bởi hàng rào dây thép gai sắc lạnh.
Ở chốt gác ngay bên cạnh cánh cổng, những chiến sĩ công an ngày đêm đứng gác nghiêm trang không rời nửa phút. Trại giam luôn là thế giới đặc biệt để nhìn lại quá khứ lỗi lầm. Cũng từ đó, nhiều mầm thiện thực sự hồi sinh, trả lại cho đời những công dân có ích.
Kim Anh được bố trí cải tạo, giam giữ tại Phân trại số 1 của trại giam Phú Sơn. Mặc dù quân số chính trong đội văn nghệ của trại, nhưng cô được cán bộ quản giáo cho học thêm nghề đan, móc. Sáng Chủ nhật, theo quy định, các phạm nhân được nghỉ lao động. Kim Anh cùng các phạm nhân nữ khác trong buồng giam thu dọn gọn gàng nơi ở, vệ sinh cá nhân và tranh thủ làm đẹp cho nhau. Gặp chúng tôi trong khuôn mặt mộc với nước da trắng trẻo, Kim Anh đẹp hơn nhiều khi ở trên sân khấu. Cô không còn đeo kính cận nữa, rảnh thì luyện khả năng nhìn xa để khỏi phụ thuộc vào kính. Làm thế vì cô cho rằng, "đeo kính trong này lạc lõng lắm".
Trong cuộc nói chuyện ngắn ngủi với chúng tôi, Kim Anh diễn tả tâm trạng của mình một cách khó khăn. Cô thường đưa tay vỗ nhẹ lồng ngực, cố giấu sự xúc động. Tôi hỏi: "Có bạn học cùng nào đến trại thăm em không?". Kim Anh cười rất tươi nói: "Có chứ ạ! Vài đứa bạn thân từ hồi ở trường Sư phạm đã lên thăm em rồi. Cảm động lắm, em cứ ngỡ là mọi người sẽ không tha thứ cho em. Thực sự trong lúc này, em mới thấu được thế nào là giá trị của tình yêu, tình bạn chị ạ!". Chúng tôi chuyển chủ đề, nói về H, người thanh niên mà Kim Anh từng yêu. Khi hai người có ý định lấy nhau thì ông C xuất hiện, dọa sẽ nói cho H biết về mối quan hệ cũ. Kim Anh từng mong muốn tìm cách "đàm phán" với ông C, nhưng mọi chuyện lại đi quá giới hạn. Cái chết của ông C là hậu quả xảy đến sau cuộc tình vụng trộm, thói trăng hoa và lối sống buông thả của 2 người. Kim Anh nói: "Ân hận thì cũng muộn rồi. H mãi là người em yêu và tôn thờ, nhưng em cũng nghĩ mình không xứng đáng với anh ấy. Mong anh sẽ gặp hạnh phúc trong tình yêu, cuộc sống". Nói đến đây, Kim Anh im lặng cúi xuống. Rất lâu sau, cô mới ngẩng lên nói chuyện tiếp. Tôi hỏi: "H có lên thăm em từ ngày nhập trại không?". Kim Anh nhìn đi nơi khác, tránh cái nhìn thẳng đầy tự tin như lúc đầu. Cô đáp rất khẽ: "Không ạ!". Và đôi mắt Kim Anh ầng ậc nước dù miệng cô nhếch cười. Nụ cười đựng đầy nỗi đắng cay. Không giống với bất kỳ một cuộc phỏng vấn phạm nhân nào mà tôi từng thực hiện, câu chuyện của chúng tôi nhiều lần phải dừng lại trước sự đau khổ của cô gái 23 tuổi. Sự im lặng của cô, những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt, hoàn toàn khác một Kim Anh tươi rói, uốn mình theo nhạc điệu trên sân khấu đêm trước. Không thể nói chuyện khi Kim Anh cứ khóc mãi, chúng tôi an ủi và để cô trở về buồng giam. Đêm đó, sân khấu "Tiếng hát tình đời" lại sáng đèn, nhưng Kim Anh ngồi ở vị trí khán giả. Trên sân khấu, các đội văn nghệ đến từ trại giam Yên Hạ (Sơn La), Tân Lập (Phú Thọ) và trại giam Hồng Ca (Yên Bái) đang biểu diễn. Tất cả những người nghệ sĩ trên sân khấu đặc biệt này đều mang những án tích khác nhau. Mỗi người đều có một quá khứ đầy lầm lỗi… nhưng họ luôn được mọi người trong xã hội đón nhận, thứ tha khi có chí hướng phấn đấu để làm lại cuộc đời.
Nơi đánh thức và nuôi trồng “mầm thiện”
Cuộc thi "Tiếng hát tình đời", được coi là sân chơi lớn nhất dành cho các phạm nhân, đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam trên cả nước. Từ năm 1995, cuộc thi đã trở thành phong trào sâu rộng được triển khai tại các trại giam. Nhưng năm nay, Tổng cục VIII đã mạnh dạn tổ chức Hội thi này trên quy mô cả nước. Trong số 58 trại giam (chia thành 7 cụm), có 43 trại (5 cụm) đã tham gia thành công hội diễn này. Hàng ngàn phạm nhân và những người thân của họ đang dõi theo cuộc thi này. Nhiều phạm nhân có án chung thân, cũng được tham gia đội văn nghệ và đi giao lưu, biểu diễn. Công tác đảm bảo an ninh cũng được các trại giam đặc biệt chú trọng. Đêm 21 - 22/8, tại trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên), Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng ủy Công an Trung Ương - Tổng cục Trưởng Tổng cục VIII - Bộ Công an đã đến cổ vũ, động viên tinh thần những cán bộ trại giam và các phạm nhân. Theo đó, các lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thái Nguyên cũng có mặt để xem các phạm nhân biểu diễn. Đại Tá Ma Thanh Phàn - Cụm trưởng cụm 1 - Giám thị - Trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang) nói: "Tiếng hát tình đời không phải là nơi ganh đua, mà là nơi thể hiện nhiệt huyết, khát vọng sống, nỗi mong mỏi đầy hướng thiện của các phạm nhân, trại viên từng một thời lầm lỡ. Đây cũng là một thông điệp gửi đến tất cả mọi người: "Hãy xóa bỏ định kiến, hãy cảm thông và sẻ chia với nhữngcon người từng có một quá khứ lầm lỗi. Hãy giúp cho họ có thể nhận ra sai lầm, từ đó tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để đứng lên làm lại cuộc đời mới". Nước mắt trong ngày lễ Vu Lan ở trại giam Chiều 22/8, tại một góc sân khiêm tốn của trại giam Phú Sơn 4, nhóm PV đã vô tình bắt gặp một hình ảnh cảm động. Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Hà - Phó tổng cục Trưởng Tổng cục VIII đã nói chuyện với một nhóm phạm nhân của đoàn văn nghệ Trại giam Yên Hạ (Sơn La) về ngày lễ Vu Lan. Không hề biết về sự có mặt của PV ở đó, ông Hà say sưa nói chuyện rất thân thiện với các phạm nhân này. Ông hỏi về hoàn cảnh gia đình của từng người, rồi hỏi về tình cảm của họ đối với mẹ mình. Cảm xúc của một người con, luôn thấy bao nhiêu công lao hy sinh của mẹ, không có gì đền đáp nổi… đã nhanh chóng đánh thức những người tù trẻ tuổi đến từ Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình. Chúng tôi thấy họ cúi xuống, giấu đi những giọt nước mắt xúc động. Một phạm nhân 20 tuổi, phạm tội vận chuyển ma túy đã khóc rưng rức sau khi ông rời đi. Hỏi ra mới biết, cuộc gặp cảm động này không hề có trong chương trình. Thiếu tướng Hoàng Hà có việc đi ngang qua, nhìn thấy các nam phạm nhân đang tập luyện, ông tranh thủ chia sẻ với họ. Phạm nhân Đặng Hồng Thái - Đội trưởng đội văn nghệ phạm của trại giam Yên Hạ cho biết: "Chúng tôi đang ngồi tập lại vài tiết mục, thấy một người đứng từ xa quan sát rất lâu. Sau đó, ông tiến gần về phía chúng tôi. Lúc đó cán bộ quản giáo của trại giới thiệu, thì chúng tôi mới biết ông là một lãnh đạo cao cấp… Hành động thân mật, cuộc nói chuyện cảm động của ông trong ngày lễ Vu Lan, thự sự cho chúng tôi có thêm niềm trên con đường tìm lại chính mình".
Thu Trang
|
Theo Thùy Chi
GĐ&XH