Nữ trang độc hại tràn ngập các chợ

Thị trường TPHCM đang tràn ngập các loại nữ trang nhập lậu từ Trung Quốc. Qua kiểm nghiệm định tính đã phát hiện nhiều mẫu bị nhiễm độc tố chì (Pb), một số mẫu bị nhiễm chất độc cadmi (Cd).

Thị trường TPHCM đang tràn ngập các loại nữ trang nhập lậu từ Trung Quốc. Qua kiểm nghiệm định tính đã phát hiện nhiều mẫu bị nhiễm độc tố chì (Pb), một số mẫu bị nhiễm chất độc cadmi (Cd).

Sau sự cố nữ trang Trung Quốc (TQ) bị phát hiện ở nước ngoài có độc tố cadmi có thể gây ung thư cho người sử dụng, các loại nữ trang xi mạ nhập lậu từ TQ vẫn tiếp tục tràn về TPHCM. QLTT TPHCM liên tục kiểm tra và phát hiện các mặt hàng loại này nhập lậu.

Kiểm đâu dính đó

Ngày 16-3, đội 2A Chi cục QLTT TPHCM kiểm tra cửa hàng số 5-7 Nguyễn Hữu Thận (Q.6), phát hiện 4.122 sản phẩm nữ trang xi mạ như vòng đeo tay, nhẫn đều không có hóa đơn chứng từ. Chủ hàng, ông Lê Trường Long, khai nhận đều là hàng TQ được mua trôi nổi trên thị trường.

Mô tả ảnh.
Nữ trang TQ nhập lậu bán tại các chợ ở quận 5 - TPHCM vừa bị đội 5B Chi cục QLTT TPHCM bắt giữ

Cùng ngày, đội kiểm tra tiếp cửa hàng Thuận Hà, số 70 Tháp Mười (Q.6), phát hiện gần 10.000 sản phẩm nữ trang đều không có hóa đơn chứng từ. Ông Lê Văn Minh (chủ hàng) cũng thừa nhận là hàng TQ nhập lậu. Đội tiếp tục kiểm tra cửa hàng Lộc Xinh, số 23 Nguyễn Hữu Thận, tạm giữ thêm hơn 12.000 sản phẩm gồm vòng đeo tay, lắc, nhẫn, bông tai các loại. Số hàng trên cũng có nguồn gốc nhập lậu từ TQ...

Trước đó, trong tháng 2 vừa qua, đội 6B, 5B QLTT TPHCM cũng kiểm tra cả chục cửa hàng, sạp kinh doanh nữ trang trên địa bàn quận 6, khu vực chợ Hòa Bình (Q.5) và một số sạp kinh doanh nữ trang xi mạ ở chợ Bến Thành, (Q.1) cũng đã phát hiện số lượng khá lớn nữ trang xi mạ TQ nhập lậu...

Ông Ngô Văn Tùng, đội trưởng đội 5B, cho biết đơn vị đã đưa một số mẫu nữ trang xi mạ thu từ các sạp ở chợ Hòa Bình đi kiểm nghiệm định tính phần lớn đều bị nhiễm độc tố chì (Pb), một số mẫu bị nhiễm chất độc cadmi (Cd).

Ông Lê Xuân Đài, Chi cục phó Chi cục QLTT TPHCM, cho biết sau khi có kết quả xét nghiệm nữ trang xi mạ của TQ có nhiễm độc, chi cục chỉ đạo các đội tiếp tục kiểm tra các điểm bán nữ trang xi mạ trên địa bàn nhưng bắt không xuể vì lượng hàng này rất nhiều.

Thay tên, đổi họ

Một số chợ tại TPHCM như chợ Thái Bình, Tân Định (Q.1), Hòa Bình (Q.5), chợ Thiếc (Q.11), chợ Tân Bình, chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình)... các loại nữ trang xi mạ bày bán tràn ngập. Ở chợ đêm Minh Phụng (Q.6), nơi đang bán rất nhiều nữ trang xi mạ TQ, khi được hỏi có biết các loại nữ trang này có thể gây độc cho người sử dụng hay không, nhiều người bán trả lời tỉnh queo: “Có thấy ai kiểm tra, cấm đoán gì đâu”; còn người mua thì “Thấy đẹp thì mua, chứ có ai chết vì đeo nữ trang đâu mà sợ”.

Tại các chợ đầu mối Kim Biên (Q.5), chợ Bình Tây (Q.6), ngày ngày vẫn có rất nhiều thương lái ở các tỉnh lên đóng hàng nữ trang xi mạ về bán. Bà Thanh, chủ sạp hàng Thanh tại chợ Bình Tây, tiết lộ khi có thông tin hàng bị nhiễm độc, sức tiêu thụ có giảm vài chục phần trăm, nhưng gần đây đã tiêu thụ tương đối trở lại...

Tại các chợ này, nhiều người bán hiện né tránh khi có ai hỏi đến hàng TQ. Họ thường giới thiệu với khách là hàng Hàn Quốc, Thái Lan hoặc hàng trong nước sản xuất, trong đó phần lớn hàng được in trên bao bì là Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ kể cả Ý nhưng giá bán chỉ có 50.000 đồng/chục chiếc vòng, từ 25.000 đồng- 30.000 đồng/chục đôi bông tai (tùy loại); 300.000 đồng/chục dây chuyền...

Một số sạp người bán còn bày hàng ra tại chỗ để tháo bỏ bao bì có dính đến hàng TQ thay vào bao bì in bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Ông Trần Thế Hùng, chủ một cửa hàng nữ trang ở quận 3, cho hay “làm gì có hàng Hàn Quốc, Ý với giá bèo như thế, chỉ toàn là hàng TQ thôi. Bao bì thì tự in thiếu gì”. Ông Nguyễn Hồng Lâm, đội trưởng đội 2A Chi cục QLTT TPHCM, cho rằng người bán “thay áo” nữ trang TQ vừa là để dễ bán vừa để né tránh cơ quan kiểm tra.

Theo Chi cục QLTT TPHCM, việc kiểm tra mặt hàng độc hại này hiện khá phức tạp do chủng loại đa dạng, nguồn gốc không rõ ràng phải mất nhiều thời gian để xác minh, kiểm nghiệm. Trong khi đó, nếu xử lý hành chính thì hiện nay mức xử phạt còn rất nhẹ (phạt từ 750.000 đồng- 2,5 triệu đồng cho một vụ kinh doanh không hóa đơn chứng từ) nên không đủ sức răn đe.

 
Nữ trang TQ về VN như thế nào?
Chúng tôi đã có lần hòa vào dòng người Việt sang Quảng Châu (một thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, TQ) để tìm hiểu về “con đường tơ lụa” – nơi mỗi ngày thu hút khoảng 400 người Việt sang đánh hàng. Cùng với các mặt hàng như thời trang, điện máy, điện tử..., nữ trang cũng là mặt hàng được giới buôn lậu quan tâm vì lãi cao.

Xuất phát từ Hà Nội vào lúc 16 giờ 30 phút. Sau hơn 3 giờ, chúng tôi đã có mặt tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Chỉ vài phút làm thủ tục, cả đoàn chuyển xe sang cửa khẩu Bằng Tường (TQ).

Đến 6 giờ hôm sau, chúng tôi đã có mặt ở Quảng Châu và nhận phòng tại một khách sạn do người Việt quản lý. Vừa cất xong hành lý, một nhóm khoảng 20 tai (hướng dẫn viên kiêm phiên dịch) đã đến hỏi nhu cầu đánh hàng của từng người. Lý – một tai người TQ - nhận dẫn chúng tôi đánh hàng nữ trang và rao giá 500 tệ/ngày (khoảng 1,4 triệu đồng)...

Khu vực giới buôn lậu thường đánh hàng nữ trang là các trung tâm thương mại và chợ nằm trên các con đường Dezheng Nan Lu, Jiefang Beilu, Ziyuangang Lu... Nơi đây cũng là thiên đường của hàng fake (hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng). Hầu hết khách đến mua hàng là người Việt. Mỗi trung tâm thương mại có 5 tầng. Muốn đi hết phải mất từ 5 ngày đến một tuần.

Trong mỗi trung tâm thương mại hoặc chợ có khoảng 1/4 số gian hàng bày bán nữ trang, đầy đủ hàng cho trẻ em và người lớn. Lý cho biết: Mỗi loại hàng có hàng trăm ngàn mẫu mã nên thường không bày hết mà chỉ bày những mẫu mới, số còn lại được dán trên tấm bìa hoặc chụp hình.

Khách thoải mái chọn mẫu, trả giá, hàng sẽ được chuyển về tận khách sạn trong ngày. Chủ một gian hàng nữ trang ở chợ Bạch Mã cho biết: “Cứ mười ngày là có khoảng 50 mẫu mới. Khách có thể đặt hàng nhái mẫu các thương hiệu nổi tiếng nhưng phải lấy từ 200 kg trở lên”.

Một lố hàng (50 sản phẩm) nữ trang trẻ em (loại đẹp) như kẹp tóc, vòng tay, băng đô, nhẫn... dao động từ 20 tệ đến 100 tệ (khoảng 55.000 đồng – 270.000 đồng); lố hàng nữ trang người lớn từ 30 tệ - 100 tệ (khoảng 80.000 đồng – 270.000 đồng); lố hàng dây chuyền, cài áo có giá cao hơn khoảng 20%. Hàng fake đắt hơn khoảng 30%. Tùy theo mặt hàng mà chủ hàng sẽ có mức lợi nhuận gấp đôi hoặc gấp 3. Nữ trang bán tại các cửa hàng bán lẻ, giá đội lên gấp 6 – 7 lần.

Sau khi hàng được đóng kiện đã chuyển về tận khách sạn. Lúc này công việc chuyển hàng sẽ do chủ khách sạn chịu trách nhiệm. Chủ hàng chỉ cần đặt cọc rồi ghi rõ địa chỉ tại VN. Sau một tuần - 10 ngày, hàng sẽ được giao đến nơi. Một kiện hàng nữ trang 100 kg chuyển về Hà Nội phí vận chuyển khoảng 2 triệu đồng, về đến TPHCM khoảng 2,9 triệu đồng.

Trọng Bảo


Nguyễn Hải
Theo Người Lao Động

Đọc thêm