Nước mắt hồ Đập Cầu

Nỗi đau mất con vẫn chất chứa trong lòng ông Phạm Văn Bút. Sáng sớm nay, ông Bút lại lọc cọc đạp xe gần chục cây số đến dự toà. Từ khi anh Ngân mất, bà Bút, vợ ông hóa điên, ông thường phải nhốt bà trong nhà.

Phiên toà sơ thẩm đã khép lại, nhưng chính những uẩn khúc pháp lý đã thôi thúc tôi tìm về hồ cá Đập Cầu thuộc địa bàn thôn 14 xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung, Thanh Hoá) nơi xảy ra vụ án.

Đi qua con đường ven rừng sến đại ngàn, hồ Đập Cầu hiện ra trước mắt tôi mênh mông phẳng lặng, như chưa hề xảy ra vụ chết người đau lòng, dẫn đến nghi án “quýt làm cam chịu” suốt hai năm qua

Nỗi đau không dừng lại...

Đi đến vòng tố tụng thứ hai nhưng vụ “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người tại hồ cá Đập Cầu vẫn chưa đến một kết thúc thấu tình đạt lý. Hai năm qua, tại thôn 14 có một ông già ngày đêm vò võ ôm nỗi đau con trai bị sát hại để lại con dâu goá bụa và đàn cháu mồ côi; còn gia đình ba bị cáo thì mang nỗi oan khuất tuyệt vọng vì chồng con họ không đánh chết người nhưng vẫn phải chịu tội thay người khác.

r
Phút sum họp của người thân bị cáo trước vành móng ngựa

Nỗi đau mất con vẫn chất chứa trong lòng ông Phạm Văn Bút (75 tuổi, bố mẹ đẻ nạn nhân Phạm Văn Ngân). Sáng sớm nay, ông Bút lại lọc cọc đạp xe gần chục cây số đến dự toà. Gia đình ông Bút thuộc diện hộ nghèo, từ khi anh Ngân mất, nỗi đau khiến bà Bút hóa điên, ông thường phải nhốt bà trong nhà.

Lưng đã còng gập, tóc bạc nhưng ông Bút vẫn phải đi làm nuôi hai vợ chồng già và đỡ đần con dâu góa nuôi con trai anh Ngân bị tâm thần chỉ nằm một chỗ. Gạt nước mắt, ông Bút bảo chỉ mong vụ án được xét xử đúng người đúng tội, để ông sớm nhận được bồi thường, bù đắp phần nào.

Phía gia đình các bị cáo, nỗi đau khổ oan ức cũng dâng trào. Bà Vọng (85 tuổi, mẹ bị cáo Duệ) bảo, bà thương Duệ một thì thương con dâu và hai đứa cháu nội mười. Từ ngày Duệ bị bắt, hai đứa con đã nghỉ học kiếm tiền nuôi thân và giúp mẹ cấp dưỡng nuôi cha trong tù. Bà Gái mẹ bị cáo Tùng cũng đã 78 tuổi, không biết con bị bắt mà vẫn nghĩ Tùng đi làm ăn xa.

Thỉnh thoảng bà Gái lại hỏi con dâu xem bố Tùng dạo này có hay gọi điện về nhà không, có đỡ vợ được đồng nào không? Thấy chị Yến không trả lời mà chỉ khóc, bà cụ an ủi con dâu thôi chịu khó vậy, cũng chỉ vì muốn kiếm tiền cho con ăn học nên bố Tùng nó phải xa vợ xa con. Bà Gái không biết rằng hơn hai năm qua, con trai bà đã ngồi tù, hai đứa cháu thông minh sáng dạ của bà cũng đã phải nghỉ học để đỡ gánh nặng áo cơm cho mẹ…

Còn bị cáo Chí, trong khi Chí bị tạm giam, mẹ già mất nấm mồ đã xanh cỏ nhưng Chí không được biết nên vẫn khai rằng mẹ mình đang còn sống với anh trai. Nghe những lời khai đó của chồng, chị Chanh cắn chặt môi để không bật lên tiếng khóc.

Cả ba bị cáo đều là những người nông dân hiền lành chất phác, từng tham gia quân ngũ, là người cha người chồng mẫu mực nên được mọi người quý mến. Chính vì thế, dù xa xôi nhưng đông đảo bà con thôn 14 vẫn có mặt để cùng phấp phỏng chờ công lý sẽ soi rọi đến những lời kêu oan của các bị cáo.

Cạn nước mắt chờ công lý

Tại phiên toà sơ thẩm ngày 26/10/2010 của TAND huyện Hà Trung, các bị cáo tiếp tục kêu oan không đánh chết anh Ngân và khẳng định anh Cắc và anh Tiệp- công an viên mới là thủ phạm. Có mặt tại tòa, các nhân chứng tiếp tục khẳng định việc anh Cắc, anh Tiệp đánh chết Ngân nhưng chứng cứ trên đã bị loại bỏ. Mặc dù không làm sáng tỏ được ẩn số pháp lý, nhưng HĐXX vẫn tuyên phạt Chí 5 năm tù, Tùng và Duệ mỗi người 4 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gât thương tích”. Phiên toà sơ thẩm kết thúc trong nỗi oan khuất tuyệt vọng.

Biết tôi là nhà báo, ba người vợ bị cáo bíu chặt tay tôi như tìm cứu cánh. Rất nhiều người dân thôn 14 có mặt tại toà cũng chen lời kêu oan cho ba đàn bà bất hạnh này. Trong dòng nước mắt, họ kể về tất cả nỗi oan ức, đau đớn tủi nhục suốt ba năm qua mà chồng con, gia đình họ gánh chịu.

Họ vẫn mòn mỏi chờ đợi phán quyết của tòa sẽ đưa công lý soi rọi đến phận đời mình, nhưng càng chờ càng tuyệt vọng. Chính những uẩn khúc pháp lý của vụ án đã thôi thúc tôi tìm về hồ cá Đập Cầu- hiện trường vụ án.

Tôi đứng lặng rất lâu trước hồ Đập Cầu mênh mông, chỉ nghe tiếng gió vi vút từ cánh rừng sến đại ngàn. Hai năm trước, nạn nhân Ngân đã bị bắt từ hồ cá này áp giải lên công an xã, để rồi 5 tiếng sau bị chết với vết thương vỡ lách, gãy hở hai xương sườn. Ai cũng hiểu, nếu bị đánh trọng thương như thế chắc chắn anh Ngân không thể đi bộ vác lưới suốt đoạn đường 5 km, để đến 5 giờ sau mới chết- duy chỉ các cơ quan tố tụng huyện Hà Trung là cố tình không hiểu.

Chị Hiên khóc ngất nói với tôi rằng: “Mẹ anh Chí thì đã mất rồi, chẳng biết mẹ chồng tôi có còn sống được đến ngày anh Duệ được ra tù, được minh oan? Chẳng biết khi đó, chị em chúng tôi còn được như hôm nay hay đã đã trở thành vọng phu hồ cá Đập Cầu mất rồi…”.

Tôi nắm bàn tay giá lạnh của người đàn bà bất hạnh, và chỉ biết an ủi họ phải vững tin vào công lý, dẫu biết rằng nước mắt và niềm tin trong họ đã hoá đá...

“18h30 ngày 21/12/2008, Trịnh Văn Chí (50 tuổi), Nguyễn Sơn Tùng (45 tuổi) và Nguyễn Ngọc Duệ (46 tuổi) bắt được Phạm Văn Ngân đánh cá trộm nên có đánh cảnh cáo vài cái rồi dong kẻ trộm vác lưới về giao cho công an thôn, xã. Khoảng 20 giờ 30 phút, Ngân được dẫn giải lên công an xã, vẫn khoẻ mạnh bình thường, dọc đường Ngân còn chạy đi vay tiền nộp phạt.

Đến 23h55 cùng ngày, Ngân bị công an xã trả về, lúc này nạn nhân đã chết do sốc mất máu vì vỡ lá lách, gãy hở 2 xương sườn. Trải qua 2 vòng tố tụng, các bị cáo kêu oan không gây ra cái chết cho nạn nhân.

Nếu các bị cáo đánh Ngân vỡ lách, gãy hở hai xương sườn thì chắc chắn nạn nhân không thể đi lại bình thường khoẻ mạnh, đến 5 tiếng đồng hồ sau mới chết. Các chứng cứ tố cáo công an thôn, xã mới là người đánh chết Ngân thì được cơ quan tố tụng xác định là không có căn cứ”.

Nguyễn Lê 

Đọc thêm