Nước mắt ngày xuống xe tử thần (Kỳ 2)

Xuất thân từ gia đình lương thiện nhưng Nguyễn Tiến Phương (tức Phương “Ninh Hột”) và Nguyễn Tiến Chung (tức Chung “Ninh Hột”) lại trở thành “đệ nhất giang hồ” ở Quảng Ninh. Cả hai từng bị án tử hình về tội “Giết người” song may mắn thoát "chuyến đò về âm phủ".  

[links()]Kỳ 2: Anh em Phương “Ninh Hột” “lỡ” đò về âm phủ

Xuất thân từ một gia đình nghèo, lương thiện nhưng Nguyễn Tiến Phương (tức Phương “Ninh Hột”) và Nguyễn Tiến Chung (tức Chung “Ninh Hột”) lại trở thành những “đệ nhất giang hồ” ở Quảng Ninh. Cả hai từng phải lãnh án tử hình về tội “Giết người” song anh em “ông trùm” bất ngờ thoát được chuyến đò về âm phủ vào phiên xử phúc thẩm.  

Cuộc thanh trừng đẫm máu của “đại gia đất mỏ”

Giang hồ khoác áo doanh nhân Phương “Ninh Hột” là con trai cả của vợ chồng người thợ rèn hiền lành lương thiện vùng than là ông Nguyễn Văn Hột và bà Nguyễn Thị Ninh. Linh động và liều lĩnh, Phương "Ninh Hột" thành công trong thương trường và từng được mệnh danh là người giàu nhất Quảng Ninh, nổi tiếng với gia tài là ba bà vợ đảm, gia sản là Công ty Xuẩt nhập khẩu Quang Phát có thời điểm lên tới hàng ngàn nhân công.

Phương “Ninh Hột” (ảnh trái) và Chung “Ninh Hột”.

Thiên hạ đồn thổi rằng tiền của Phương đủ rải đường từ Móng Cái về đến Bãi Cháy. Phương còn nổi tiếng bởi có sự hậu thuẫn đắc lực của em trai là Chung “Ninh Hột”, cũng là "một tay có số có má" trên giang hồ. Anh em nhà Phương - Chung từng tác oai tác quái, gây ra nhiều vụ phạm pháp, thanh trừng đẫm máu mà vụ xô xát trên địa bàn bến Lục Chắn dẫn đến cái chết oan khuất của hai mạng người là một vụ điển hình. 

“Sự kiện” bến Lục Chắn được bắt đầu vào chiều 30/5/2009. Khi Phương cùng với Bùi Hải Bài và Hà Quốc (một đối tượng người Trung Quốc) đang trên đường vào xã Hải Sơn để thị sát tình hình thì nhận được điện báo, có mấy thanh niên lạ mặt xuất hiện ở khu vực xuất hàng tại bến Lục Chắn.

Ngay trên xe, Phương đã ra lệnh cho Bài gọi người lên giải quyết, Bài điện cho Chung nói: “Có mấy thằng vác “đồ” chặn xe hàng, em lên giải quyết hộ anh”. Chung lúc này đang đi xe cùng Vũ Ngọc Tuất, Tuất nói với Chung: “Trong cốp xe em có “con đồ” đấy”.

Chung mở cốp xe lấy ra một khẩu súng ngắn màu trắng, giắt vào bụng. Tuất cũng rút điện thoại điện cho Nông Văn Môn (là nhân viên điều hành những người làm thuê tại bến Lục Lầm), yêu cầu Môn đưa thêm người lên khu vực Pò Hèn, Lục Chắn, đồng thời gọi thêm một số đàn em để hỗ trợ.

Người Phương định “dằn mặt” là Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Cty TNHH Hồng Công. Trước đó, vào các ngày 27, 28/5/2009, ông Vinh đã gọi điện cho Phương xin được đi nhờ qua xã Hải Sơn để xuất hàng đông lạnh sang Trung Quốc, nhưng không được Phương đồng ý.

Thế nhưng ngày 30/5/2009, Vinh cùng 6 người trong Công ty đi hai xe ôtô vào Trạm Biên phòng (thuộc xã Hải Sơn) để xin xuất hàng qua biên giới tại bến Lục Chắn và đã được Trạm Biên phòng chấp thuận. Anh Vinh để các anh Lê Văn Điệp, Nguyễn Minh Trí và Đoàn Quyết Chiến ở lại bến Lục Chắn chờ xuống hàng, còn Vinh và ba nhân viên khác quay về Móng Cái.

Biết chuyện, khoảng hơn 17h cùng ngày, Nguyễn Tiến Chung, Vũ Ngọc Tuất, Nông Văn Môn, Vũ Huy Đô, Ty Tuấn Luân và Phạm Văn Kiêm đã gặp anh Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí ở ngã ba Lục Chắn. Chung chỉ đạo Tuất, Môn, Đô, Luân xông vào đánh anh Điệp, làm nạn nhân ngã vật xuống vệ đường. Cả bọn tiếp tục dùng đá đập vào đầu, vào mặt anh Điệp. Anh Trí lao vào cứu bạn thì bị Tuất rút súng bắn gục.

Sau khi đánh trọng thương anh Trí và Điệp, bọn chúng đã đem các nạn nhân sang bên kia biên giới định “phi tang”. Với tội ác trên, Phương, Chung, Bài bị truy tố, xét xử về tội “Giết người”, một số đàn em bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm”. Liên quan đến vụ án này còn có Vũ Ngọc Tuất, Nông Văn Môn, Vũ Huy Đô, Ty Tuấn Luân và Khổng Thanh Thu nhưng đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã.

Thoát "chuyến đò về âm phủ"

Quá trình giải quyết vụ án, gia đình các nạn nhân đã có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho anh em nhà Phương “Ninh Hột” với lý do người nhà các “ông trùm” đã nỗ lực bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả về cái chết của các nạn nhân.

Phía nạn nhân cũng cho rằng, anh em Phương - Chung vốn không có tư thù ân oán gì với con em họ, việc các đàn em của “ông trùm” ra tay quá nặng với các nạn nhân là hậu quả vượt quá tầm kiểm soát của anh em Phương “Ninh Hột”. Dù được phía nạn nhân xin giảm án, nhưng ngày 26/8/2010, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt hai anh em Nguyễn Tiến Phương, Nguyễn Tiến Chung cùng mức án tử hình; đồng phạm tội “Giết người” là Bùi Hải Bài chịu mức án tù chung thân. Ngay sau đó, các bị cáo Phương, Chung, Bài kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/1/2011 của TANDTC, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng những lời khai của nhân chứng đã làm rõ được một số tình tiết quan trọng của vụ án, qua đó xác định tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của từng bị cáo. Trên cơ sở đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị chấp nhận kháng cáo giảm án tù chung thân đối với bị cáo Nguyễn Tiến Chung, 20 năm tù đối với Nguyễn Tiến Phương, Bùi Hải Bài bị đề nghị mức án 12 năm tù.

Số phận đã mỉm cười với anh em Phương "Ninh Hột khi họ được TAND TC chấp nhận kháng cáo, quyết định giảm án cho Nguyễn Tiến Chung từ tử hình xuống tù chung thân, Nguyễn Tiến Phương từ tử hình xuống 20 năm tù, Bùi Hải Bài từ tù chung thân xuống mức án 15 năm tù về tội “Giết người”. Ngoài số tiền đã bồi thường ở phiên tòa sơ thẩm, Tòa phúc thẩm còn tuyên anh em Phương “Linh Hột” phải bồi thường thêm 200 triệu đồng cho gia đình anh Điệp và anh Trí.

Dư luận quan tâm vụ án bất ngờ vì Tòa phúc thẩm tuyên một mức án giảm nhẹ đặc biệt, ngoài sức dự đoán. Nhưng với các bị cáo và gia đình họ thì đây là một kết thúc có hậu cho một vụ án phức tạp.

Người nhà các nạn nhân cũng tỏ ý bằng lòng với sự nhân đạo và khoan hồng của pháp luật khi mở cho anh em Phương “Ninh Hột” con đường sống, dù sao con em họ cũng đã mãi mãi ra đi không cách nào có thể sống lại nên họ không muốn thêm một gia đình mất người thân vì trả giá cho tội ác.

Phải biết vượt qua nỗi đau thương để tha thứ và quên - mong rằng với sự nhân văn của pháp luật, tấm lòng vị tha và cao thượng của phía bị hại sẽ thức tỉnh lương tri các bị cáo, rút ngắn con đường trở về với cuộc đời lương thiện của họ.

Nguyễn Lê
 
(Còn tiếp)

Đọc thêm