Ngày 5/3/2010, những người cộng sản Nga đã dâng hoa lên mộ lãnh tụ Xô viết Yosif Stalin, người đã qua đời đúng vào ngày này 57 năm trước. Đại diện BCH TW Đảng Cộng sản Nga và Thành ủy Moskva cùng nhiều đại biểu Duma Quốc gia Nga và Duma thành phố Moskva đã có mặt bên tường điện Kremli để đặt hoa lên mộ Stalin.
Trước đó, ngày 2/3/2010, Thị trưởng Moskva Yuri Luzhkov đã xác nhận lại rằng, trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít sắp tới, chính quyền thủ đô Nga sẽ trưng bày các bảng tin ca ngợi vai trò của lãnh tụ Stalin trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Theo ông Luzhkov, không ai được quyền loại bỏ tên tuổi của lãnh tụ Stalin ra khỏi chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít…
Thị trưởng Luzhkov nhấn mạnh: "Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện cảnh hỗn loạn về vai trò của các nhà lãnh đạo quốc gia trong việc quyết định diễn biến của chiến tranh. Tôi dù không phải là người sùng mộ Stalin nhưng tôi lại là người tôn sùng sự công bằng trong diễn giải lịch sử". Theo ông Luzhkov, "sự khách quan đòi hỏi để không được loại bỏ những người đã từng lãnh đạo đất nước, mà phải dành cho họ vị trí tương xứng với những gì họ đã làm được trong chiến tranh và trong khôi phục lại nền kinh tế đất nước sau chiến tranh".
|
Lãnh tụ Xô viết Yosif Stalin |
Tất cả những ai có cách nhìn nhận nghiêm túc về lãnh tụ Stalin đều phải công nhận rằng, thế giới đã "gặp may" khi đã có ông làm lãnh tụ của Liên Xô vào đúng cơn thử thách sinh tử của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, vì xét trên mọi phương diện, ông đã là người cầm quân thích hợp để đưa Hồng quân Liên Xô tới chiến thắng chủ nghĩa phát xít.
Piter Ustinov, một chuyên gia lịch sử, đã nhận xét: "Có lẽ không thể có một ai khác ngoài Stalin có thể làm được những việc như thế trong chiến tranh: quyết liệt, mềm dẻo, nhất quán, như yêu cầu đánh thắng trong những kích cỡ phi thường như thế...".
Còn Nguyên soái Xôviết Georgi Zhukov, vị tướng quân lừng danh bậc nhất của Chiến tranh thế giới lần thứ 2, thì hồi tưởng: "Tôi được gần gụi Stalin sau năm 1940, khi tôi làm chỉ huy Bộ Tổng tham mưu và trong thời gian chiến tranh, khi tôi là Phó Tổng tư lệnh tối cao. Về ngoại hình của Stalin, người ta đã viết nhiều rồi. Là một người không cao lớn và có vẻ như không nổi trội, nhưng Stalin lại tạo nên được một ấn tượng mạnh mẽ. Không bao giờ tỏ vẻ này nọ, ông khiến người đối thoại phải thấy cảm tình với mình bằng sự giao tiếp giản dị. Cách trò chuyện thoải mái, khả năng diễn đạt rõ ràng ý tưởng, trí tuệ phân tích thiên phú, sự hiểu biết bách khoa rộng rãi và trí nhớ hiếm có đã buộc ngay cả những nhân vật lớn, lịch lãm khi trò chuyện với Stalin cũng phải tập trung nội tâm và luôn sẵn sàng đối đáp. Ông biết tiếng Nga rất giỏi và thích dùng những hình ảnh văn học giàu hình tượng, đầy ẩn ý. Ông thường tự viết tay. Ông đọc rất nhiều và biết nhiều thứ trong các lĩnh vực khác nhau. Sức làm việc đáng kinh ngạc của ông, khả năng nhanh chóng nắm bắt thông tin cho phép ông trong một ngày xem xét và thấu hiểu một khối lượng tư liệu lớn đến mức chỉ những vĩ nhân mới có thể làm được như thế.
Thật khó nói nét tính cách nào là chủ đạo trong ông. Là một con người đa diện và tài năng, ông không bằng phẳng. Ông có ý chí mạnh mẽ, tính tình kín đáo, và giàu xung động. Thường ông điềm đạm và cẩn trọng, nhưng đôi khi lại hay cáu kỉnh. Khi không kiềm chế được mình, ông thay đổi rất nhanh chóng, mặt tái đi, cái nhìn trở nên lạnh lẽo và cứng rắn. Tôi chỉ biết có rất ít người dũng cảm chịu đựng được cơn cáu giận của Stalin và loại được nguy hiểm ra khỏi mình... ông làm việc nhiều, khoảng 12-15 giờ trong một ngày.
Tôi đã nghiên cứu Stalin như một nhà hoạt động quân sự rất kỹ càng vì tôi đã cùng ông đi suốt cuộc chiến tranh. Y. Stalin nắm chắc các vấn đề tổ chức chiến dịch mặt trận và các chiến dịch phối hợp giữa các nhóm mặt trận, và ông chỉ huy các chiến dịch này rất bài bản, vì biết rõ các vấn đề chiến lược lớn. Trong chỉ đạo chiến tranh nói chung, Stalin được giúp đỡ bởi trí tuệ thiên phú của ông và một linh tính rất phong phú. Ông biết tìm ra mắt xích chủ đạo trong tình huống chiến lược và nắm lấy nó, phản kích kẻ thù, tiến hành chiến dịch tấn công lớn này hay chiến dịch tấn công lớn khác. Không có gì hoài nghi nữa, ông là một Tổng tư lệnh tối cao xứng đáng…".
Lãnh tụ Stalin qua đời ngày 5/3/1957 ở tuổi 73. Theo biên bản của các bác sĩ, Stalin mất vì chảy máu não. Đó là một cái chết hoàn toàn vì những lý do tự nhiên chứ không như các thế lực thù địch tô vẽ.
Thực sự không ai có thể phủ nhận được vai trò của lãnh tụ Stalin trong hành trình gian khó và máu lửa của nhân dân Xôviết đi tới chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, không cam chịu bẽ bàng, những lực lượng thù địch lại còn muốn tung ra vô số những nhận định bịa đặt để hạ thấp vai trò và tầm cỡ của lãnh tụ Stalin. Thí dụ, theo họ, ngỡ như do lỗi của Stalin mà Moskva đã bị bất ngờ trước cuộc tấn công của nước Đức phát xít ngày 22/6/1941. Thực ra, đó là những luận điểm hoàn toàn mang tính vu cáo.
Theo lời nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov, Moskva đã cố ngăn chặn chiến tranh bằng cách không tạo ra cớ để quân Đức gây hấn. Ông Molotov bình luận: "Tất nhiên, một khi Hitler đã định làm gì rồi thì khó có ai bên ngoài có thể ngăn được y. Thế nhưng, biện lý đến cùng, ở những năm 30-40 ấy, có ai ngồi ở trong đầu Hitler đâu mà biết y thực sự đã quyết định những gì. Ngay từ năm 1939, y đã sẵn sàng làm nổ ra chiến tranh với Liên Xô rồi. Nhưng không ai rõ là vào thời điểm nào. Còn đối với Liên Xô, đẩy lùi thời hạn nổ ra chiến tranh thêm một năm hay vài tháng nữa là việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để gia tăng thêm tiềm lực quốc gia! Trước chiến tranh, chúng ta đã luôn sẵn sàng cho chiến tranh trong việc chính yếu nhất. Điều này thể hiện qua những kế hoạch năm năm, xây dựng được tiềm năng công nghiệp mà về sau, trong chiến tranh, đủ mạnh để giúp đất nước trụ lại được."
Cuối thập niên 30, khi quân Đức đã tấn công Ba Lan và chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đã có nhiêu lời bóng gió cảnh báo rằng sớm hay muộn thì Hitler cũng sẽ tấn công Liên Xô. Ngay đại sứ Đức tại Moskva là Sulenberg cũng nói xa xôi tới chuyện này. Tuy nhiên, theo quan điểm của Stalin, không thể nào manh động.
Sau này, theo lời Nikita Khrusov, Thủ tướng Anh Churchill đã từng báo trước cho Stalin biết về việc Đức sẽ tấn công Liên Xô... Đáp lại, Stalin chỉ nói ngắn gọn: "Tôi không cần lời cảnh báo nào cả. Tôi biết chiến tranh sẽ nổ ra, nhưng tôi sẽ có thể làm chậm lại nửa năm nữa". Một số người muốn dùng câu nói đó để buộc tội Stalin, cho rằng ông đã quá trông cậy vào bản thân mình. Nhưng thực ra, đó không phải là Stalin quá trông cậy vào bản thân mình, mà vào cả đất nước. Khi đó, ông không nghĩ về mình, mà nghĩ về cả quốc gia. Nhân dân ta đã rất cần đẩy lùi thời hạn chiến tranh nổ ra thêm nửa năm nữa. Hơn nữa, chính Churchill, một kẻ thù truyền kiếp của chế độ Xôviết, rất muốn khiêu khích để Liên Xô và Đức dụng độ quân sự với nhau càng sớm càng tốt…".
Theo ông Molotov, loại bỏ hoàn toàn yếu tố địch tấn công bất ngờ trong điều kiện của Liên Xô lúc bấy giờ là việc không thể làm được: "Tất nhiên, chúng ta có thể bị đỡ bất ngờ hơn nếu có được sự nỗ lực bền dai hơn. Đó chẳng qua là bản chất mugích của dân ta: làm việc nhiều nhưng cũng thích uống rượu cho tới say và nghỉ ngơi cho thoải mái. Chủ nghĩa Mác-Lênin không liên đới gì tới đó cả. Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn đứng về phía tấn công khi nào có thể, còn khi chưa có thể thì chờ đợi.
Về những thông tin của tình báo thì tôi có thể nói rằng, khi tôi còn làm Chủ tịch Hội đồng Xôviết, thì hàng ngày tôi mất cả một buổi để đọc các loại tin tình báo. Vô số những thời hạn địch sẽ tấn công ta đã được nêu ra trong đó. Nếu chúng ta tin theo những dự đoán đó mà manh động thì hẳn chiến tranh đã nổ ra sớm hơn rồi.
Nói tới vai trò của Stalin trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cần thấy rằng, bản chất vấn đề không phải là ở chỗ đoán đúng hay sai ngày nổ ra chiến tranh. Bản chất vấn đề là ở chỗ, không cho Hitler vào Moskva, Leningrad hay Stalingrad. Bản chất vấn đề là ở chiến thắng chung cuộc rất vẻ vang. Và chúng ta đã làm được điều này. Trong đó có công lao to lớn của Stalin. Cần phải công bằng chứ không nên như bây giờ, đổ mọi lỗi lầm cho Stalin khi ông không còn sống nữa".
Ông Molotov phê phán: "Hiện nay có xu hướng ở Nga miêu tả Stalin như một người tự mãn, tự kỷ, luôn cho rằng ông nói thế nào thì mọi sự sẽ diễn ra y như thế. Làm vậy là không đúng, là vu cáo.
Ngay trong hồi ký của những danh tướng như nguyên soái Zhukov cũng không hẳn mọi sự đều đúng. Zhukov viết, Stalin đã cầm chắc mình sẽ ngăn chặn không cho chiến tranh nổ ra.Thế nhưng, nếu đổ cho một mình Stalin mọi lầm lỗi như thế thì cũng có thể nói, một mình Stalin đã xây dựng thành công CNXH, một mình Stalin đã chiến thắng phát xít Đức. Ngay Lênin cũng từng lãnh đạo không chỉ một mình, và Stalin cũng không phải chỉ có một mình trong Bộ Chính trị. Mỗi người có phần trách nhiệm riêng...
Ngay sau khi nổ ra quân Đức tấn công Liên Xô (ngày 22/6/1941), Stalin đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao tới Bộ Quốc phòng. Stalin đã trò chuyện với Zhukov và Timoshenko khá thô bạo. Ông không mắng mỏ ai nhưng rõ ràng là đang cảm thấy khó ở. Rất ít khi Stalin nổi cáu như thế…"
Theo An ninh thế giới