Vừa qua, Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ và chuyên gia của một số tổ chức quốc tế đã làm việc tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) nhằm đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2 tại đây.
Trong 5 năm (2006 -2010) qua, từ nguồn vốn của Chương trình 135 giai đoạn 2, huyện Bảo Lâm được đầu tư hơn 50 tỷ 600 triệu đồng cho 6 xã đặc biệt khó khăn đó là Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, Lộc Phú, B’Lá, Tân Lạc và 13 thôn đặc biệt khó khăn của bốn xã Lộc Thành, Lộc Nam, Lộc Tân và Lộc Ngãi thuộc khu vực II. Nguồn vốn này nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thực pháp luật…
Chính nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả nên đã tác động mạnh đến sự phát triển đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần rất lớn trong việc giảm nghèo nhanh: Nếu như năm 2006, huyện Bảo Lâm có 68% hộ nghèo thì nay đã giảm xuống còn 21%.
Sau khi Đoàn kiểm tra thực tế ở một số địa phương trong huyện, chúng tôi đã tiếp xúc với các chuyên gia tài chính của Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế và họ đã có sự ghi nhận về việc triển khai một cách hiệu quả chương trình này tại Bảo Lâm - huyện miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Bà Keiko Kubota, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới:
Tôi rất ấn tượng về những con số xóa đói giảm nghèo của huyện Bảo Lâm. Các địa phương này đã sử dụng rất tốt nguồn vốn 135 giai đoạn 2. Thời gian tới, mặc dù Ngân hàng Thế giới chưa có những kế hoạch cụ thể, nhưng chúng tôi tin tưởng luôn đồng hành, sát cánh và hợp tác với Chính phủ Việt Nam, nhất là về các chương trình xóa đói giảm nghèo.
Ông Manohar LalSherestha, Chuyên gia của Đại sứ quán Australia:
Tôi rất quan tâm đến việc giáo dục của các địa phương ở huyện Bảo Lâm nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung khi triển khai Chương trình 135. Tôi đánh giá cao nền giáo dục của các bạn: Số học sinh tham gia bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS, và THPT đúng độ tuổi, duy trì sĩ số tốt, tỷ lệ nam giới và nữ giới giữa các cấp học tương đương nhau, điều lý thú nhất là việc học trong vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS đã được nâng lên rõ rệt.
Ông Peter Chaudhry, Chuyên gia cao cấp của Chương trình phát triển của LHQ (UNDP):
Tôi thấy người dân tham gia vào Chương trình 135 rất nhiệt tình, họ sẵn sàng hiến đất, hiến ngày công để các công trình 135 sớm đưa vào sử dụng. Hơn nữa, tôi rất hài lòng về sự tham gia của nữ giới vào các hoạt động của địa phương, nhất là các chị em cùng tham mưu và lập kế hoạch, giám sát và theo dõi các hoạt động của Chương trình 135 được triển khai ở địa phương. Nhiều phụ nữ đã có vị trí cao và làm tốt vai trò của mình ở hệ thống chính quyền cơ sở.
Theo Nhân dân