Nước Pháp tê liệt vì biểu tình

Hàng nghìn điểm bán xăng dầu cạn kiệt nguồn cung, hàng chục chuyến bay tại nhiều sân bay đứng trước nguy cơ hoãn chuyến. Cuộc tổng đình công toàn quốc lần thứ 6 trong một tháng qua khiến toàn nước Pháp đang rơi vào tình trạng ngưng trệ.

Hàng nghìn điểm bán xăng dầu cạn kiệt nguồn cung, hàng chục chuyến bay tại nhiều sân bay đứng trước nguy cơ hoãn chuyến. Cuộc tổng đình công toàn quốc lần thứ 6 trong một tháng qua khiến toàn nước Pháp đang rơi vào tình trạng ngưng trệ.

Dự luật cải cách hưu trí của nước Pháp dự kiến được đưa lên Thượng viện nước này thông qua hôm nay đang làm đau đầu chính giới Pháp khi các cuộc biểu tình phản đối trên toàn quốc ngày càng dữ dội, đẩy nước này đứng trước nguy cơ bất ổn và bạo lực.

 Bạo lực đã nổ ra nhiều nơi trên nước Pháp.

Hàng đoàn dài xe ô tô, mô tô hôm qua lũ lượt xếp hàng tại các điểm bán xăng dầu trên toàn nước Pháp, thậm chí mang theo cả can mua dự trữ khi 2.500 trong tổng số 12.500 cây xăng tuyên bố hết hàng.

Hãng tin CNN dẫn tuyên bố Liên đoàn nhập khẩu xăng dầu độc lập (Pháp) cho biết, 1.500 trong tổng số 4.800 nhà phân phối xăng dầu lớn, chiếm tới 60% tổng số nhà cung cấp, hiện cạn kiệt nguồn cung trong khi 12 nhà máy lọc dầu cũng ngừng hoạt động khi công nhân đình công.

Dù trữ lượng dự trữ  đủ sử dụng trong vòng vài tuần và các nhà nhập khẩu có thể nhanh chóng nhập lại xăng dầu nhưng việc nhà máy lọc dầu tiếp tục bị phong tỏa, lái xe tải đình công thì nguy cơ người dân đổ xô đi mua gây bất ổn xã hội đang hiển hiện. Chính phủ Pháp cùng ngày khẳng định tình hình hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát và bắt đầu mở các kho dự trữ khẩn cấp.

Tình trạng phong tỏa các đường ống dẫn nhiên liệu đang ảnh hưởng lớn đến hai sân bay lớn nhất tại Paris, Orly và Charles de Gaulle. Cả hai sân bay này đều tiếp nhận nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động từ cuối tuần trước.

Trước đó, cơ quan hàng không Pháp tuyên bố cắt giảm một nửa số chuyến bay cất cánh từ Orly và 30% số chuyến bay từ các sân bay khác trong ngày hôm qua. Thậm chí, hoạt động tại nhiều sân bay Pháp có thể bị ngưng trệ hoàn toàn khi công đoàn kêu gọi nhân viên phục vụ mặt đất của Air France-KLM tham gia đình công.

Kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 60 lên 62 và tuổi nhận đầy đủ phúc lợi từ 65 lên 67 của chính phủ Tổng thống Nicolas Sarkozy có thể giúp Pháp tiết kiệm được 100 tỷ euro trong vòng ba năm. Tuy nhiên, kế hoạch này lại tác động nhiều nhất đến tầng lớp bình dân trong xã hội, đặc biệt những người có tay nghề và trình độ học vấn thấp. Cuộc biểu tình lần này cũng thu hút sự chú ý của học sinh, sinh viên khi họ cho rằng kế hoặc tăng tuổi hưu làm giảm bớt cơ hội việc làm của họ.

Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại Pháp tại một số nơi đã biến thành bạo lực khi sinh viên tấn công cảnh sát bằng bom xăng, đốt cháy nhiều xe ô tô, đập phá trường học và các trạm xe bus. Trong ngày 19.10, đã có 379 trường học phải đóng cửa, ít nhất 22 cảnh sát bị thương và 196 sinh viên bị bắt giữ.

Theo Chi Hà
Đất Việt

Đọc thêm