Nuôi cấy thành công mô phổi ’nhân tạo’

Những lá phổi được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ sớm được sử dụng để cấy ghép cho những bệnh nhân bị bệnh phổi.

Những lá phổi được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ sớm được sử dụng để cấy ghép cho những bệnh nhân bị bệnh phổi.

Nếu công nghệ này thành công trên người nó có thể cứu sống hàng triệu bệnh nhân phổi mỗi năm. Ảnh: Internet.

Các nhà khoa học tin tưởng công nghệ này giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong do những bệnh về phổi. Ngoài ra, công nghệ nuôi cấy phổi trong phòng thí nghiệm cũng thể được sử dụng để tái tạo lại hàng nghìn lá phổi được hiến tặng nhưng hiện tại không thể sử dụng để cấy ghép do để quá lâu.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cấy ghép bằng những lá phổi được nuôi cấy nhân tạo thậm chí tốt hơn cả những lá phổi được hiến tặng từ người khác. Bởi vì, những lá phổi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sử dụng các tế bào phổi của chính bệnh nhân nên không phải sử dụng các loại thuốc chống đào thải khi cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Yale (Mỹ) đã được tiến hành trên chuột. Các nhà khoa học đã lấy các tế bào phổi của những con chuột bị bệnh. Sau đó, những tế bào này được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để tạo thành các mô phổi. Bước tiếp theo, các nhà khoa học cấy ghép những mô phổi này trở lại cơ thể chuột bị bệnh.

Tiến sĩ Laura Niklason, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã thành công trong việc cấy ghép các mô phổi được nuôi cấy nhân tạo trên cơ thể chuột. Sau khi được cấy vào cơ thể chuột, mô phổi này đã hoạt động khá tốt, có thể trao đổi khí ôxy, cacbonic và có thể ôxy hóa haemoglobin trong máu. Đây là một tiền đề quan trọng mở ra hy vọng cấy ghép phổi nhân tạo ở những động vật lớn hơn và trên con người”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Niklason cho rằng để ứng dụng công nghệ mới này trong việc điều trị bệnh phổi ở người vẫn cần thêm những nghiên cứu về các tế bào gốc nhằm tạo ra mạch máu liên kết cho các mô phổi từ đó có thể tạo ra một lá phổi có chức năng hoàn chỉnh. 

Hiện nay, khoảng 11,9 triệu người trên thế giới bị tử vong vì bệnh phổi mỗi năm. Bởi vì các mô phổi rất khó tái tạo sau khi bị phát hủy nên phương pháp điều trị duy nhất hiện nay là cấy ghép phổi từ người khác. Tuy nhiên, phương pháp này có nguy cơ bị đào thải cao và chỉ khoảng 10% đến 20% bệnh nhân sống sót sau 10 năm cấy ghép phổi mới.

Nguồn: VietNamnet

Đọc thêm