Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa tổ chức tiếp nhận “thực tập viên tiềm năng” Sacombank năm 2011. Trong đợt này, Sacombank tuyển chọn được 320 “thực tập viên tiềm năng” trong số 800 sinh viên trúng tuyển thực tập từ hơn 8.000 hồ sơ sinh viên đăng ký thuộc 31 trường đại học – cao đẳng – trung học chuyên nghiệp đến thực tập tại các phòng nghiệp vụ và các chi nhánh của Sacombank trên địa bàn TP.HCM.
Đại diện Sacombank cho biết, chương trình tiếp nhận sinh viên thực tập tại Sacombank được tổ chức định kỳ hàng năm không đơn thuần chỉ là việc tạo cơ hội cho các sinh viên tiếp xúc với thực tế công việc mà còn là một chương trình tuyển dụng nhân sự có quy mô lớn của Sacombank dành cho sinh viên. Bắt đầu từ quý IV hàng năm, Sacombank sẽ tiến hành tiếp nhận và sàng lọc các các hồ sơ đăng ký thực tập hội đủ điều kiện để tổ chức thi kiểm tra kiến thức tổng quát và phỏng vấn trực tiếp nhằm lựa chọn “thực tập viên tiềm năng” cho từng năm.
Các “thực tập viên tiềm năng” được hỗ trợ một khoản phụ cấp trong suốt quá trình thực tập và được đào tạo theo một chương trình đặc biệt nhằm đảm bảo có thể tiếp nhận công việc ngay sau khi kết thúc thời gian thực tập. Trước đó, năm 2010, ngân hàng này đã tổ chức thành công chương trình này và tiếp nhận 180 sinh viên ưu tú trong tổng số 634 sinh viên từ các trường.
Trong một buổi gặp gỡ báo chí mới đây, đại diện Tập đoàn Bảo Việt cũng cho rằng nhân lực chính là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của DN. Với sự phát triển và mở rộng không ngừng, Bảo Việt cần một lực lượng cán bộ lành nghề, trong đó đặc biệt cần cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung, nhất là các chức danh: giám đốc tài chính, giám đốc quản lý rủi ro, giám đốc quản lý hoạt động kinh doanh…; cán bộ có trình độ chuyên môn cao như các chuyên gia đầu ngành về tính toán bảo hiểm, đầu tư, tin học…; cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng đối với các chuyên ngành: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ…
Do đó, bên cạnh việc thu hút nhân tài, DN này cũng xác định việc hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng kế hoạch đồng bộ về đào tạo, đào tạo lại và phát triển nguồn nhân lực, thành lập Viện nghiên cứu bảo hiểm Bảo Việt, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trong nước để phát triển nguồn nhân lực,… Xét riêng trong lĩnh vực bảo hiểm, hiện mới chỉ có Bảo Việt và Bảo Minh thành lập trung tâm đào tạo. Đặc biệt, Trung tâm đào tạo Bảo Việt là đơn vị đào tạo bảo hiểm đầu tiên và có quy mô lớn nhất của một DN bảo hiểm với cơ sở trang thiết bị đào tạo chính quy, hiện đại…
Bấy lâu nay, các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm… vẫn đau đầu với bài toán nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Không ít nhân viên sau một thời gian công tác đã trang bị cho minh những kỹ năng cần thiết và “nhảy việc” để đảm nhận cương vị cao hơn, hay với môi trường làm việc tốt hơn, mức thu nhập cao hơn ở các đơn vị khác.
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho rằng quá trình “người đến, người đi” là không tránh khỏi, biết đâu 1.000 người đi lại nhận về 2.000 người có năng lực, trình độ hơn, quan trọng là làm sao thu hút được người có năng lực và giữ được người có năng lực.
Ông Vinh cũng cho biết, quá trình chuẩn bị nguồn nhân lực không phải không có kết quả, đến nay ngân hàng này đã chuẩn bị nguồn nhân lực tăng trưởng 30- 40%, tới đây sẽ lựa chọn 100 cán bộ trẻ có tiềm năng đưa đi đào tạo trong nước và ngoài nước…
Mỗi đơn vị một cách làm khác nhau, song nhân lực đang được các đơn vị đặc biệt coi trọng và có sự đầu tư một cách bài bản để có thể chủ động trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của đơn vị mình…
T.Lan