“Nuôi rồng” dâng đại lễ

Trong các lễ hội Trung thu, hội xuân, lễ hội truyền thống thường có các điệu múa rồng, múa lân, rước kiệu... Nghệ nhân Lê Ngọc Nguyện có lẽ là người duy nhất còn làm rồng bằng vải ở Việt Nam. Hướng đến 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông đang “nuôi” một chú rồng lớn, mà có thể khi nhìn vào, du khách sẽ “choáng ngợp” trước con rồng 1.000 năm tuổi.

Trong các lễ hội Trung thu, hội xuân, lễ hội truyền thống thường có các điệu múa rồng, múa lân, rước kiệu... Nghệ nhân Lê Ngọc Nguyện có lẽ là người duy nhất còn làm rồng bằng vải ở Việt Nam. Hướng đến 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông đang “nuôi” một chú rồng lớn, mà có thể khi nhìn vào, du khách sẽ “choáng ngợp” trước con rồng 1.000 năm tuổi.

Một đời duyên nợ

Nghệ nhân Lê Ngọc Nguyện bên chiếc đầu rồng vừa hoàn thành.

Nghệ nhân Lê Ngọc Nguyện bên chiếc đầu rồng vừa hoàn thành.

Truyền thuyết nói rằng vùng Hà Đông là đất rồng linh thiêng. Nhất là làng Đa Sỹ, xã Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Đường làng uốn lượn hình rồng chín khúc. Hội làng tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng âm lịch với những sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Xưa làng nổi tiếng với những đội múa rồng và đi biểu diễn ở nhiều nơi. Thời kỳ chống Pháp, Đa Sỹ có những nghệ nhân nổi tiếng về chế tác rồng như cụ Sảo, cụ Ba Tý… với đôi bàn tay khéo léo đã làm nên những con rồng rực rỡ, tinh xảo.

Là người mê rồng từ khi tóc còn để chỏm, ông Lê Ngọc Nguyện rất thích đi xem múa rồng, và thường đến nhà những nghệ nhân để xem cho thỏa. Rồi được các cụ quý, cho tham gia chế tác. Những ngày lễ hội, có múa rồng là ông phải đi xem cho bằng được. Sau này lớn lên, ông vào đội múa rồng của làng, được chế tác rồng và biểu diễn ở nhiều nơi, cái túy hồn, túy cốt của dân tộc trong tất cả các điệu múa rồng cứ thế ngấm vào ông.

Những nghệ nhân giỏi của làng cứ lần lượt qua đời, nghề làm rồng có nguy cơ thất truyền. Năm 1985, ông Nguyện nghỉ hưu, gắn bó với nghề chế tác rồng trước nguy cơ mai một. Hơn 20 năm qua, bàn tay người nghệ nhân này đã làm ra không biết bao nhiều đầu rồng, đầu sư tử. Thời gian đầu, ông làm ra những con rồng có hàm sắt, sừng sắt… cân nặng lên đến 30kg, rất khó khăn cho những người múa rồng. Rồi ông nghĩ ra cách dùng đệm mút để chế, con rồng vừa nhẹ nhàng vừa thanh thoát, khi múa có thể thỏa sức mà nhào lượn. Ông Nguyện tâm sự: “Để cải tiến sức nặng, tôi muốn làm ra con rồng nhẹ, đẹp, mà vẫn thanh thoát, vẫn có hồn.” Theo ông, để hoàn thành một con rồng thì phải cần đến 4 loại thợ: thợ đan, thợ vẽ, thợ gò, thợ may. Bốn thợ này đều phải giỏi thì mới góp phần làm nên những con rồng có chất lượng tốt.

Ông còn nói thêm, dù đã tạo cho mình một phong cách rồng riêng, nhưng không xa rời thực tế. Để gìn giữ được nếp nghề của cha ông thì cần cù thôi chưa đủ mà phải sáng tạo để hướng tới sự hoàn thiện.

Thổi hồn vào rồng

Rồng là loài đứng đầu trong hàng tứ linh “Long-Ly-Quy-Phượng”. Bản thân con rồng cũng là sự kết hợp của nhiều con vật khác: mình rắn, mang cá, sừng hươu, miệng cá sấu… Vậy nên việc chế tác rồng đòi hỏi phải tỉ mỉ, nhiều loại nguyên vật liệu được huy động. Mỗi con thường dài 18 mét, 9 khúc và 10 chân. Công đoạn khó nhất là làm đầu. Cái đầu tạo nên vẻ oai hùng, vẻ đẹp của loài này, cũng là để đánh giá tay nghề của người nghệ nhân. Ông Nguyện đã chế ra loại mắt rồng có thể cử động chứ không đứng im như chết và trở thành bí quyết riêng của ông. Ông cũng mua thêm các chất phản quang, kim tuyến từ Đức về để quết lên những chi tiết trên mình rồng, khiến cho chúng trở nên rực rỡ. Theo ông Nguyện, việc lắp ráp từng bộ phận cũng chẳng phải là việc dễ dàng gì, phải làm sao để chúng ăn khớp, có cái thần, sự linh hoạt cần thiết... “Rồng không giống những loại hàng khác. Những mặt hàng khác có cao cấp, có thứ hạng nhưng hàng rồng thì chỉ có một loại là đẹp” - ông Nguyện nói. Vì thế mà những khi con cháu ông lắp ráp một con, toàn cục diện thì được rồi nhưng cái đầu vẫn chưa có hồn. Ông lại tỉ mẩn sửa lại. Rồng vải do ông Nguyện làm ra đã được mọi người dân trong làng Đa Sỹ thán phục và gọi ông luôn bằng cái danh “Vua phục rồng vải”.

Ông Nguyện đã cải tiến kỹ thuật làm rồng từ xa xưa, để tạo ra những con rồng vừa nhẹ, có thể vận chuyển dễ dàng. Môi con rồng là một tác phẩm tinh thần với nhiều công đoạn. Ông không bao giờ làm rồng theo ý của khách đặt, bởi theo ý họ thì có thể rồng chẳng là rồng nữa. Làm rồng phải có cái tâm của người nghệ nhân, phải đúc kết được tinh thần văn hóa chứ không phải vì tiền.

Rồng do ông Nguyện làm ra có mặt ở nhiều tỉnh trong nước, biểu diễn trong các lễ hội của Đền Hùng, Đống Đa (Hà Nội), Phủ Giầy (Nam Định), Văn miếu… Năm 2000 ông bán cho một gia đình người Mỹ con rồng vải dài 18 mét. Sau khi về Mỹ ông được biết con rồng được trưng bày trong một trường ĐH Văn hóa ở Haven (Mỹ), giúp cho sinh viên Mỹ hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Sau đó ông đã xuất thêm 5 con sang Mỹ và Đức.

Cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông Nguyện được Ban tổ chức lễ hội đặt làm hai con rồng lớn. Ông chia sẻ: “Tôi đã khởi công làm từ lâu, vì để có rồng đẹp, xứng với Đại lễ, phải nuôi rồng lớn dần. Làm sao khi nhìn vào, du khách sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng hồn của “rồng 1.000 năm Thăng Long”. Ông Nguyện đã đi mời một số nghệ nhân còn biết làm rồng về, cùng mình tiến hành công việc. Ông đang thiết kế hình dáng con rồng trên những bản vẽ phác thảo và chuẩn bị các nguyên vật liệu tốt nhất phục vụ cho quá trình làm rồng 1.000 năm. Nói về nghề, ông Nguyện tự hào rằng giờ đây ông không lo mất nghề nữa, bởi con cháu ông cũng đam mê và muốn nối nghiệp ông. Đặc biệt, ông có một cháu nội mới 10 tuổi mà đã biết làm rồng. Ông khoe, nó từng tự mình làm riêng một đầu sư tử từ năm lên 8, đã từng được lên báo. Khi chia tay, ông Nguyện nói sẽ giữ nghề và làm rồng đến khi nào sức cùng lực kiệt mới thôi.

NGUYỄN VĂN HỌC

Đọc thêm