Nuôi trồng thủy sản vùng ven biển: Đừng để “tính cua trong lỗ”

Các đầm nuôi  thủy sản lao xao tôm cá ngày nào bây giờ vắng vẻ, đìu hiu. Ô nhiễm nguồn nước cùng nhiều nguyên nhân khác làm hiệu quả kinh tế thu được từ các đầm nuôi thủy sản ngày càng èo uột. Người làm đầm ở một số nơi đang có xu hướng hoạt động cầm cự, xoay sang  việc khác để có thu nhập trước mắt.

Các đầm nuôi  thủy sản lao xao tôm cá ngày nào bây giờ vắng vẻ, đìu hiu. Ô nhiễm nguồn nước cùng nhiều nguyên nhân khác làm hiệu quả kinh tế thu được từ các đầm nuôi thủy sản ngày càng èo uột. Người làm đầm ở một số nơi đang có xu hướng hoạt động cầm cự, xoay sang  việc khác để có thu nhập trước mắt.

Một số đầm được phun cát đổ thành mặt bằng để chuyển đổi mục đích sử dụng
                      

Nghìn lẻ lý do thất bát

 

Vùng ven biển huyện Tiên Lãng là một trong những nơi phong trào làm đầm nuôi thủy sản của nguời dân phát triển mạnh nhất từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Một số hộ dân nuôi trồng thủy sản ở các xã Đông Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang…sau khi thắng lớn vài vụ tôm phất lên trông thấy, có điều kiện xây nhà biệt thự, mua sắm xe đẹp...

 

Nhưng đến thời điểm này, nhiều đầm, vùng ở đây đang đứng trước khó khăn chồng chất. Hộ chị Nguyễn Thị Duyến, người đầu tiên nuôi tôm công nghiệp ở xã Đông Hưng cho biết: “2 vụ tôm gần đây gia đình thua lỗ lớn. Tôm chưa đến ngày xuất bán đã bị chết khiến gia đình không kịp gỡ vốn. Hiện, gia đình vẫn phơi đầm chưa nuôi thả lại”. Đúng vụ thu hoạch tôm nhưng nhiều hộ dân xã Đông Hưng và các xã lân cận như Tây Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang chỉ chờ thu nguồn lợi tự nhiên từ các đầm, vùng; một số hộ nuôi thả quảng canh, năng suất đạt thấp. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài lý do khách quan ảnh hưởng đến các đầm vùng, nguyên nhân chính khiến các hộ làm đầm chưa yên tâm sản xuất, vì hầu hết hết hạn hợp đồng. UBND huyện chủ trương quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại; chia nhỏ các đầm vùng diện tích lớn, bảo đảm mỗi hộ thuê không quá 5ha đầm. Mục đích của huyện là lập lại trật tự việc nuôi trồng thủy sản, giúp nguời dân đầu tư có trọng điểm, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, một số hộ nuôi trồng thủy sản ven biển không nắm rõ chủ trương của huyện, có tâm lý lo mất đầm, vùng đang sản xuất nên chưa thực hiện đúng quyết định của huyện, đồng thời lại bỏ mặc đầm, vùng không sản xuất…

 

Đầm vùng ven biển phường Tràng Cát (Hải An) ước tính có hơn 200 hộ khoanh vùng nuôi trồng thủy sản tự phát, nhưng hầu hết nuôi thả quảng canh, duy nhất hộ nuôi công nghiệp. Vào thời điểm này, các hộ nuôi thả quảng canh không mấy thiết tha với việc làm đầm do tâm lý cho rằng hầu hết các đầm nằm trong quy hoạch các dự án đô thị trên địa bàn. Vì vậy, họ tranh thủ sản xuất được ngày nào hay ngày ấy. Ông Vũ Văn Tuân, hộ đang nuôi tôm công nghiệp tại khu vực này cho biết: “2 năm trở lại đây, sản lượng tôm thu được từ các đầm vùng giảm  70%. Nuôi tôm sú nhiều năm liên tục thất thu nên năm nay gia đình chuyển sang nuôi tôm he chân trắng, nhưng lãi  thấp bởi không có điều kiện nuôi hết diện tích do thiếu con giống chất lượng. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho các đầm vùng quá lớn”.

 

Dọc tuyến đê biển 1 kéo dài qua địa bàn các phường Tân Thành, Hải Thành, có đến hàng nghìn hộ dân nuôi trồng thủy sản ở các vùng bãi triều hiện cũng khó làm ăn bởi theo phản ánh của người dân, gần đây nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Có thời điểm, một số đầm tôm, cá chết nổi trắng đầm. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết thay đổi bất thường khiến nhiều hộ có đầm nuôi trồng thủy sản trắng tay. Chị Nguyễn Thị Tân, nuôi trồng thủy sản ở phường Tân Thành phản ánh: “Vụ này, sau khi tôm thả được hơn 1 tháng thì chết sạch. Đầm chỉ còn một số cua thả với mật độ thưa nhưng không mấy khả quan. May lắm, đến hết vụ thu được 30% sản lượng dự kiến”.

 

Đầm nuôi trồng thủy sản ven đê biển 1

Tự phát chuyển hướng làm ăn

 

Trước đây, tại các vùng đầm nuôi trồng thủy sản ven biển thu hút lượng nhân công lao động lớn, giải quyết việc làm cho cả gia đình, thậm chí một số đầm vùng lớn phải thuê thêm lao động vào mùa vụ thì bây giờ chỉ còn phụ nữ làm đầm thường xuyên. Đàn ông chỉ có mặt ở đầm vào mùa đánh bắt. Khoảng thời gian còn lại họ tranh thủ vào thành phố kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau như phụ xây, lái xe…Theo phản ánh của nhiều người nuôi thủy sản vùng ven biển, do làm đầm thất bát, nếu trông chờ nguồn thu nhập chính từ đây có khi đói to. Vì vậy, để ổn định kinh tế gia đình, trước mắt phải tìm nghề mới, còn đầm vùng vẫn làm  cầm cự chờ thời cơ mới.

 

Ở một số nơi, người dân đang có xu hướng bỏ đầm chuyển hẳn sang làm kinh tế theo hướng khác hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng của các vùng đầm. Bà Trần Thị Thơm ở phường Hải Thành cho biết: “Gia đình có 7 sào đất làm đầm nuôi trồng thủy sản ven đê biển 1. Vài năm đầu, còn thu nhập khá. 3-4 năm trở lại đây, năm nào đầm của gia đình cũng cho thu hoạch không đáng kể trong khi phải chi phí hàng chục triệu đồng. Hiện, gia đình phun cát đổ mặt bằng đầm rồi để đấy”. Quay sang tìm hướng mới làm ăn, vợ chồng bà Thơm đấu thầu mương thủy lợi ở địa phương để đánh bắt cá tự nhiên. Bà Thơm cho biết, nếu chịu khó đánh bắt, mỗi ngày thu được vài trăm nghìn, còn ổn định hơn làm đầm nuôi thủy sản. Ở khu Tân Lập (phường Hải Thành) hiện có 7 hộ đã chuyển đổi công năng đầm nuôi thủy sản bằng cách phun cát đổ đầy mặt bằng. Một số hộ sau khi chuyển đổi đang chờ chuyển nhượng cho người có nhu cầu mua lại…

 

Hướng nào phát triển bền vững?

 

Các hộ dân nuôi trồng thủy sản ven biển đóng góp đáng kể vào sản lượng nuôi trồng thủy sản của toàn thành phố. Hoạt động cầm chừng ở các đầm nuôi trồng thủy sản hiện không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của các hộ dân, mà còn gây khó cho công tác quản lý của các cấp, ngành chức năng. Một số địa phương lâu nay không thu được các khoản nghĩa vụ của các hộ làm đầm nuôi trồng thủy sản bởi các hộ làm ăn thất bát nên khất lần với nhiều lý do. Nhiều đầm vùng đến lúc phải đăng ký lại do hết thời hạn thuê nhưng giữa các hộ và chính quyền địa phương chưa thỏa thuận xong để có thể tính khoản thu từ các hộ theo mức mới. Một số hộ tự phát đắp đầm trong khi chính quyền địa phương chưa kiểm soát hết…

 

Đã đến lúc công tác quản lý các đầm vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố cần lập lại trật tự, thống nhất phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả để  các hộ dân yên tâm sản xuất, thực hiện tốt việc đóng góp nghĩa vụ với địa phương. Chính quyền địa phương một số quận, huyện có vùng nuôi trồng thủy sản ven biển như Hải An, Tiên Lãng…hiện đang có khúc mắc trong việc lập lại trật tự quản lý các đầm vùng cần tiếp tục giải quyết ổn thỏa vấn đề này. Các ngành chức năng trước mắt khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm nguồn nước, định hướng, hỗ trợ  người nuôi trồng thủy sản ven biển tìm hướng mới cải tạo lại các đầm vùng, đưa các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, ít rủi ro vào nuôi thả. Có như vậy mới mong nghề nuôi trồng thủy sản vùng ven biển thoát hiểm, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế biển  của toàn thành phố.

 

Bài và ảnh An Hương

Đọc thêm