Ở một thế giới song song khác…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Em chợt nhận ra một điều, xã hội hạnh phúc hơn, nếu mỗi người gạt bỏ định kiến, nhìn nhau bằng con mắt yêu thương, vô tư lự...
Ảnh minh họa. Nguồn: Behance
Ảnh minh họa. Nguồn: Behance

Hôm nay, em mới nhặt một con mèo bị vứt bỏ. Đó là một con mèo cái già, không còn khả năng sinh đẻ. Chắc hẳn, nó đã từng là một con mèo Anh lông dài xinh đẹp. Em nhìn nó và bật khóc, bởi có lẽ khi được mua về, nó cũng khao khát được yêu thương, vuốt ve và nũng nịu trong lòng chủ biết bao nhiêu. Nhưng nó đâu biết rằng mình là cái máy đẻ để họ kiếm vài ba triệu đồng, rồi bị vứt bỏ đi khi thân xác đã kiệt quệ.

Ở một ngôi nhà trọ nhỏ hẹp khác, người bạn em đang sống một mình. Mỗi ngày, bạn em tắt máy khi gia đình gọi điện tới. Bạn em cầu xin bố mẹ đừng cầu cúng thầy đồng, pháp sư và ép mình đi khám để chữa bệnh “đồng tính” nữa. Bạn ấy cắt ngực rồi! Bạn ấy không thể làm phụ nữ. Bạn ấy càng sợ hơn khi mọi người ép bạn ấy làm phụ nữ. Thế giới trống rỗng chỉ còn nỗi đau và hoang mang khi không biết mình là ai.

Lại ở một không gian khác, em ngồi giữa bà con họ hàng. Người người, nhà nhà đều bảo em thật bất hiếu nếu không lấy chồng, lấy vợ. Họ hỏi rằng rốt cuộc xu hướng tình dục của em là gì? Em không biết, bởi bản thân em không muốn điều đó. Em chỉ muốn sống, nhìn thế giới này, hái những bông hoa, chìm vào trong thế giới của cuốn những cuốn sách. Có sai không? Khi em từ chối yêu và sống như một sinh vật phù du không giới tính?

Tại một chân trời xa hơn, người bạn của em đang giãy giụa dứt ra khỏi gọng kìm nam tính. Anh từ chối lấy vợ ở tuổi 28, anh từ chối sống chết kiếm tiền để nuôi gia đình. Anh ấy không nam tính, anh thích nấu ăn, thích những món đồ nhỏ nhắn, ghét tập thể dục, nhưng anh ấy vẫn yêu phụ nữ. Anh chỉ muốn khám phá thế giới, nghiên cứu những vì sao trên trời. Có sai không khi anh không hoàn thành “nghĩa vụ” của người đàn ông ở tuổi 28 như cha mẹ mong muốn.

Rồi trong một ngôi nhà rộng lớn, xa hoa, lộng lẫy của người giàu. Có một người phụ nữ đang rửa mặt bằng nước mắt. Bà kể với em, chồng bà ấy lại đi với những cô nhân tình nhỏ bé rồi. Mái tóc bà rũ xuống khuôn mặt đẹp như mơ. Bà hỏi “Tại sao đàn ông không biết yêu?”. Bà ấy thổn thức với em rằng, một người đàn ông bị bạo hành cả thế giới sẽ bâu vào như xem voi ma mút sống lại. Nhưng một người phụ nữ bị tổn thương sẽ chỉ là trò hề của thế gian này.

Khi xem series “Dòng tộc Bridgerton” chiếu trên Netflix, một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của tác giả Julia Quinn, em thấy rất một thế giới quý tộc có cả người da đen và da trắng. Em rất bất ngờ, bởi trong nguyên tác ra đời vào những năm 2000 đó là người da trắng. Nhưng em rất mừng, vì ở một thế giới song song khác, có lẽ, nạn phân biệt chủng tộc sẽ không diễn ra. Những người da đen, người da vàng, da trắng cùng chung sống, cùng vai trò, vị trí và vẻ đẹp như nhau.

Rồi em cũng vẽ nên một thế giới song song khác,… nơi mà tất cả các giới tính đều bình đẳng. Nơi mà có lẽ từ nghìn năm trước kia, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi là chuyện đương nhiên, bà có thực quyền, có tín nhiệm như bao người đàn ông khác. Có lẽ Oscar Wild sẽ không chết trong đau khổ vì bị người tình đồng tính phản bội. Có lẽ câu chuyện “Call me by your name” (Gọi em bằng tên anh) sẽ không có một cái kết bi thảm đến vậy.

Dọc theo lịch sử thế giới, cho thấy, giới tính không ảnh hưởng đến nhân cách con người và đóng góp của họ. Đã từng có một thời kỳ mẫu hệ, như trong “Thần thoại Hy Lạp”, mẹ Gaia đã đẻ ra thế giới này. Trong lịch sử La Mã, Alexandre đại đế cũng có mối tình đồng tính của ông.

Việc có đàn ông và phụ nữ cuối cùng chỉ để duy trì nòi giống làm em nhớ đến con mèo già em đã nhặt về. Nếu con người là những cỗ máy, sống để lập trình theo mục đích sẵn có. Cuối cùng, em nghĩ tất cả chúng ta chỉ là “phế vật” khi hết tác dụng với thế giới này. Ta chỉ còn cay đắng, hận thù và thất vọng khi nhận ra giá trị bản thân rẻ mạt đến vậy. Nhưng những áng văn thơ, cảm xúc, đam mê với cuộc sống của con người sẽ khiến họ sống mãi. Như một Xuân Diệu thốt lên “Ta muốn say trong một cánh bướm với tình yêu/Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”.

Cả trăm nghìn năm nay, con người đã cố gắng phân chia giống loài. Phân tách thế giới này thành nhị nguyên (hai phần). Nhưng đâu có gì trên thế giới này là tuyệt đối. Sẽ không bao giờ có hai con ngựa vằn giống hệt nhau. Sẽ không bao giờ có những giới tính nhất định mãi mãi.

Nhiều ngày, em đã tự hỏi rốt cuộc điều gì sẽ làm con người hạnh phúc hơn. Pháp luật để tạo ra sự công bằng, khoa học để tìm giải mã mọi bí ẩn trong cuộc sống, hay triết học để tìm ra những quy luật. Nhưng vào một ngày, gần nhà em có một chị gái bán hàng tạp hóa bị trộm đồ, mọi người xung quanh bất động khi chị hô hoán lên “cướp, cướp…” chỉ có một chàng trai đuổi theo. Đó là cậu sinh viên sống cùng người bạn trai của mình. Chị bán hàng nhận lại đồ, kéo đứa con nhỏ ở bên cạnh cảm ơn rối rít. Nhưng mẹ chồng chị giật tay đứa nhỏ lại và bảo: “Cẩn thận lây bệnh đồng tính”. Chị lạnh mặt đáp: “Nếu đồng tính có lòng tốt như cậu H, thì con sẵn sàng để con mình đồng tính”.

Em chợt nhận ra một điều, xã hội hạnh phúc hơn, nếu mỗi người gạt bỏ định kiến, nhìn nhau bằng con mắt yêu thương, vô tư lự. Một thế giới đẹp nhất, không đánh giá con người bằng giới tính, bằng vật chất, bằng tờ giấy khen. Mà bằng năng lượng tích cực, tình yêu thương mà họ đem lại cho người khác. Và những người bạn của em, những kẻ lạc loài trên thế gian này hẳn sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều trong cuộc đời ngắn ngủi, nhỏ bé của họ.

Đọc thêm