Ở nhà nội trợ, trải nghiệm hạnh phúc

* “Chị làm ở đâu?”. “Mình ở nhà nội trợ”. Chị Lam (Quy Nhơn) trả lời đầy tự hào. Hiện tại là 9 giờ. Có người giúp việc trông chừng khi con trai đang ngủ, thời gian này là của chị. Chị đang chờ 2 người bạn vừa ở TP. HCM ra chơi.

* “Chị làm ở đâu?”. “Mình ở nhà nội trợ”. Chị Lam (Quy Nhơn) trả lời đầy tự hào. Hiện tại là 9 giờ. Có người giúp việc trông chừng khi con trai đang ngủ, thời gian này là của chị. Chị đang chờ 2 người bạn vừa ở TP. HCM ra chơi.

Chị kể, sắp hết chế độ nghỉ sinh con rồi mà vẫn chưa tìm được người giúp việc, ông bà nội ngoại hai bên sức khoẻ yếu, không ra thành phố được, vợ chồng chị thoả thuận để chị tạm nghỉ việc không lương một thời gian, ở nhà chăm con. Vài tháng đã trôi qua, việc chăm con ngày thêm vất vả, tìm người giúp việc chỉn chu càng khó, chị lại xin nghỉ không lương cho đến hết năm. Nghề nội trợ bất đắc dĩ đến với chị từ đó.

Chị tâm sự: “Những ngày tháng đầu, mình cảm thấy như người trầm cảm. Ở nhà chăm con, thu vén việc nhà cực hơn đi làm rất nhiều, cộng thêm nỗi lo bị tụt hậu so với bạn bè, đồng nghiệp. Thế nên mình luôn trong cảm giác mệt mỏi và chán nản, dễ dàng cáu kỉnh với bất cứ việc gì.

Chồng mình hiểu tâm lý này của vợ, động viên rằng, đây chỉ là một giai đoạn thôi. Giai đoạn này sẽ qua rất nhanh, vì thế thay vì buồn phiền, mình nên biến nó thành thời gian có ý nghĩa nhất, đáng giá nhất. Sự chia sẻ và sự giúp đỡ những khi có thể của chồng đã thuyết phục được mình.

Hàng ngày, mình dồn sức vào quan tâm, chăm sóc đứa con bé bỏng. Đúng là thay tã cho con, chế biến đồ ăn cho con, kỳ cọ bình sữa... những công việc rất phiền toái nhưng không phải ai cũng may mắn được trải nghiệm.

Mình cảm nhận được hạnh phúc của người mẹ, người vợ khi tự tay tắm cho con, làm những món ăn chồng thích. Đến giờ, con trai tròn một tuổi, mình thuê người giúp việc theo giờ. Vì thế, mình có nhiều thời gian riêng hơn. Thời gian đó mình lướt net, cập nhật chuyên môn để chuẩn bị quay lại với công việc ở cơ quan sau khi con đi nhà trẻ”.

* Công ty riêng của chồng chị Thủy (Trà Vinh) đang giai đoạn phát triển mạnh, cần mở rộng địa bàn hoạt động. Vì thế, thời gian, tâm trí anh dồn hết vào công việc. Thỉnh thoảng đọc báo, lướt net, vợ chồng chị lại giật mình lo lắng trước những bi kịch gia đình mà nguyên nhân bắt đầu từ việc bố mẹ thiếu thời gian gần gũi con cái.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng chị quyết định nghỉ việc. Thấy vợ yêu nghề, gắn bó với nghề đã hơn 10 năm, chồng chị không khỏi ái ngại khi vợ phải “hy sinh” như thế.

Chị nói với anh rằng, công việc đang tiến triển tốt, thu nhập ngày một tăng, nhưng chẳng thể so được với việc các con đang cần mẹ chăm sóc, gần gũi mỗi ngày. Chồng chị trong lòng không khỏi xúc động. Chồng quản lý công ty xây dựng, vợ quản lý “công ty gia đình”, “đôi bạn cùng tiến” này đang trải qua những tháng ngày vất vả nhưng hạnh phúc.

*Lam, Thủy là những người phụ nữ thông minh, có học thức. Như nhiều phụ nữ khác họ đã chọn hình thức nghỉ việc để ở nhà chăm sóc gia đình. Không tồn tại hình ảnh những người phụ nữ ở nhà suốt ngày quần quật với công việc, bị phụ thuộc, không có tiếng nói trong gia đình, Lam, Thủy yêu công việc mình đang làm.

Họ coi đó như một trải nghiệm hạnh phúc. Họ chính là người quản lý gia đình chứ không phải là “ô sin” như cách nhìn lạc hậu từ trước tới nay. Tạm thời ở nhà chăm sóc gia đình nhưng nếu như suốt đời như vậy với họ cũng không có gì nặng nề. Bởi họ biết đặt cái gì quan trọng nhất lên hàng đầu.

Ở nhà nhưng không lạc lõng bởi luôn kết nối những mối quan hệ xã hội. Một số người kiếm thêm việc làm tại nhà, qua internet hoặc bán thời gian. Hết lòng cho gia đình nhưng họ cũng không quên bản thân.

Đời sống riêng của họ vẫn phong phú. Hẳn sẽ có người cho rằng như thế là họ đang bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, phung phí năng lực và còn mang tiếng ăn bám chồng. Nhưng hơn ai hết, họ rất hiểu và tự tin với sự lựa chọn của mình.

Không trực tiếp làm ra tiền mang về cho gia đình như nhiều người vợ khác nhưng thành quả thu được từ công việc của một người vợ ở nhà nội trợ thật đáng tự hào. Đó là sự khoẻ mạnh, khôn lớn của con cái; là không khí vui vẻ, nhẹ nhàng trong gia đình. Họ được chồng hiểu và coi trọng sức lao động bỏ ra. Và họ cũng không ganh tị với chồng nếu thấy mình đang “lùi xa” anh trong nghề nghiệp. Bởi ý nghĩa của sự phát triển đâu chỉ ở tiêu chí địa vị, thăng chức, lên lương...

Theo Phụ nữ Việt Nam

Đọc thêm