Ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề ’nóng’

 Hội nghị Môi trường toàn quốc làn thứ III do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hôm qua là cái nhìn toàn cảnh, xuyên suốt về hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2005-2010. 5 năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực môi trường luôn luôn là vấn đề nóng bỏng.

Hội nghị Môi trường toàn quốc làn thứ III do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hôm qua - 18/11 là cái nhìn toàn cảnh, xuyên suốt về hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2005-2010. 5 năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực môi trường luôn luôn là vấn đề nóng bỏng.

Ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đã đọc báo cáo dài 22 trang về công tác BVMT giai đoạn 2005-2010 và phương hướng giai đoạn 2011-2015.

2005-2010 được coi là giai đoạn thành công nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT. Sau 5 năm thực hiện Luật BVMT, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương đã từng bước được kiện toàn và đi vào hoạt động ổn định.

Các hoạt động BVMT như kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, xã hội hóa công tác BVMT đã được tăng cường và đạt được nhiều thành quả, tuy nhiên, công tác BVMT hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Dịch bệnh ngày càng diễn ra với quy mô và cường độ lớn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường

Trong giai đoạn 2003-2007, tổng dự toán chi vốn đầu tư phát triển lĩnh vực TN&MT là 5.150 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 2.726 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2.524 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2008-2010, dự toán tổng số chi cho lĩnh vực TN&MT là 21.617,8 tỷ đồng(trong đó, vốn đầu tư phát triển chiếm 30%, vốn sự nghiệp chiếm 70%) chiếm trên 1% tổng chi ngân sách nhà nước.

Đầu tư cho lĩnh vực TN&MT từ nguồn vốn ngoài nước, trong giai đoạn 2008-2009, tổng giá trị hiệp định về ODA trong lĩnh vực BVMT đã được ký kết có giá trị 3.213,94 triệu USD bao gồm cả lâm nghiệp, cấp thoát nước, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường, trong đó vốn vay khoảng 2.425,71 triệu USD. Viện trợ không hoàn lại khoảng 788,23 triệu USD.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết: Đầu tư cho bảo vệ môi trường mặc dù bước đầu đã có bước chuyển biến tích cực song còn ở mức thấp, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn.

Chi cho sự nghiệp môi trường ở Việt Nam mới đạt 1% tổng chi ngân sách từ năm 2006, trong khi đó, ở Trung Quốc và các nước ASEAN đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm khoảng 1% GDP, ở các nước phát triển thường chiếm từ 3-4% GDP.

Nhà nước đã dành nguồn chi thường xuyên cho hoạt động bảo vệ môi trường (chi sự nghiệp môi trường) nhưng do tính chất là nguồn chi thường xuyên nên kinh phí từ nguồn này không thể bố trí để đầu tư giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, kinh phí chi sự nghiệp môi trường ở các Bộ, ngành và địa phương chưa được bố trí đủ, đúng với nội dung chi, tập trung vào các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm.

Hầu hết các địa phương đã bố trí tới 80-90% tổng chi sự nghiệp môi trường cho thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt, dẫn tới không còn kinh phí để thực hiện các nội dung quản lý môi trường khác theo quy định của Luật BVMT. Không ít địa phương (nhất là các địa phương có nguồn thu không đủ bù chi) chưa bố trí đủ 1% chi ngân sách cho việc BVMT.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa chú trọng khâu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về BVMT, đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải thuộc khu vực công ích chưa tương xứng với mức độ gia tăng chất thải dẫn đến mức độ ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng. Các doanh nghiệp chưa chú ý đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị, công trình xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thiên tai và dịch bệnh ngày càng diễn ra với quy mô và cường độ lớn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường.

Định hướng BVMT trong giai đoạn 2011-2015, Bộ TN&MT sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BVMT năm 2005, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, tăng cường các hoạt động, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng thanh tra chuyên ngành có thể chủ động, linh hoạt trong hoạt động của mình. Xây dựng và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục suy thoái và cải thiện môi trường, trong đó sẽ tập trung nguồn lực để khắc phục các “điểm nóng” và các vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường.

Từ năm 2005 đến nay có khoảng 60 dự án chiến lược, quy hoạch đã được đánh giá tác động môi trường, trong đó Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt 500 báo cáo, các Bộ ngành và địa phương thẩm định, phê duyệt 6.500 báo cáo, chưa kể rất nhiều dự án, hoạt động đầu tư đã thực hiện đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tình trạng gây ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra tràn lan trên toàn quốc.

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Luật pháp về môi trường còn nhiều bất cập

 
Có thể nói, công tác quản lý nhà nước về BVMT còn hạn chế. Tình trạng vi phạm về môi trường còn phổ biến, nhất là trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh..., việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT còn mang tính hình thức; không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo cũng như các cam kết BVMT đã phê duyệt.

Hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT và các luật có liên quan đến lĩnh vực BVMT còn thiếu và chưa rõ ràng, cụ thể. Ví dụ, Bộ luật Hình sự quy định xử lý hình sự đối với cá nhân nhưng thực tế ở Việt Nam thì nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường lại do tổ chức, do đó gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm.

Luật BVMT 2005 chưa quy định rõ ràng giữa quản lý nhà nước về BVMT với quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng, nước, khoáng sản, dầu khí, thủy sản... Nhiều trường hợp còn xảy ra sự chồng chéo chức năng, thẩm quyền giữa Bộ TN&MT với các Bộ, ngành quản lý các thành phần khác có hoạt động quản lý liên quan đến môi trường.

TSKH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Hệ thống xử lý nước thải ở nhiều khu công nghiệp chỉ để đối phó

 
Công tác quy hoạch khu công nghiệp(KCN), khu đô thị(KĐT) còn nhiều bất cập. Nhiều KCN được quy hoạch sát khu đô thị, các dòng sông, trục giao thông và các khu vực nhạy cảm về môi trường; quy hoạch chưa có đủ cơ sở khoa học, chưa tính đến các yếu tố tự nhiên và xã hội nên tính khả thi thấp. Các địa phương đều đã có quy hoạch khu đô thị, khu kinh tế, KCN nhưng chưa đủ nguồn lực thực hiện quy hoạch, nhất là việc huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các KCN, KĐT và công trình thu gom xử lý nước thải, rác thải.

Cơ sở hạ tầng cấp thoát nước, thu gom là xử lý nước thải, chất thải của hầu hết các đô thị không đáp ứng yêu cầu BVMT. Nước thải sinh hoạt và nước mưa cùng thoát chung vào một hệ thống. Trong số các KCN hiện nay, có 74 KCN đã đầu tư và đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý nước thải tập trung(chiếm 43% số KCN đã vận hành) và 22 KCN đang xây dựng công trình xử lý nước thải. Còn lại 75 KCN đang hoạt động chưa có công trình xử lý nước thải.

Một số KCN có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng hầu như không vận hành, ở nhiều nơi có vận hành nhưng nước thải không đạt tiêu chuẩn cho phép và hoạt động mang tính chất đối phó khi có đoàn kiểm tra, giám sát đến.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an: Thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm

 
Ngoài những thành tích đã đạt được, trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường còn nhiều khó khăn. Do phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày một tinh vi hơn, có sự đối phó với cơ quan chức năng, đòi hỏi lực lượng công an phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng và phương tiện, tổ chức theo dõi thời gian dài. Một khó khăn khác là vi phạm có yếu tố nước ngoài. Trong một số vụ việc khi xử lý, cảnh sát môi trường phải cân nhắc vì yếu tố ngoại giao, giải quyết bài toán “phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường - công ăn việc làm cho người lao động”.

Việc xử lý vi phạm pháp luật về môi trường hiện nay chưa có sự đồng đều, thống nhất và chưa thực sự nghiêm minh. Nguyên nhân là do quan điểm xử lý giữa các địa phương, một số Bộ, ngành chưa thống nhất. Nhiều nơi do ưu tiên phát triển kinh tế nên kêu gọi đầu tư dàn trải, cấp phép kinh doanh ồ ạt, không quan tâm đế thẩm định, đánh giá ảnh hưởng của các dự án đối với môi trường, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực trọng điểm hoặc khi xử lý đối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước. 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng “lách luật”.

Lam Hạnh

Đọc thêm