Ô nhiễm vì lò mổ

Tình làng nghĩa xóm, láng giềng, kể từ ngày những lò mổ gia súc, gia cầm mọc lên đã không còn nguyên vẹn, do không chịu nổi mùi hôi thối cứ xộc lên mũi mỗi sáng - tối khi vừa bưng chén cơm lên.

Tình làng nghĩa xóm, láng giềng, kể từ ngày những lò mổ gia súc, gia cầm mọc lên đã không còn nguyên vẹn, do không chịu nổi mùi hôi thối cứ xộc lên mũi mỗi sáng - tối khi vừa bưng chén cơm lên.

Địa điểm giết mổ gia súc tự phát là một nguyên nhân gây mất ATVSTP. 

Đã nhiều lần bà Nguyễn Thị T. (trú thôn Quan Nam, xã Hòa Liên, Hòa Vang) kiến nghị lên chính quyền xã về việc lò mổ nhà ông H. (người cùng xóm) gây ô nhiễm trong khu vực nhà bà sinh sống. Nói nhiều lần cũng không có kết quả, có dịp chúng tôi đi ngang qua, biết là phóng viên, bà nhờ “giúp đỡ”. Bà T. than: “Người ta nói, bán anh em xa mua láng giềng gần. Tui thấy không sai, nhưng nếu cứ thử sống ở đây vài bữa chắc gì khách lạ họ chịu nổi một ngày, huống hồ tui sống ở đây đã vài chục năm. Ngày nào cũng phải ngửi mùi hôi nồng nặc bốc lên từ lò mổ heo của ông H.”. Dẫn chúng tôi vào trong nhà, bà T. cho biết thêm: Ban đầu khi nhà bà và một số hộ lân cận có phản ảnh, chủ lò mổ cũng hứa sẽ khắc phục tình trạng bốc mùi hôi khó chịu cho hàng xóm, nhưng dần dà, chủ lò cũng “quên” luôn, vì không có giải pháp nào để hạn chế mùi phân heo.

Lò mổ của ông H. (ở xã Hòa Liên) là một trong số nhiều trường hợp gây ô nhiễm và bức xúc trong khu dân cư. Đối với nhiều lò mổ tại gia hiện nay ở trong khu vực nội và ngoại thành, thường chỉ mổ từ 1-5 con heo mỗi ngày theo phương thức thủ công, nên ít quan tâm đến xử lý rác thải và nước thải. Có lần chúng tôi đi thực tế tại Hòa Ninh, Hòa Sơn để viết bài về rác mới thấy, mặc dù địa phương đã xây dựng phương án tổ chức thu gom rác có thu phí, nhưng nhà đóng nhà không, rồi cuối cùng là vứt rác tùy tiện. Ở những vùng nông thôn như Hòa Khương, Hòa Ninh, Hòa Bắc, nhà dân thưa thớt, việc giết mổ gia súc, gia cầm thường ít khi có cơ quan chức năng kiểm soát. Mặt khác, một phần do các gia đình sống trên diện tích đất lớn, khoảng cách xa nhau nên không gây nhiều ảnh hưởng.

Song gần đây, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, ở các xã, nhà cửa của người dân đã mọc lên nhiều, gần nhau hơn, vì thế chuyện các lò mổ gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, không khí, đã làm cho mối quan hệ tình làng nghĩa xóm thêm nặng nề. Thực tế đã có những mâu thuẫn diễn ra giữa những người hàng xóm sống từ bao đời nay. Khu vực đường Tô Hiến Thành (phường Phước Mỹ, Sơn Trà) tồn tại một lò mổ heo từ nhiều năm nay. Trong nhiều cuộc họp, chính ông tổ trưởng dân phố cũng không thể nào nhắc nhở nổi chủ lò mổ để giải quyết ngay tình trạng nước thải, rác thải từ lò mổ chảy ra đường từ sáng đến chiều. Lâu dần, tiếng nói của người dân trong tổ không còn “trọng lượng”, mùi hôi vẫn hôi, nước thải vẫn thải. Tình trạng chăn nuôi trong nhiều gia đình không vệ sinh chuồng trại, xử lý nguồn phân, rác đã gây ô nhiễm không khí, nguồn nước vẫn diễn ra.

Ở một số khu dân cư Nam Ô (thuộc các tổ 31, 32, phường Hòa Hiệp Nam), việc chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm không qua xử lý được xả chung với hệ thống thoát nước tại các khu dân cư hoặc đổ thẳng ra biển, gây ô nhiễm nguồn nước nặng nề. Hoặc ở các tổ 23, 24 Hòa Phát, một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không xây dựng bể chứa, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân xung quanh dù lên tiếng nhưng rồi thường xuyên vẫn phải hứng chịu. Chưa kể đến việc đêm khuya, sáng sớm, vào giờ giết mổ, người dân luôn bị đánh thức vì tiếng ồn của các vật dụng giết mổ, tiếng kêu của gia súc, gia cầm, tiếng xe máy ra vào ồn ào, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Từ sau quy định cấm chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trong khu vực nội thành được UBND thành phố Đà Nẵng đưa ra đến nay, nhiều hộ dân vẫn phớt lờ quy định, bất chấp sự nhắc nhở của chính quyền địa phương. Chuẩn bị cho Tết Canh Dần sắp tới, cần siết chặt hơn nữa việc kiểm tra và xử lý của cơ quan chức năng, hạn chế tình trạng ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho các khu dân cư.  

            

Bài và ảnh: X.DUYÊN

Đọc thêm