Nằm ngay sát cống Thanh Niên thuộc địa bàn xã Giao Phong (Giao Thuỷ), với hệ thống lấy nước được thiết kế thuận tiện… nên Trung tâm giống hải sản tỉnh luôn chủ động nguồn nước mặn phục vụ sản xuất giống và nuôi thực nghiệm thuỷ hải sản.
|
Sản xuất giống cá chim biển vây vàng ở Trung tâm giống hải sản tỉnh.
Ảnh: Dương Đức |
Những năm qua, nhiều giống hải sản quý đã được Trung tâm nhân tạo thành công và duy trì lượng giống sản xuất hàng năm, vừa bảo đảm chất lượng, vừa tham gia ổn định giá các con giống như: tôm sú, cá bống bớp, cua rèm, ghẹ xanh… Đặc biệt trong 2 năm 2009 và 2010, Trung tâm là cơ sở duy nhất sản xuất mỗi năm trên 20 triệu con tôm thẻ chân trắng chất lượng tốt, cung cấp cho người nuôi. Tôm thẻ chân trắng, có thể nuôi 2 lứa thương phẩm trong năm, năng suất đạt 10-14 tấn/ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi và giống này ít nhiễm bệnh hơn tôm sú. Năm 2010, Trung tâm lại đi đầu trong việc đưa 50 cặp cá bố mẹ giống chim biển vây vàng về nuôi vỗ, nuôi thuần thục và tháng 8-2010 lần đầu tiên cho sinh sản nhân tạo, đã sản xuất được trên 20 vạn con giống tốt. Đồng chí Đỗ Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Do lần đầu cho sinh sản nhân tạo cá chim biển vây vàng, thời gian có chậm và sản lượng giống sản xuất ra mới đạt trên 20 vạn con nhưng đây là một thành công lớn. Trung tâm đang rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh công nghệ cho năm sau sẽ sản xuất hàng loạt. Đây là loại cá ngon, quý, phù hợp với điều kiện nuôi trong vùng mặn lợ ven biển của tỉnh, bảo đảm cho hiệu quả kinh tế cao và có thể xuất khẩu…”. Thực tế trong 2 năm qua, các mô hình nuôi cá chim biển vây vàng ở tỉnh ta đều đạt hiệu quả cao hơn so với các loại con nuôi khác, lãi ròng đạt trên dưới 300 triệu đồng/ha. Cá nuôi ít bệnh, khoẻ mạnh, phổ thức ăn rộng, có thể dùng cá tạp hoặc thức ăn công nghiệp cá chim biển vây vàng đều cho tăng trọng khá. Hiện tại, cá chim biển vây vàng xuất sang Trung Quốc đang có giá trên 10 USD/kg. Do hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người nuôi. Trung tâm sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trong những năm tới. Giống ghẹ xanh được người nuôi ở Giao Phong đánh bắt tự nhiên về nuôi cho hiệu quả kinh tế đạt dưới 200 triệu đồng/ha. Trong vài năm gần đây, Trung tâm đã sản xuất mỗi năm 30 vạn con ghẹ giống cung ứng cho người nuôi. Thực hiện mục tiêu đa dạng hoá con nuôi, Trung tâm đang nuôi vỗ đàn 50 cặp cá vược bố mẹ và đàn cá song để chuẩn bị cho sinh sản trong năm 2011. Đây là những giống hải sản đang được người nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận quan tâm vì cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra thuận lợi kể cả thị trường trong và ngoài nước. Đến tháng 10-2010, Trung tâm giống hải sản tỉnh đã sản xuất được 60 triệu con tôm sú giống P15, 20 triệu con tôm thẻ chân trắng giống, 2 triệu con cua rèm giống, 60 vạn con cá bống bớp giống, 30 vạn con ghẹ xanh giống, 20 triệu con hàu Thái Bình Dương giống, 10 triệu con ngao giống…, cao hơn kế hoạch đã đề ra.
Ngoài sản xuất giống bảo đảm chất lượng, số lượng…, Trung tâm giống hải sản tỉnh còn có 4ha, với 12 ao nuôi thực nghiệm. Được thiết kế hoàn chỉnh hệ thống nước tưới, tiêu riêng biệt; hệ thống quạt nước… vừa nuôi con giống vừa nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nuôi, xử lý môi trường, thức ăn; phương pháp nuôi hiệu quả để người dân đến tham quan, học tập và tư vấn kiến thức kỹ thuật nuôi cao sản theo hướng bền vững. Trong những năm qua, các ao nuôi tôm sú của Trung tâm đều đạt năng suất ổn định 6-7 tấn/ha, tôm thẻ chân trắng trên 10 tấn/ha/năm… Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm trợ giúp kỹ thuật cho toàn bộ vùng nuôi của Giao Phong, Bạch Long… bằng phương pháp "cầm tay chỉ việc". Trung tâm đi đầu và hướng dẫn người nuôi dùng công nghệ sinh học để xử lý môi trường thay cho hoá chất Clorin. Sử dụng phương pháp này không những giảm chi phí tới 20% so với dùng hoá chất mà vùng nuôi, ao nuôi bảo đảm an toàn bền vững, theo nguyên lý cho ấp nở nhóm vi khuẩn có ích để đưa xuống ao nuôi... Phương pháp này đã được người nuôi trong khu vực áp dụng, nhiều hộ 5-6 năm nay không bị dịch và cho năng suất cao như các hộ ông Am (Giao Phong), anh Thường (Giao Long), ông Hoạch, ông Sinh, ông Hải (Giao Yến)… Với giá hiện tại 140 nghìn đồng/kg thì mỗi ha nuôi tôm thâm canh theo phương pháp công nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học cho nguồn thu 840 triệu đến 1 tỷ 120 triệu đồng/năm. Nhiều hộ nuôi ở Hải Lý, Hải Triều (Hải Hậu), Nghĩa Thắng, Nam Điền, nông trường Rạng Đông (Nghĩa Hưng)… đến học tập và phương pháp này đang được nhân rộng ra các hộ nuôi hải sản vùng mặn lợ trong toàn tỉnh. Cùng với phương pháp dùng công nghệ sinh học giải quyết môi trường cho các ao nuôi, Trung tâm còn rút ngắn 1/3 thời gian nuôi tôm sú thương phẩm so với phương pháp nuôi truyền thống hiện nay, đồng thời giảm thức ăn, công chăm sóc hạn chế rủi ro cho tôm nuôi. Trước kia, nuôi tôm sú thương phẩm phải đạt trên dưới 150 ngày (5 tháng) nhưng theo Trung tâm nếu nuôi tôm từ cuối tháng 5 thì thời gian nuôi chỉ là 100 ngày. Bởi vì, nếu thả nuôi vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 thời tiết vẫn còn rét và hay thay đổi thất thường sẽ làm tôm chậm lớn, tốn thức ăn và công nuôi. Nếu không điều chỉnh thức ăn tốt, lượng thức ăn dư thừa trong ao làm ô nhiễm nước, gây bệnh cho tôm hoặc làm tôm còi cọc. Bằng thực nghiệm, Trung tâm đã chứng minh được tôm thả cuối tháng 5 khi thu hoạch thời gian không chênh nhau và năng suất cũng tương đương, trong khi đó chi phí giảm 25-30% so với thả sớm.
Vừa sản xuất giống tốt, đưa các giống mới hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất cung cấp giống cho các vùng nuôi, Trung tâm giống hải sản tỉnh còn áp dụng các phương pháp nuôi mới để tham vấn giúp người nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Trung tâm đã góp phần tạo nên vùng sản xuất giống nước mặn lợ tập trung ở huyện Giao Thuỷ, với 11 cơ sở và cung cấp tới 85% sản lượng giống cho người nuôi trong tỉnh và trong khu vực. Trong những năm tới, Trung tâm còn tiếp tục thí nghiệm nuôi tu hài trong lồng. Đây là hướng đi mới cho người nuôi - một loại hải sản có giá trị kinh tế cao./.
Tất Thắc