Lịch sử dường như chưa phai mờ trong tâm trí của người Việt Nam về những chiến tích lẫy lừng của người dân 18 thôn vườn trầu xứ Bà Điểm Hóc Môn qua những cuộc lật đổ ách thống trị của cường hào ác bá rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ...
|
Mười tám thôn vườn trầu được tái hiện trong Khu di tích Ngã Ba Giồng |
Lịch sử oai hùng
Theo tác giả Hứa Hoành trong “Các giai thoại về các nhân vật Nam Kỳ Lục Tỉnh – phần 5” đã viết về lịch sử của địa danh Hóc Môn như sau: Cho tới nay vẫn còn nhiều ý kiến giải nghĩa khác nhau. Theo cách hiểu thông thường, người ta nói:"Hóc là chỗ xa xôi vắng vẻ (như “hóc bà tó”) có nhiều cây môn nước mọc. Theo một vị cao niên là cụ Lương Văn Nên (1857-1937) ở Hóc Môn kể lại rằng: “Cách nay trên 100 năm, Hóc Môn là một khu rừng đất cao, có nhiều cọp và thú dữ. Ban đêm chúng thường ra con rạch ở gần chợ Hóc Môn ngày nay uống nước". Lời kể ấy củng cố giả thuyết: "Hóc Môn là dòng nước nhỏ, có mọc nhiều cây môn nước.”
Từ Phú Nhuận có đường cái quan đi lên Bà Điểm, Hóc Môn, Trảng Bàng, cho tới Tây Ninh và biên giới Campuchia. Con đường này do Lê Văn Duyệt - trong lúc làm Tổng trấn Gia Định thành - chỉ huy dân phu đắp; về sau Pháp mở rộng lên Gò Dầu gọi là quốc lộ số 1. Khi người từ miền ngoài tới, Hóc Môn còn là rừng rậm, họ phải chặt cây làm chỗ trồng trọt, rồi làm ruộng rẫy, dần dần nơi đây có thôn ấp. Sản phẩm được trồng nhiều nhất vùng Hóc Môn Bà Điểm là cau, trầu để ăn kèm với thuốc trồng rất nhiều ở Gò Vấp. Thuốc ở Gò Vấp nổi danh khắp Nam Kỳ một thời gọi là thuốc Gò; trầu, cau Hóc Môn Bà Điểm cũng nổi danh khắp miền Đông.
Những ai từng cư ngụ trên đường Lê Văn Duyệt hồi những năm đó chắc sáng sớm sẽ bị đánh thức bởi tiếng vó ngựa lọc cọc trên mặt đường, hoặc tiếng xe bò cót két của người Hóc Môn, Bà Điểm chở trầu cau và đồ hàng bông xuống chợ. Vùng này, theo sách cổ, có đến 18 thôn chuyên canh trầu cau, nên gọi là "Thập bát phù viên", tức 18 thôn vườn trầu.
Hóc Môn là nơi hội tụ của những cuộc đời tao loạn miền Ngoài, tìm đến cuộc đất mới ấm no. Họ lập thành làng xóm trong cùng chung một hoàn cảnh, tạo ra một sắc thái riêng biệt của con người Hóc Môn: Giàu nghĩa khí (Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Nguyễn An Ninh), giàu lòng yêu nước như Phan Công Hớn, Nguyễn Văn Quá.
Năm 1930, khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời thì 18 Thôn vườn trầu được chọn làm hậu cứ, nơi nuôi dưỡng các cán bộ lãnh đạo của Ðảng, cất giấu tài liệu bí mật của Ðảng. Trong khoảng thời gian năm 1930 đến 1940, bà con 18 thôn vườn trầu đã bảo vệ, che giấu, nuôi nấng nhiều chiến sĩ cộng sản, nhiều người con ưu tú của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam: Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn...
Tin vào dân, dựa vào dân, Trung ương Ðảng đã tổ chức ở đây ba cuộc họp quan trọng. Tháng 3/1937, Trung ương Ðảng họp hội nghị mở rộng kiểm điểm tình hình, bàn chủ trương biện pháp cụ thể, nhất là công tác mặt trận và công tác đấu tranh hợp pháp để đẩy mạnh phong trào cách mạng tại ấp Tiến Lâm.
Cũng tại ấp này, tháng 3/1938, Trung ương Ðảng họp hội nghị toàn thể kiểm điểm ưu khuyết điểm về các mặt công tác: xây dựng Ðảng, tổ chức quần chúng, xây dựng mặt trận, đề ra những chủ trương cụ thể nhằm phát huy thắng lợi đã giành được, đưa phong trào đấu tranh dân chủ lên một bước nữa. Từ ngày 6 – 8/11/1939, hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 6 khai mạc tại ấp Tây Bắc Lân - 18 Thôn vườn trầu với sự tham gia của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Tổng bí thư), Lê Duẩn, Phan Ðăng Lưu, Võ Văn Tần...
Hội nghị đã bàn toàn diện các chủ trương của Ðảng trong tình hình mới. Ðêm 23/11/1940, khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ. Cả một vùng rộng lớn nông thôn Nam Bộ rung chuyển trước sức nổi dậy, tiến công của quần chúng cách mạng. Ngày đó, bà con 18 Thôn vườn trầu tự vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác đánh vào các cơ quan hành chính của thực dân Pháp. Do điều kiện chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa này đã thất bại, thực dân Pháp dựng trường bắn ngay tại thị trấn Hóc Môn - chỗ ngã ba Giồng.
Ngày nay Hóc Môn vẫn còn những di tích lịch sử ghi dấu những giai đoạn lịch sử anh hùng của nhân dân Hóc Môn cùng nhân dân Nam Bộ đấu tranh anh dũng kiên cường với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ dành độc lập. Những "Bia căm thù" ở Cầu Xáng, khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Ngã ba Giồng, bia kỷ niệm liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai... Cùng với địa danh 18 Thôn vườn trầu Bà Ðiểm, Hóc Môn mãi mãi vẫn còn lưu danh. Huyện Hóc Môn được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó có 3 xã anh hùng là xã Xuân Thới Thượng, Tân Xuân và Bà Điểm.
Địa chỉ đỏ
Cách đây một năm, Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng đã được đầu tư xây dựng, thành một địa chỉ đỏ cho các tầng lớp nhân dân đến viếng thăm, tìm hiểu về truyền thống chống giặc ngoại xâm của các thế hệ đi trước. Chính nơi đây, giặc Pháp đã xử tử nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên như Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai…Ở khu tưởng niệm này, ngoài đền thờ chính còn có nhà trưng bày truyền thống lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật về những sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Hai bên đền thờ chính được trồng 18 giàn trầu tượng trưng cho 18 thôn vườn trầu nổi tiếng của quê hương Bà Điểm - Hóc Môn cùng những hàng cau xanh thẳng tắp…
Ngày nay Mười tám thôn vườn trầu đang nỗ lực xây dựng kinh tế - vùng nông thôn mới, trở thành vùng trọng điểm chuyên canh rau của TP.HCM. Đặc biệt trong thời gian gần đây, Hóc Môn phát triển nhanh đàn bò sữa và cũng đang trở thành vùng trọng điểm vành đai bò sữa của thành phố. Một loại hình hợp tác mới nhằm giúp nhau làm ăn, đóng góp cho sự phát triển của địa phương cũng đang hình thành tại đây. Đó là sự ra đời của các nhóm làm kinh tế gia đình – khuyến nông có mục đích hỗ tương giúp đỡ để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp, chăn nuôi, sưu tập vườn cây… Danh xưng Mười tám thôn vườn trầu mãi mãi là ấn tượng về một địa danh truyền thống và cách mạng, là nơi tham quan, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…/.
Thúy An