Oan oan tương báo

 

Người xưa có câu “Oan oan tương báo” ý muốn nói oán thù nên cởi chứ không nên buộc, vụ án này là bài học xương máu về việc không nên lấy oán hận để trả thù, mà chỉ có lòng bao dung tha thứ mới hóa giải được nỗi đau.   

 

Người xưa có câu “Oan oan tương báo” ý muốn nói oán thù nên cởi chứ không nên buộc, vụ án này là bài học xương máu về việc không nên lấy oán hận để trả thù, mà chỉ có lòng bao dung tha thứ mới hóa giải được nỗi đau.   

Bị cáo trong vụ án là một quân nhân với tương lai sáng lạn đã trở thành kẻ tội đồ, phải lãnh án tù chung thân về tội “Giết người” vì có hành vi xốc nổi quyết đòi “nợ máu phải trả bằng máu”, “lấy mạng phải đền mạng” đối với người hàng xóm - cha mẹ của những kẻ đã sát hại bố mình.  
Bị cáo Nguyễn Văn Bình.
Bị cáo Nguyễn Văn Bình.
Người mất mạng, kẻ vào tù vì mâu thuẫn hàng xóm 
Gia đình ông Nguyễn Văn Khách bà Nguyễn Thị Yên và gia đình ông bà Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Thị Quang cùng sinh sống tại thôn Đại Lâm (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh). Cách đây gần 7 năm, ngày 1/7/2005, do mâu thuẫn vặt vãnh trong cuộc sống, con trai ông Ninh bà Quang là Nguyễn Văn Hải đã đánh Nguyễn Văn Sóng - con trai ông Khách bà Yên. Nhưng do được mọi người can ngăn nên hai thanh niên đã dừng lại.
“Con dại cái mang”, sau đó bà Quang đã sang tận nhà xin lỗi nhưng Sóng cùng với 3 người anh em trai khác là Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Luyến, Nguyễn Văn Thắm và chú ruột là Nguyễn Văn Trào đã mang theo gậy tre, gậy gỗ đến nhà ông Ninh tiếp tục gây sự. 
Đến nơi, nhóm của Sóng đứng ở cửa chửi bới, ném gạch vào trong nhà và thách thức bố con ông Ninh ra đánh nhau. Thấy anh em, chú cháu nhà Sóng áp đáo tại gia, bố con ông Ninh và Hải cũng cầm gạch ném lại và cầm xẻng, kiếm sắt lao ra hỗn chiến. Hậu quả là ông Ninh bị đánh trọng thương, chấn thương sọ não. Dù ông Ninh đã được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng sự sống chỉ cầm cự được 7 ngày sau thì tử vong. 
Với hành vi trên, Trường, Trào và Luyến đã bị truy tố, xét xử và đều bị tuyên án tù về tội “Giết người”; Sóng và Thắm cũng bị phạt tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. 
Oan oan tương báo
Khi ông Nguyễn Văn Ninh bị hàng xóm sát hại, con trai ông Ninh là Nguyễn Văn Bình đang đi bộ đội, đóng quân xa nhà. Thời gian này Bình đang được đơn vị cử đi học tại trường Trung cấp kỹ thuật xe máy thuộc Tổng cục kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Bà Quang và các con vì không muốn Bình bị sốc nên đã thống nhất giấu không nói cho Bình biết chuyện đau lòng về cái chết của cha. 
Cho đến một ngày tháng 11/2005, tức là sau bốn tháng khi xảy ra sự việc, Bình mới biết tin cha mình bị giết. Quá đau đớn trước cái chết oan uổng của bố, Bình đùng đùng viết đơn xin thôi học để về nhà. Ngày 14/11/2005, Bình từ trường về nhà gặp mẹ và nói dối là đơn vị cho nghỉ phép mấy ngày về thăm nhà nên gia đình không ai nghi ngờ gì. Chiều hôm đó, Bình cầm 1 thẻ hương và hai lon bia ra nghĩa trang viếng bố. Sau khi thắp hương trước mộ bố, Bình uống hết hai lon bia và đi về. 
Lúc về qua nhà ông Khách, Bình rẽ vào và thấy ông Khách đang ngồi chẻ nan tre ở trong nhà. Bình bảo: “Ông bà không biết dậy con, để các con đánh chết bố tôi, giờ đi tù cả ông bà đã sướng chưa?”. Lời qua tiếng lại, Bình và ông Khách đã cãi nhau.
Bình nhặt được con dao gọt hoa quả ở thềm đâm ông Khách liên tiếp nhiều nhát vào mạng sườn. Thấy thế bà Yên chạy ra ôm Bình can ngăn liền bị Bình đâm nhiều nhát vào vùng ngực, bụng và mạng sườn khiến bà hàng xóm bị thiệt mạng ngay sau đó. Ông Khách được cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết nhưng bị tổn thương tới 85% sức khỏe. Một phần do di chứng của thương tật mà Bình gây ra nên vào giữa năm 2007, ông Khách đã qua đời.
Còn Bình, gây án xong thì hắn bỏ trốn, sống lang thang nhiều nơi ở miền Trung và miền Nam. Sau hơn 6 năm chui lủi trốn truy nã, ngày 24/11/2011, Bình ra Công an tỉnh Bắc Ninh đầu thú về hành vi “Giết người”.
Bài học về sự tha thứ  
Phiên tòa sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Bình về tội “Giết người” được TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử vào cuối tháng 4/2012. Gần 7 năm đã trôi qua sau hai vụ trọng án tuyệt tình hàng xóm khiến ông Ninh và bà Yên thiệt mạng, nỗi đau cũ tưởng chừng đã được liều thuốc thời gian chữa lành lại buộc phải tái hiện qua những lời khai thấm đẫm ăn năn day dứt của bị cáo Bình. 
7 năm đã trôi qua với biết bao biến cố thăng trầm. Những người con của ông Khách và bà Yên trước kia là bị cáo trong vụ án giết ông Ninh nhờ biết nhận thức được tội lỗi, nỗ lực cải tạo nên đã được mãn hạn tù, trở về cuộc đời lương thiện. Họ được triệu tập tham gia tố tụng với tư cách đại diện gia đình bị hại trong phiên tòa xét xử Bình. 
Trong khi đó, bất hạnh vẫn chưa buông tha gia đình bà Quang; sau khi ông Ninh mất, Bình gây trọng án bị truy nã thì hai người con trai lớn mắc vào nghiện ngập. Hiện một người anh của Bình đã chết, một người vẫn đang cai nghiện ở trung tâm dạy nghề hướng thiện; còn Bình thì phải lãnh án tù chung thân về tội “Giết người”. 
Phiên tòa hôm đó, ai cũng mủi lòng khi nghe Bình nói lời sau cùng đầy ăn năn. “Tôi vô cùng ân hận, thành thật xin gia đình bị hại tha thứ cho tội lỗi mà tôi đã gây ra. Tôi đã không hoàn thành trách nhiệm của một quân nhân nay cũng không hoàn thành trách nhiệm của người con với mẹ. Xin quý tòa cho tôi được hưởng lượng khoan hồng để có cơ hội chăm sóc mẹ già”.
Có thể, bản án tù chung thân rồi sẽ được mãn hạn, rút ngắn đường về hoàn lương nếu Bình biết nỗ lực phấn đấu cải tạo tốt; nhưng nỗi day dứt ân hận sẽ còn đeo đẳng bị cáo đến suốt đời. Chỉ vì tâm lý xốc nổi hiếu thắng, muốn lấy mạng đền mạng, nợ máu phải trả bằng máu mà Bình đã sập cánh cửa tương lai của đời mình và trả giá quá đắt. 
Bi kịch trong vụ án này cũng là bài học xương máu về việc không bao giờ được lấy oán hận để trả thù để khi ân hận thì quá muộn; mà chỉ có lòng bao dung, tha thứ mới hàn gắn quá khứ, xoa dịu nỗi đau, giúp cho con người và cuộc sống tốt đẹp hơn.   
Thành Nam

Đọc thêm