Obama lập kỳ tích ngoạn mục với luật cải cách y tế

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (23/3) đã ký kết ban hành luật cải cách y tế, đặt dấu ấn quan trọng của mình đối với chương trình cải cách y tế vốn bị đình trệ hàng chục năm qua.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (23/3) đã ký kết ban hành luật cải cách y tế, đặt dấu ấn quan trọng của mình đối với chương trình cải cách y tế vốn bị đình trệ hàng chục năm qua.

Obama lập kỳ tích ngoạn mục với luật cải cách y tế ảnh 1

Tổng thống Obama ký kết ban hành đạo luật cải cách y
tế trước sự chứng kiến của đông đảo nghị sĩ Dân chủ và
quan chức Nhà Trắng - Ảnh: AP.

Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng thống Obama cho biết: “Ngày hôm nay, sau gần một thế kỷ thử nghiệm, sau một năm tranh cãi, chương trình cải cách bảo hiểm sức khỏe đã trở thành luật tại nước Mỹ”.
 
Ngay sau khi ký kết ban hành luật, Tổng thống Obama tới Bộ Nội vụ để tham gia một buổi lễ ăn mừng lớn hơn. Tại đây, ông Obama sẽ có bài phát biểu trước 600 người bao gồm các nghị sĩ, quan chức chính phủ, bác sĩ, y tế cũng như một số dân thường.
 
Đạo luật cải cách y tế mở rộng phạm vi bảo hiểm tới khoảng 95% dân số Mỹ dưới 65 tuổi. Ít nhất có thêm 32 triệu người được bảo hiểm nhờ đạo luật này. Đạo luật còn đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với các các công ty bảo hiểm như không được từ chối bảo hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tật hoặc chấm dứt hợp đồng khi người đóng bảo hiểm bắt đầu suy giảm sức khoẻ. 
 
Trong bối cảnh nước Mỹ trở thành quốc gia có chi phí y tế đắt đỏ nhất thế giới với mức bình quân trên 7.000 USD/một người trong một năm và 45 triệu người Mỹ tương đương với 15% dân số khó tiếp cận dịch vụ y tế do không có bảo hiểm y tế, việc ban hành đạo luật cải cách y tế của ông Obama được trông đợi như một trong những thay đổi mà nước Mỹ cần phải có.
 
Thách thức vẫn chưa hết
 
Việc ký kết ban hành luật chưa phải là công việc cuối cùng của Tổng thống Mỹ bởi vì ông vẫn cần phải tiếp tục thuyết phục những người Mỹ còn nghi hoặc về chương trình cải cách y tế rằng các biện pháp đưa ra trong bộ luật có nhiều ưu điểm hơn. Tới đây, ngày 25/3, Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu tại thành phố Iowa, bang Iowa, nơi ông đã từng đưa ra ý tưởng cải cách y tế từ tháng 5/2007.
 
Ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cải cách y tế
, Bộ trưởng tư pháp của 14 bang trên toàn nước Mỹ đã chính thức đệ đơn khởi kiện chính phủ liên bang cho rằng đạo luật nói trên là vi phạm hiến pháp Mỹ. Theo họ, Hiến pháp Mỹ không cho phép chính phủ ép buộc mọi công dân và những người cư trú hợp pháp, một cách trực tiếp hoặc dưới hình thức đe dọa bằng hình phạt, phải có bảo hiểm y tế đúng điều kiện.
 
Một số bang đã thông qua các luật ngăn chặn việc bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm y tế, trong khi một số bang khác nói rằng họ không thể chi trả những chi phí do đạo luật mới yêu cầu.
 
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho rằng nỗ lực này của các bang sẽ trở nên vô ích. Ông Robert Sedler, một chuyên gia về hiến pháp, cho rằng việc các bang đưa đơn kiện đối với dự luật cải cách sẽ chẳng đi đến đâu.
 
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ bãi bỏ đạo luật này nếu họ giành lại được quyền kiểm soát lưỡng viện trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới đây. Đông đảo những người phản đối cho rằng "gánh nặng" bảo hiểm sẽ làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế và khiến cho các công ty làm ăn trên đất Mỹ bị mất lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
 
Tuy nhiên, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã thuyết phục thành công rằng việc thông qua đạo luật này sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến quá trình hồi phục kinh tế, vì nhiều điều khoản trong đó phải chờ đến năm 2014 mới có hiệu lực thi hành. Nhà Trắng và phe Dân chủ ở quốc hội cam kết kế hoạch này sẽ làm nước Mỹ cạnh tranh hơn, vì những khoản cắt giảm trong các chương trình y tế trước đó sẽ giúp chính phủ có ngân sách phát triển lĩnh vực khác như giáo dục.
                                 
Như vậy, thách thức lớn nhất đối với ông Obama lúc này là phải làm sao mang lại sự đoàn kết vốn bị chia rẽ sâu sắc tại Mỹ, giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng như trong nội bộ đảng Dân chủ bởi cũng có tới 34 hạ nghị sĩ bỏ phiếu chống dự luật cải cách y tế mà ông đề xuất.
 
Dù sao đi nữa, người Mỹ không thể phủ nhận một điều rằng Tổng thống Barack Obama đã đi vào lịch sử nước Mỹ khi ông là vị tổng thống đầu tiên hoàn thành một kỳ tích ngoạn mục mà các tổng thống trước ông từng bó tay.

Nguồn: VNMedia

Đọc thêm