Obama tất bật vận động tấn công Syria

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tuần này sẽ bắt đầu một loạt các cuộc vận động hành lang để cố gắng thuyết phục những người Mỹ đã quá mệt mỏi vì chiến tranh rằng các cuộc tấn công hạn chế nhằm vào Syria là cần thiết cho sự an toàn lâu dài của Mỹ. Trong khi đó, đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông cũng tích cực trấn an các nhà làm luật rằng nước Mỹ sẽ không sa lầy vào một Iraq hay Afghanistan khác.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tuần này sẽ bắt đầu một loạt các cuộc vận động hành lang để cố gắng thuyết phục những người Mỹ đã quá mệt mỏi vì chiến tranh rằng các cuộc tấn công hạn chế nhằm vào Syria là cần thiết cho sự an toàn lâu dài của Mỹ. Trong khi đó, đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông cũng tích cực trấn an các nhà làm luật rằng nước Mỹ sẽ không sa lầy vào một Iraq hay Afghanistan khác.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Internet
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Internet

Các trợ lý cấp cao của Thượng viện Mỹ cho biết, hôm nay (10/9), ông Obama dự kiến sẽ có cuộc gặp với các thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và phát đi bài diễn văn Nhà Trắng. Ông cũng có các cuộc phỏng vấn trên truyền hình trong ngày 9/9.

Theo một quan chức trong chính quyền Obama, trong các hoạt động này, ông Obama sẽ lập luận rằng việc không trừng phạt Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì cáo buộc ông này đã sử dụng vũ khí hóa học sẽ khiến cho chính phủ của ông Assad và các đồng minh Hezbollah, Iran trở nên táo bạo hơn.

Đằng sau hậu trường, tối 8/9, ông Obama đã cùng với phó Tổng thống  Biden ăn tối với khoảng 10 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa tại tư dinh của phó tổng thống. Trong khi đó, các quan chức cấp cao khác của Mỹ cũng có các buổi cung cấp thông tin kín tới toàn thể Hạ viện. Đây là những nỗ lực cuối cùng của Nhà Trắng hòng thuyết phục những nhà làm luật còn đang có thái độ hoài nghi từ cả 2 đảng đối với giải pháp can thiệp quân sự vào Syria.

Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện về vấn đề này dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 11/9. Trong khi Nhà Trắng tin tưởng rằng khả năng đạt được sự ủng hộ của Thượng viện có thể đã trong tầm tay thì việc nhận được sự chấp thuận của Hạ viện hiện do đảng Cộng hòa dẫn dắt đối với giải pháp về Syria sẽ khó khăn hơn nhiều.

Theo một cuộc khảo sát do tờ Washington Post tiến hành, đến ngày 6/9 vừa qua, có đến 224 trong tổng số 433 thành viên của Hạ viện hiện “không” hoặc “có khả năng sẽ nói không” đối với việc can thiệp quân sự trong khi 184 người vẫn chưa quyết định và chỉ có 25 người cho hay hoàn toàn ủng hộ một cuộc tấn công. Hiện còn rất nhiều chính trị gia Mỹ vẫn nghi ngại rằng việc can thiệp quân sự sẽ kéo nước này vào một cuộc chiến tranh lâu dài và tốn kém, đồng thời tạo tâm lý thù địch sâu sắc đối với nước Mỹ trong khu vực.

Theo các nhà phân tích, với việc đề nghị Quốc hội cho phép tấn công vào Syria với cớ nước này đã sử dụng vũ khí hóa học, ông Obama đã chọn cách lôi kéo sự tham gia các nhà làm luật vào quyết định có tiến hành một cuộc can thiệp quân sự không giống như bất kỳ một cuộc tấn công nào trước đó: một cuộc tấn công bên trong lãnh thổ của một đất nước có chủ quyền, không có sự đồng thuận của nước đó, không nhằm mục tiêu tự vệ và cũng không được sự chấp thuận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hay sự tham gia của một liên minh hiệp ước đa phương như NATO và nhằm mục đích trừng phạt một cuộc chiến tranh bị cáo buộc đã xảy ra chứ không phải để ngăn chặn một thảm họa sắp xảy ra.

Chiến lược của ông Obama nhằm đảm bảo rằng dù mọi chuyện diễn tiến ra sao thì cuộc khủng hoảng nhiều khả năng sẽ tạo một tiền lệ quan trọng đối với câu hỏi mang tính chất pháp lý: khi nào thì các tổng thống hay các nước có thể sử dụng vũ lực một cách hợp pháp.

“Ranh giới đỏ”

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong khi đó cũng cảnh báo rằng nếu không có sự can thiệp bằng vũ trang vào Syria thì chính phủ của tổng thống Assad sẽ lại tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học. Ông Kerry cho biết ông và các ngoại trưởng của khối Ả rập đã nhất trí rằng việc sử dụng vũ khí hóa học, mà Tổng thống Syria đang bị cáo buộc tiến hành, đã vượt qua “ranh giới nghiêm cấm trên phạm vi toàn cầu”.

Tuy nhiên, ông Kerry cũng nói rằng cuộc nội chiến của Syria sẽ chỉ có thể giải quyết bằng một tiến trình chính trị. “Chúng tôi đã nói đi nói lại và tôi cũng đã nói nhiều lần mỗi khi tôi phát biểu về vấn đề này rằng không có giải pháp quân sự. Điều mà chúng tôi muốn là thực thi luật lệ về việc sử dụng vũ khí hóa học” – ông Kerry tuyên bố.

Trong khi đó, ông Assad đã một lần nữa bác bỏ có liên quan đến vụ tấn công hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 21/8. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình PBS của Mỹ, ông Assad cũng được cho là đã nói rằng “có lẽ đã có hành động trả đũa của những người thân cận với ông nếu trước đó đã có một vụ tấn công của phe đối lập”.

Minh Tuệ (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm