Off-road đầu năm và hành trình đáng nhớ

Vừa như một sự kiện thường nhật, vừa là một cuộc hẹn hò đầu năm, chuyến đi off-road của các thành viên diễn đàn otofun

Vừa như một sự kiện thường nhật, vừa là một cuộc hẹn hò đầu năm, chuyến đi off-road của các thành viên diễn đàn otofun cuối tuần qua thực sự là hành trình đáng nhớ.

Xem ảnh Off-road đầu năm và hành trình đáng nhớ

Quả thực, nếu không có bản đồ kỹ thuật số cùng hệ thống thu tín hiệu định vị vệ tinh thì chẳng bao giờ người ta có thể tìm thấy thông tin về những địa danh của hành trình này trên các kênh báo chí, internet… Một lộ trình không quá dài, từ Hà Nội đến Bãi Cháy, Trới, Xóm Cài, Tân Ốc, Đồng Cầu, Pắc Xa, Đồng Giằm, Khe Nà rồi trở về.

Cả đoàn off-road gồm 12 xe, cùng tư trang cho một cuộc hành trình xuyên rừng rú gian khổ nhất, với các trang bị như tời, cưa máy, cáp, búa, dao quắm… cùng hàng loạt các đồ đạc để sơ cứu người và xe trong trường hợp xảy ra sự cố.

Qua địa phận Xóm Cài, rồi đến Tân Ốc, cả đoàn bỗng dưng tách khỏi con đường đẹp, để lội suối và sang một khu vực với địa hình hoàn toàn mới. Con suối sâu và rộng như một ranh giới ngăn cách giữa một bên là trục đường bộ với một bên là bản làng heo hút, và chẳng ai nghĩ rằng ôtô lại có thể hoạt động được trên địa hình này.

Lối mòn dẫn từ trục đường chính qua suối rất trơn trượt và dốc lên đến khoảng 45 độ, vừa vào cua chéo. Để có thể đổ dốc chéo từ trên đường xuống suối, các lái xe cần kìm chiếc xe “bò” thật chậm, nhưng tuyệt đối không được dùng phanh. Chỉ cần bánh xe bị bó cứng là chiếc xe sẽ bị rê ngang và mất khả năng kiểm soát ngay lập tức. Có vẻ như hầu hết các thành viên off-road đều đã có thâm niên trong những lần đổ dốc thế này nên chẳng mấy chốc tất cả đã quây quần đùa nghịch dưới lòng suối.

Có thể nhận ra rằng nhiều thành viên trong đội off-road rất thích… vầy nước. Cứ gặp suối sâu nước chảy là cho xe phi xuống tắm, chẳng cần biết phía dưới lòng suối ấy là gì. Ổng thở lắp cao lên tận nóc rồi, nên đương nhiên những chiếc xe có thể lội nước ngập thắt lưng mà không hề hấn gì.

Đi qua vùng rừng đồi heo hút, men theo con đường mòn lên xuống uốn lượn, thường khi nhìn thấy địa hình này, người ta sẽ nghĩ rằng chắc chỉ có máy ủi mới có thể hoạt động ở đây. Một khu vực dường như bị lãng quên, đi cả đoạn dài tuyệt nhiên không thấy bóng người, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng mõ trâu văng vẳng.

Nhớ lại cung đường thơ mộng Mèo Vạc, Lũng Cú, Hà Giang… đẹp lạ thường, nhưng lại thử thách các tài xế khả năng đánh lái kết hợp chuyển số và quan sát. Còn ở đây, chỉ có kỹ thuật lái siêu đẳng thì chưa đủ. Nếu không có sự can thiệp của hệ thống 2 cầu, khóa vi sai trung tâm thì chắc hẳn nhiều đoạn xe bị tụt lùi vì đường quá trơn trượt và dốc.

Sau một hành trình khá vất vả, một vùng núi rừng hoang sơ Đồng Giằm hiện ra trước mắt. Sinh sống nơi đây là đồng bào dân tộc Dao, với mật độ vô cùng thưa thớt. Thay vì chọn lộ trình xuyên qua các bản làng, những chiếc xe vốn ưa khổ ải chọn giải pháp đi xuyên qua khu núi rừng heo hút. Một số người dân bản đi qua cho biết, nơi đây là Đồng Giằm, khu vực rừng núi hoang sơ và heo hút nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Phóng viên Autonet đi cùng đoàn
Phóng viên Autonet đi cùng đoàn

Hoa tiêu của chuyến off-road này là một thành viên rất năng nổ, sinh ra và lớn lên ở Hạ Long với biệt danh Mèo Đen HL (anh thổ lộ là sinh năm Mão, da đen và quê ở Hạ Long nên có biệt danh như thế). Mèo cho biết anh đã phải mất cả tuần ròng rã để len lỏi vào các ngóc ngách của từng bản làng, từng con suối của toàn bộ khu vực rộng mênh mông này, để tìm ra một lộ trình đủ gian nan, vất vả để thử thách lòng can đảm của những chiếc xe địa hình thực thụ.

Khi đoàn off-road tiếp cận được điểm khởi đầu của đoạn đường gian khó nhất chặng tại Đồng Giằm này thì trời đã xế. Nơi đây là một lòng suối, nước mùa này đã cạn và để lại quang cảnh những tảng đá lô nhô, bị sói mòn hàng trăm hàng ngàn năm đã trở nên trơ nhẵn. Lối mòn men theo suối chỉ đủ rộng cho người đi bộ, lại có đá lổn nhổn 2 bên nên cũng không thể đặt bánh xe.

Con rạch dẫn nước tưới tiêu chạy song song với lối mòn được xây nhô cao hẳn tới 40cm so với nền đất đá trở thành một chiếc dải phân cách cứng giữa lòng suối và con đường mòn dẫn vào rừng. Việc băng qua lòng suối, lên con đường mòn lại vấp phải con rạch cao này càng gây khó khăn. Dũng sĩ Suzuki Grand Vitara xung phong đi đầu. Nhích từng bước, lấy đà, chồm lên con rạch bê tông, rồi… khực. Toàn bộ phần bụng của chàng nằm trên con rạch khiến các bánh xe bị thiếu lực ma sát, trở nên vô hiệu.

Đến đây, lợi thế bắt đầu được bộc lộ, với những chiếc xe gầm cao lốp địa hình đặc chủng, trang bị khóa vi sai. Jeep Grand Cherokee với bản lĩnh của vua off-road chẳng mấy khó khăn để vượt qua chướng ngại vật đầu tiên mà chẳng cần sự hỗ trợ nào, rồi trở thành điểm tựa để chiếc Su mắc tời kéo lên. Cứ như vậy, một xe gầm cao đi qua, rồi kéo xe gầm không đủ cao lần lượt lên đường mòn vào rừng.

Tiếng mõ trâu lốc cốc văng vẳng đâu đây. Một người đàn ông dân tộc chạc ngoại tứ tuần cùng hai con trâu đang len lỏi qua từng lùm cây tiến đến gần. Quá tò mò trước sự xuất hiện của đoàn xe, ông dừng lại hỏi:

-          “Các xe vào đây để làm đường đấy hả?”

-          “Dạ không, chúng cháu đi chơi thôi”, một thành viên trả lời

-          “Đường này xe không đi được đâu. Con trâu nhà tao nó còn không đi được thì xe đi làm sao được”.

Câu nói của người đàn ông bản làm cả đoàn im lặng trong giây lát. Quả thật, nơi đây hoang sơ và heo hút. Không hề có sự hiện diện của các phương tiện hiện đại. Con đường mòn khúc khuỷu luồn trong rừng cũng do đồng bào dân tộc và súc vật bao thế hệ nay bước đi mà tạo thành, chỉ đủ rộng cho một người đi bộ.

Nhiều đoạn địa hình đất yếu, lại bị sói mòn sau nhiều năm tạo thành các rãnh sâu hoắm đến ngang hông, rộng chừng gần 1 mét. Thỉnh thoảng lại có một cái rãnh hình thành tự nhiên do nước chảy từ trên đỉnh núi xuống, liếm sâu và cắt ngang con đường mòn, tạo thành các khe rộng và vô cùng nguy hiểm. Có thể nói rằng với địa hình đó, trâu bò hay người thạo đi rừng cũng còn cảm thấy khó khăn.

Nhưng dường như trong mỗi con người đi off-road đều đang bừng cháy một ngọn lửa và không gì có thể dập tắt. Các xe lần lượt chinh phục hết rãnh sâu này đến đoạn đường lổm nhổm đất đá kia. Khả năng trình diễn một cách khéo léo của các tài xế lúc này được phát huy tối đa. Những chiếc bánh xe phải từ từ và cẩn thận tiến lên trên hai mép rãnh, và chỉ cần một bên trượt xuống thì coi như xe bị lật nghiêng và mất ma sát, khó có thể lên được.

Đến bãi đất rộng, ai cũng muốn được tạm nghỉ để lấy lại sức. Bữa tối quá đạm bạc do không lường trước là hành trình xuyên qua rừng lại mất nhiều thời gian đến thế. Nhóm thì 5 anh em chia nhau 2 chiếc bánh mỳ cùng một hộp thịt, nhóm thì mấy người chia nhau vài nắm xôi nguội lạnh còn thừa lại từ bữa trưa, tốp còn lại thì cùng nhau quây quần bên mấy khoanh giò được thái lát mỏng. Chỉ có bia Hà Nội là đủ mỗi người một lon và vẫn còn dư dả. Không khí vẫn sôi động, tiếng chạm lon bia chỉ lộp bộp, không kêu to như tiếng chạm cốc chạm ly, nhưng cũng làm vỡ tan khung cảnh tĩnh mịch của màn đêm giữa rừng đại ngàn.

Cả đoàn tiếp tục tiến xâu vào trong rừng thì đã nửa đêm. Hành trình vất vả lại càng trở nên gian nan. Jeep dẫn đầu, tiến lên đến đoạn có vẻ gam go nhất thì dừng lại. Cái rãnh quá sâu, hai bên lại quá lổn nhổn khiến anh em trong đoàn phải dùng đến xẻng và cuốc chim để xẻ bớt những ụ đất đá lớn.

Chưa hết, ngay trước mặt lại là một cái rãnh cắt ngang rộng chừng 2 mét, hình thành do nước chảy nhiều từ trên đỉnh núi xuống. Đêm tối mịt càng khiến cho cảm giác về độ sâu của chiếc rãnh trở nên hun hút, không biết là sâu đến mức nào. Việc gia cố nếu không cẩn thận thì không ai có thể lường hết được sự nguy hiểm, bởi độ dốc của địa hình lên đến gần 45 độ thì các tảng đất đá gia cố khó mà trụ vững.

Nhưng đã đến nơi thì phải vượt qua. Mỗi thành viên trong đoàn lại trở thành những chàng trai mở đường. Người cầm xà beng, người cầm xẻng, người cầm cuốc chim, người thì cưa máy… Một số người thì cầm đèn pin đi lên phía trước thám thính xem địa hình ra sao để còn có phương án xử lý. Tất cả thành một công trường nhỏ, chẳng mấy chốc lấp đầy chiếc rãnh sâu hoắm để tạo lối đi.

Chiến binh đầu tiên chưa kịp loay hoay vượt qua đoạn gia cố thì tin thám thính đã báo về. Cách đó chừng vài trăm mét là một đoạn sạt lở rất nặng, mà trâu bò hay các loại súc vật đi qua mà không cẩn thận thì có thể bị trượt chân lăn xuống vực sâu. Một không khí yên lặng bao trùm trong giây lát, rồi rộ lên những tiếng xì xào. Để vượt qua đoạn cam go vừa khắc phục này, “tướng” Jeep cũng phải “toát mồ hôi”, huống hồ là các chiến sỹ “binh nhất, binh nhì” khác. Hơn nữa, tất cả các thành viên trong đoàn lại đang trong cơn đói lả. Việc gia cố từng đoạn hiểm trở để đi qua cánh rừng này chắc chắn sẽ mất rất nhiều giờ và có thể làm anh em kiệt sức.

Chợt nhớ lại lời của người dân bản đi chăn trâu lúc chiều. Một kinh nghiệm mà các thành viên off-road đã đúc kết được nhắc lại, rằng 1 tiếng ban ngày bằng 4 tiếng ban đêm. Trước tình hình đó, bác trưởng đoàn với biệt danh Cua tuyên bố quay đầu để đảm bảo an toàn. Nhưng làm sao quay đầu trong điều kiện bị mắc kẹt như thế này?

Trong khi anh em chưa kịp tìm ra cách thức xử lý, thì tiếng rú ga của chiếc Suzuki đỏ đã vang lên, bác Cua vọt lên trên sườn núi nghiêng tới gần 45 độ, rồi nhanh chóng quay đầu. Tiếp đó là các anh em khác lần lượt theo sau.

2 giờ sáng, 12 chiếc xe lần lượt thoát khỏi rừng, dọc theo con đường mòn nối các sườn núi để tìm đường trở về Hạ Long. Tiếng máy nổ ro ro như muốn cất lên tiếng hân hoan, báo hiệu những khó khăn đã hết.

Vậy mà hoàn cảnh vẫn như muốn chiều lòng những con người và những chiếc xe vốn chỉ ưa gian khổ trên mỗi hành trình off-road. Một đống đất đá sừng sững cao chừng 7-8 mét chắn ngang đường, hậu quả của một công trường bạt núi mở đường đang còn dở dang. Những chiếc máy xúc và máy ủi sau một ngày làm việc cũng đang “ngon giấc nồng” mà chẳng có ai đánh thức được. Có vẻ như nơi đây vắng bóng người đến mức phụ trách công trường chẳng ngờ sẽ có người qua lại lúc nửa đêm.

Vài thành viên cốt cán xuống xe, trèo lên khảo sát. Đống đất xốp vừa được bạt từ núi và ủi lên còn lổn nhổn, khiến bước chân người cũng có thể làm lở xuống. Để có thể cho xe vượt qua mô đất cứng, dốc và cao gần chục mét đã là khó, huống hồ đây là đất mượn. Nhưng trong cái khó lại ló cái may, chiếc máy xúc phía bên kia ụ đất trở thành điểm bấu lý tưởng để có thể ngoắc móc tời. Và phương án được đưa ra là: vượt. Một quang cảnh công trường lại diễn ra tấp nập, mỗi người một tay, san bớt các tảng đất đá quá lớn để tạo địa hình cho xe tiến lên.

Hoa tiêu của đoàn trên chiếc Land Cruiser tiếp cận đầu tiên. Động cơ gầm rú, chiếc xe chồm lên như một con mãnh thú, lên đến nửa chừng của ụ đất thì dừng lại, các bánh xe quay tít. Đất lở bắn tung tóe, chiếc xe mất ma sát tụt xuống. Tời ngay lập tức được nhả ra, ngoắc móc vào máy xúc. Chiếc dây cáp căng như muốn đứt, không khí căng thẳng đến tột độ. Tời từ từ cuộn dây, kết hợp với lực tải của cả 4 bánh xe, kéo chiếc xe lên một cách hiệu quả.

Tiếng vỗ tay vang lên, cộng với tiếng động cơ giòn giã xua tan bầu không khí căng thẳng. Nhưng có tới gần nửa số xe trong đoàn không được trang bị tời. Lại một phương án kết hợp kinh nghiệm giải cứu off-road được đặt ra, theo đó cứ mỗi xe có tời lên được tới đỉnh của ụ đất thì sẽ dùng dây cáp để kéo thêm một xe không có tời.

Điều bất ngờ đã xảy ra trong cuộc vượt cạn ngoạn mục này: thành viên mang biệt danh Kar đi sau cùng đã chinh phục thành công ụ đất khổng lồ với chiếc xe Mitsubishi Triton mà không cần có sự hỗ trợ nào.

Tiểu đội xe về đến Hạ Long khi trời đã tờ mờ. Bữa ăn vội vàng và thiếu thốn ở quán cóc ven đường lúc 4 giờ sáng không biết nên gọi là bữa tối hay điểm tâm sáng, nhưng cũng đủ để làm vơi bao phần mệt nhọc. Một ngày off-road cuối tuần đáng nhớ đã ở lại phía sau. Tiếng ly rượu chạm vào nhau leng keng vừa như một lời chúc mừng, vừa như một tín hiệu để mỗi thành viên khởi động lại tinh thần và khí thế cho những lần đi sắp tới.

Đọc thêm