Ôi... Ba gờ!

Chị bạn quay quắt bỏ đi, còn tôi chưng hửng đứng lại ở ngã ba đầu xóm để suy nghĩ mông lung về câu chuyện cũng rất thời sự và ngoài các chương trình thời sự mà tôi vẫn theo dõi của chị. Nhưng biết bàn luận gì đây khi chị đã giận dữ bỏ đi rồi!

Xem ti-vi mỗi đêm, một chị hàng xóm bực mình với nhiều video quảng cáo phản cảm đã than phiền với tôi:

- Mình dạy con lấy sự lễ phép, trung thực làm đầu mà trên ti-vi thì đầy rẫy những chuyện ngược lại. Không lẽ cấm nó xem!

- Chuyện gì? Chị kể xem nào!

- Thì anh thấy đó, chỉ riêng cái vụ “ba gờ” của một mạng điện thoại di động lớn hiện nay thôi cũng đủ chứng minh rồi...

- Tôi không xem quảng cáo, xong thời sự là tắt máy ngay. Chị kể đi!

- Đại khái là: Có mấy anh nhân viên bỏ việc đi chơi bi-da (vi phạm luật lao động), bị thủ trưởng gọi về. Cả hai phía đều dùng điện thoại “ba gờ”. Vậy là các nhân viên bỏ cơ, ngồi sập xuống để thủ trưởng không thấy họ đang đi chơi, bỏ việc (lính dối cấp trên). Cảnh phía kia, là thủ trưởng chỉ mặc áo sơ-mi, cà-vạt ở phần trên, còn phần dưới là... quần xà lỏn. Nghĩa là sếp vẫn ở nhà (cấp trên lại không trung thực với cấp dưới)... Cuối cùng, người ta ngầm nói với chúng ta (và cả bọn trẻ) là nhờ có phép mầu... Ba gờ.

Tôi chưa kịp nói gì thì chị bạn hàng xóm nói luôn:

- Chẳng lẽ công nghệ lại không phục vụ người ta sống tốt lên mà lại tiếp tay cho sự lừa dối lẫn nhau sao anh? Vậy thì công nghệ mới làm gì?

- Người ta dứt khoát phải có cuộc sống chất lượng hơn khi tiếp cận công nghệ mới chứ chị! Đấy, chị vẫn dùng điện thoại di động để nhắc con cái học bài, chăm sóc cây, tắt hộ máy giặt... khi đang ở cơ quan là gì? Ông xã chị đi công tác xa vẫn gọi về nhà hỏi thăm tình hình? Hàng tỷ người khắp năm châu có thể hướng đến Nam Phi để xem trực tiếp các trận bóng đá trong vài hôm nữa... Công nghệ giúp chúng ta gần lại nhau hơn...

- Nhưng công nghệ không thể tiếp tay cho sự lừa dối như cái clip quảng cáo kia được! - Chị ta nói như quát vào mặt tôi.- Người ta dối trá với nhau công khai như  vậy mà anh chịu được sao?

Chị bạn quay quắt bỏ đi, còn tôi chưng hửng đứng lại ở ngã ba đầu xóm để suy nghĩ mông lung về câu chuyện cũng rất thời sự và ngoài các chương trình thời sự mà tôi vẫn theo dõi của chị. Nhưng biết bàn luận gì đây khi chị đã giận dữ bỏ đi rồi!

Lại nhớ đến cụ Huỳnh Thúc Kháng ngày làm báo Tiếng Dân xưa. Báo Tiếng Dân tất nhiên đi đầu trong việc lấy quảng cáo để nuôi báo, để trả nhuận bút cho người viết từ  thập niên 30 của thế kỷ trước. Nhưng cụ Huỳnh đã thẳng thừng từ chối những tên tư sản là tay sai thực dân đưa đến những quảng cáo có hại cho sự nghiệp giáo dục dân trí và đạo đức nước nhà, những quảng cáo không đúng sự thật...

Vậy mà hơn 80 năm sau, chúng ta lại mắc sai lầm! Mà đâu phải chỉ có chuyện “Ba gờ” như chị bạn tôi kể.          

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Đọc thêm