Là thành phố biển, Hải Phòng thường xuyên phải chịu những cơn bão hoặc hứng chịu những đợt triều cường kết hợp mưa lớn gây thiệt hại về kinh tế và những công trình dân sinh. Do đó, công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn luôn được coi trọng. Một trong những điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ là phải ổn định hệ thống thông tin liên lạc.
Đài thông tin Duyên hải luôn là điểm tựa của ngư dân khi ra khơi
|
Liên lạc thông suốt 24/24 giờ
Các năm 2005, 2006 và 2009, Hải Phòng phải hứng chịu những cơn bão mạnh dồn dập đổ về gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tổng kết các năm ấy, tuy Hải Phòng có những thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là tại Đồ Sơn và Cát Bà, nhưng vẫn có những điểm sáng trong công tác PCLB&TKCN, trong đó có việc hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành thông suốt nên các địa phương chủ động phòng tránh, nếu không thiệt hại còn lớn hơn. Như vậy có nghĩa, hệ thống thông tin liên lạc đã góp phần giảm thiểu những thiệt hại do bão tố gây nên.
Theo ban chỉ đạo PCLB&TKCN thành phố, đến nay, từ thành phố xuống tất cả địa phương được trang bị máy bộ đàm phục vụ riêng công tác PCLB&TKCN. Ngoài ra, các ngành có liên quan cũng được trang bị máy i-com để thuận lợi trong trao đổi thông tin, điều động lực lượng cũng như đưa ra chỉ đạo kịp thời. Tại các địa phương, máy được đặt tại phòng thường trực của ban chỉ huy PCLB&TKCN và thường xuyên được kiểm tra độ thông suốt, nếu gặp trục trặc sẽ tiến hành sửa chữa ngay. Phó chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ Đinh Quốc Ái cho biết, huyện đảo Bạch Long Vĩ nằm trơ trọi giữa vịnh Bắc bộ, nên mỗi khi bão tràn qua thường để lại những ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt từ đảo về đất liền cũng như trên đảo mang ý nghĩa sống còn, bởi chỉ chậm một vài giờ hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy, trong mùa mưa bão, việc nâng cấp, tu sửa hạ tầng thông tin liên lạc được duy trì thường xuyên.
Liên lạc qua icom
|
Tại các địa phương, việc nhân viên Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thỉnh thoảng ghé vào máy “alô” không còn là chuyện lạ. Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện An Dương Đinh Hùng cho biết, huyện nhận thức tầm quan trọng của công tác này, do vậy, việc vận hành, xử lý và giữ hệ thống liên lạc thông suốt 24/24 giờ là nhiệm vụ của thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện. Trước đây, khi mới trang bị, khách đến làm việc cũng như các phòng khác tỏ ý ngạc nhiên khi thỉnh thoảng thấy nhân viên trong phòng… ghé vào máy “alô” một vài câu rồi bỏ đi. Đến khi được nghe giải thích là cứ phải “alô” như thế rồi đợi đầu dây bên kia trả lời mới khẳng định được máy bộ đàm có được thông suốt hay không, thì mới vỡ lẽ.
Cũng theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố, ngoài việc các địa phương, ngành được trang bị máy bộ đàm phục vụ công tác này, việc sử dụng tần số cho bộ đàm cũng được đặt theo kênh riêng, bảo đảm không có sự nghẽn mạng. Cùng với thông tin bộ đàm, hệ thống thông tin di động cũng được tiến hành song song tới tất cả bộ phận thường trực.
Bảo đảm vận hành theo chiều dọc
Không phải ngẫu nhiên các địa phương và các ngành được trang bị hệ thống thông tin liên lạc theo trục dọc mà trung tâm là Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố. Đây là nơi tiếp nhận thông tin từ các địa điểm đặt máy I-com cũng như phát đi thông báo của Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố. Một tần số riêng được thiết lập cho thấy tầm quan trọng của hệ thống thông tin liên lạc tuy không quá hiện đại nhưng hiệu quả này. Yếu tố quan trọng nhất là không những để thông tin lan tỏa đến các địa phương mà còn vươn tới các tàu đánh cá ngoài khơi. Khi hệ thống thông tin di động chưa thể vươn tới những vùng biển xa, bộ đàm gắn với tàu đánh cá là phương tiện liên lạc hữu hiệu nhất.
Đến thời điểm này, hệ thống thông tin di động- kênh hữu ích phục vụ công tác PCLB&TKCN của thành phố được các nhà mạng: Vinaphone, Mobifone và Viettel được phủ sóng rộng khắp, nhưng mức độ vươn xa ra ngoài biển chưa được mở rộng, bởi thiếu những trạm thu phát sóng và các thiết bị đầu cuối. Vì thế, máy bộ đàm gắn trên các tàu đánh cá đang là phương tiện liên lạc hiệu quả nhất. Theo các chủ tàu vó mực kết hợp ánh sáng ở xã Lập Lễ (Thủy Nguyên), đến nay, tuy vẫn còn một số tàu ở đây chưa được trang bị máy bộ đàm tầm xa, nhưng những tàu được gắn I-com đóng vai trò là tàu trung tâm để nhận thông tin từ đất liền. Trước đây, việc gắn I-com cho tàu đánh cá rất khó khăn vì giá một bộ máy khá cao, hơn nữa, việc yêu cầu phải lấy đúng tần số cũng gây không ít rắc rối với chủ tàu. Đi biển, phương tiện liên lạc duy nhất chỉ là chiếc radio để nghe dự báo thời tiết thì quá bấp bênh, bất trắc. Xác định được tầm quan trọng của việc lắp hệ thống thông tin liên lạc cũng như có sự giúp đỡ của Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố, các tàu cá lần lượt lắp đặt hệ thống này, vì vậy, trong nhiều năm qua, tai nạn tàu đánh cá của Hải Phòng do thời tiết giảm đáng kể. Nếu so sánh với mốc 1997- năm nghề cá Hải Phòng có nhiều tai nạn thương tâm nhất, việc PCLB&TKCN của Hải Phòng được nâng lên nhiều lần và hiệu quả của chương trình lắp đặt hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc phục vụ công tác này được đánh giá bằng sự phát triển của nghề khai thác hải sản, du lịch biển và nuôi trồng thủy sản trên biển.
Có thể khẳng định, hạ tầng hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác PCLB&TKCN của Hải Phòng được đầu tư hoàn chỉnh và đang hoạt động ổn định. Cơ sở vật chất được trang bị đến tất cả đầu mối và tàu đánh cá. Trong khi đó, tần số liên lạc được Viễn thông Hải Phòng quản lý tốt trên hệ thống sóng VHF. Việc phối hợp tốt giữa các đơn vị tạo cho hệ thống luôn thông suốt sẽ tạo điều kiện chủ động hơn trong công tác PCLB&TKCN. Cũng theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố, hệ thống thông tin liên lạc thông suốt sẽ bảo đảm phục vụ việc chỉ đạo cũng như huy động lực lượng nếu có bão lũ xảy ra.
Mai Lâm