Thành phố đã đi qua 3/4 thời gian của năm 2010 với nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, bằng sự vững vàng, kiên định, tích cực đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, Hải Phòng vượt qua nhiều khó khăn và đạt thành tựu đáng hào khi hầu hết chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu đạt tốc độ tăng trưởng như kế hoạch đề ra, một số chỉ tiêu tăng cao. Kết quả này được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành, các Phó chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các ngành, địa phương khẳng định rõ tại phiên họp thường kỳ trực tuyến tháng 9 chiều 23- 9.
Những tín hiệu vui
Trừ 2 chỉ tiêu là giá trị sản xuất nông nghiệp và khách du lịch chưa đạt như mong muốn, còn lại đều tăng trưởng và tăng trưởng cao. Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng Tạ Văn Toản, 9 tháng, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố đạt 10,5%, cơ bản đáp ứng yêu cầu và đáng mừng là có tốc độ tăng dần qua từng quý, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước.
|
Cơ cấu GDP có sự chuyển dịch đáng kể khi nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 10%; công nghiệp, xây dựng 38,2% và dịch vụ đạt 51,9%. Công nghiệp Hải Phòng bị ảnh hưởng nặng nề do ngành đóng tàu tiếp tục sụt giảm, tăng trưởng âm, kèm theo những khó khăn dồn dập từ “sự cố” Vinashin nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 13%, bằng mức cận dưới của kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản tuy có biến động do diện tích trồng lúa giảm, kéo theo sự sụt giảm của sản lượng nhưng tính chung vẫn đạt mức tăng trưởng 5,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 1,412 tỷ USD, tăng 18,1% khi kế hoạch cả năm là tăng 15%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tăng, đạt 25.568 tỷ đồng, tăng 26,2% ( kế hoạch 22%). Sản lượng hàng hóa qua khu vực cảng Hải Phòng tuy có thời gian chững lại nhưng tháng 9 bắt đầu tăng, 9 tháng đạt hơn 26 triệu tấn, tăng 9,2%. Đặc biệt, thu ngân sách có nhiều tín hiệu đáng mừng khi số thu nội địa 9 tháng đạt 4418 tỷ đồng, tăng trưởng tới 38% (kế hoạch tăng 14,7%). Trong khó khăn, thành phố vẫn huy động hơn 20.311 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn do địa phương quản lý là chủ yếu, đạt 14.333 tỷ đồng, tăng 22,5%. Hơn 35.600 lao động được giải quyết việc làm, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Việc áp dụng chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành của UBND thành phố, các ngành tạo ra bước đột phá lớn, là cơ sở để Hải Phòng cắt giảm 73% số thủ tục hành chính, tập trung vào 3 mục tiêu chính là “ giảm thủ tục, giảm giấy tờ, giảm thời gian”.
9 tháng qua, Hải Phòng khởi sắc bởi một loạt công trình chào mừng kỷ niệm 55 năm thành phố giải phóng, 1000 năm Thăng Long- Hà Nội như đường trục qua Khu công nghiệp Đình Vũ, đường nối cầu Rào 2 đến nút giao đường Nguyễn Văn Linh, đường bao phía Đông Nam quận Hải An, Khu phi thuế quan và khu công nghiệp Nam Đình Vũ; Trung tâm dưỡng sinh và phục hồi sức khỏe cán bộ; Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại huyện Kiến Thụy, tôn tạo tháp Tường Long; tu bổ, tôn tạo và mở rộng di tích đền Gắm (Tiên Lãng). Đáng chú ý là thành phố đạt nhiều kết quả trong thực hiện chủ đề năm “ Tăng cường bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội”, chủ động giải quyết nhiều vấn đề bức xúc về môi trường cũng như xây dựng kế hoạch dài hơi. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố bố trí 473 tỷ đồng chi cho các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội… Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững là nền tảng cơ bản để Hải Phòng vững bước tiến lên.
Giữ vững và nâng cao tốc độ tăng trưởng
Chưa bằng lòng và chưa thật yên tâm, lãnh đạo thành phố, các ngành, địa phương tập trung phân tích một số điểm yếu, cần tập trung chỉ đạo trong quý 4. Giám đốc Sở Công Thương Đỗ Quang Thịnh cho rằng, sản xuất công nghiệp 9 tháng mới đạt mức cận dưới của kế hoạch là chưa thể yên tâm, hơn nữa càng về cuối năm, xu hướng tăng chậm dần đều càng rõ, nhiều ngành chiếm tỷ trọng lớn bị sụt giảm, ảnh hưởng tới kết quả chung. Theo ông Thịnh, ngoài việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Vinashin thì cần tập trung nhiều hơn nữa cho các dự án công nghiệp lớn trên địa bàn như Nhà máy DAP, Thép Sông Đà, Nhiệt điện Hải Phòng… Bên cạnh đó, cần tăng cường mở rộng các hoạt động kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, chủ động dự trữ và bình ổn giá cả trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Trọng Tuấn cho biết: mục tiêu xây dựng nông thôn mới đang được thành phố và ngành, các địa phương rất quan tâm nhưng kinh phí quá lớn, cần có lộ trình và các bước làm cụ thể, chắc chắn mới đáp ứng yêu cầu. Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Trần Lanh đề nghị thành phố hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại địa phương, nhanh chóng khắc phục sự cố cầu Bính và giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại cầu Kiền. Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng Lê Văn Lạm kiến nghị một số vướng mắc trong giải quyết kiến nghị của các hộ kinh doanh tại chợ hoa quả, mong được thành phố hỗ trợ giải quyết dứt điểm. Giám đốc Công an thành phố Đỗ Hữu Ca khẳng định thành tích của ngành công an trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn đại hội Đảng các cấp nhưng cũng cảnh báo về sự manh động, khó lường của một số loại tội phạm như sử dụng súng săn, súng hoa cải, súng bút, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, giả danh cán bộ, người nhà cán bộ để lừa đảo, trục lợi; bảo kê, trấn lột các nhà hàng…
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành khẳng định, các chỉ tiêu kinh tế- xã hội 9 tháng cơ bản hoàn thành tạo đà để thành phố đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2010. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đáng chú ý như tiềm ẩn nguy cơ sút giảm của sản xuất công nghiệp, liên quan tới tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Vinashin; sự cố cầu Bính cũng như tắc nghẽn giao thông sau cảng ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế xã hội. Nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp lớn không đạt công suất là điều đáng quan tâm. Bên cạnh đó là nguy cơ mất cân đối trong một số lĩnh vực như vốn đối ứng cho các dự án đầu tư lớn bằng nguồn ODA, nợ đọng xây dựng cơ bản ở các quận, huyện; sự bất cập giữa nhà máy sản xuất và vùng nguyên liệu cùng các khoản nợ tới hạn phải trả, các khoản thu phí, lệ phí còn thấp và còn thất thu; an ninh trật tự nảy sinh nhiều vấn đề mới.
Bởi vậy, ngoài 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trọng tâm của quý 4, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các ngành, c địa phương tập trung thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, chú trọng tới các chỉ tiêu còn đạt thấp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án, chú ý xử lý các tồn tại của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng; đẩy nhanh việc thực hiện các quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch, tiến tới phân cấp nhiều hơn cho các địa phương trong quản lý quy hoạch; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để sản xuất, kinh doanh phát triển; tổ chức thành công hội nghị hợp tác phi tập trung Việt- Pháp lần thứ 8; tập trung bảo vệ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 14 và Đại hội lần thứ 11 của Đảng; tập trung thu hồi vật liệu nổ, giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý dứt điểm các điểm nghẽn về giao thông…, quyết tâm hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế -xã hội năm 2010, giữ vững quốc phòng- an ninh, tạo thế và lực để thành phố vững bước tiến lên./.
Hồng Thanh