Thực hiện chủ trương lấy năm 2019 là “Năm đột phá về cải cách hành chính” thế nhưng trên địa bàn TP HCM rất nhiều trường hợp doanh nghiệp và dân bị “hành lên, hành xuống” vì thái độ “hành là chính” của một bộ phận công bộc nơi đây. Trong khi đạo đức nghề nghiệp của họ là phải tận tâm, văn hóa công vụ là phải có thái độ niềm nở, chu đáo.
Tại Hà Nội, phiên tòa xét xử nhóm cưỡng đoạt tài sản ở chợ Long Biên. Hưng “kính” – Tổ trưởng bốc dỡ hàng hóa hành xử theo kiểu giang hồ, thừa nhận trước Tòa: “Đã có những ứng xử thiếu văn minh” và gửi lời xin lỗi đến tất cả các hộ kinh doanh ở đây. Cái cách “hành” những tiểu thương ở chợ của bị cáo này đã làm cho người ta lo sợ và cho đến hiện tại, các bị hại vẫn lo sợ bị trả thù.
Tương tự như tiểu thương, doanh nghiệp bị “hành” cũng muốn tự tử. Đó là bộc bạch của bà Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai khi đề cập đến các dự án đang xin phép của công ty bà tại TP HCM. So sánh điều này để thấy nỗi bức xúc trước những hành vi gây khó dễ thì ở đâu và bất cứ ai, tiểu thương cũng như đại gia, cũng như nhau cả!
Ông Chủ tịch thành phố thấy xấu hổ vì cấp dưới “hành” doanh nghiệp, còn cấp dưới thì sao? Có vẻ họ không thấy xấu hổ gì cả và nếu như thái độ này còn tiếp diễn thì sẽ vô hiệu hóa Đề án văn hóa công vụ của Chính phủ đã ban hành và các nỗ lực cải cách hành chính sẽ không phát huy tác dụng.